Thứ Hai, 31/10/2022 16:03

ĐBQH: Ai sẽ chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước?

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

Ngày 31/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Vẫn còn lãng phí trong quản lý sử dụng vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước

Đánh giá cao và tán thành với kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng đây là kết quả đầy nỗ lực của các thành viên Đoàn giám sát; các ngành các, cấp… Tại phiên thảo luận, đại biểu quan tâm về vấn đề lãng phí trong quản lý sử dụng vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Quan tâm đến lãng phí trong quản lý vốn đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho biết, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất có doanh nghiệp nhà nước tham gia, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, xây dựng hạ tầng số, cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Dù có nhiều thuận lợi từ nguồn vốn nhà nước, nhưng việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn chưa hiệu quả, có lãng phí. Cụ thể, Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 chỉ đạt 3%, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chỉ đạt 1%. Trong cổ phần hóa, một số doanh nghiệp sau chuyển đổi hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ. Hiệu quả đầu tư vốn chưa đạt kỳ vọng.

Về giải pháp để khắc phục tình trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm tổng kết trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Đồng thời chỉ đạo tăng cường đổi mới quản trị cho các doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc chuẩn quốc tế, trong đó tập trung vào tinh giản bộ máy quản lý doanh nghiệp, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, đồng thời xây dựng cho được đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp giỏi.

Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về tình hình kết quả xử lý doanh nghiệp làm lãng phí vốn nhà nước và việc lãng phí thất thoát tài nguyên đất đai trong quá trình cổ phần hóa.

Ai sẽ chịu trách nhiệm về tồn tại, thất thoát, lãng phí?

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa khẳng định kết quả giám sát chuyên đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho thấy tình hình lãng phí, thất thoát các nguồn lực của đất nước về tài chính, ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, thời gian lao động về nguồn lực rất lớn và nghiêm trọng.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Hữu Trí nêu con số trong báo cáo về thất thoát, lãng phí trong sử dụng vốn ngân sách nhà nước, quản lý đất đai tại các lâm trường, các dự án chậm tiến độ, dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, dự án dang dở, gây thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục chưa được tiết kiệm, chưa có hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí…

Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí nêu trong báo cáo giám sát cũng chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về thực trạng lãng phí, thất thoát trong xã hội của đất nước ta hiện nay. Đại biểu đề nghị cần có sự đánh giá nghiêm túc về các giải pháp khắc phục hiệu quả từ công tác giáo dục, nâng cao ý thức đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật.

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã chỉ ra rất cụ thể, các mặt còn tồn tại, gây thất thoát, lãng phí cũng chỉ rõ nguyên nhân của các tồn tại đó. Điều đó cho thấy Quốc hội đã chọn trúng và đúng vấn đề giám sát. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra tiếp theo là ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại, tổn thất, lãng phí đó; giải pháp để xử lý tiếp theo các tồn tại đó như thế nào? 

Đại biểu mong muốn Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí, trong đó cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương án khắc phục, xử lý đối với trên 3,000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; trên 79,000 hecta đất nông, lâm nghiệp đã quyết định thu hồi nhưng có phương án sử dụng… Tập trung xử lý các dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, các dự án BT, BOT đang triển khai dở dang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; các dự án đã hoàn thành nhưng không đưa vào sử dụng, không phát huy hiệu quả, chất lượng không bảo đảm.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Đoàn giám sát Quốc hội bổ sung nội dung lãng phí chưa được đề cập trong báo cáo đó là vấn đề sách giáo khoa các cấp học phổ thông đã gây ra sự lãng phí lớn của xã hội cần được xem xét sửa đổi một cách nghiêm túc. Vấn đề này có nhiều bức xúc cho xã hội từ nhiều năm nhưng càng đổi mới chương trình giảng dạy thì lãng phí cho xã hội nhiều hơn và gây ra càng nhiều hơn sự bức xúc của xã hội.

Đại biểu Lê Hữu Trí cũng nêu việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chưa nghiêm, sự lãng phí trên nhiều lĩnh vực ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật, chính sách, biện pháp tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm tính pháp chế, tính kỷ luật, kỷ cương và chưa đạt hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần sớm rà soát các hệ thống pháp luật hiện hành, các chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực gây ra sự lãng phí lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. Tiếp tục hoàn thiện luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm soát, hạn chế sự lãng phí nguồn lực quốc gia và xã hội….

Theo đại biểu, điều quan trọng cốt lõi hơn là Đảng và Nhà nước cần có chiến lược xây dựng cho được trong nhận thức và hành động của mỗi cá nhân, mỗi cơ quan, mỗi tổ chức và toàn xã hội văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm, tư duy làm việc hiệu quả dù là việc nhỏ nhất, gắn với việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật và có chế tài mạnh đối với các hành vi gây lãng phí, thất thoát mới tạo được sự chuyển biến tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính: Cần 60,000 tỷ đồng để tăng lương cơ sở từ năm 2023 (29/10/2022)

>   Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 10/2022 ước đạt 130.3 ngàn tỷ đồng (29/10/2022)

>   Ngân sách thu hơn 3.100 tỷ đồng từ YouTube, TikTok (28/10/2022)

>   Bộ Tài chính dự toán thu ngân sách năm 2023 là hơn 1.6 triệu tỷ đồng (28/10/2022)

>   Bộ Tài chính đề xuất giảm nhiều loại thuế phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân (26/10/2022)

>   Kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 4.78 tỷ USD trong 9 tháng (25/10/2022)

>   Bộ trưởng Tài chính: Năm 2023 dự toán tổng chi cân đối ngân sách hơn 2.076 triệu tỷ đồng (21/10/2022)

>   Ủy ban Tài chính – Ngân sách: Cơ cấu tăng thu NSNN vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn (20/10/2022)

>   Chính phủ sẽ vay 619.492 tỷ đồng trong năm nay (19/10/2022)

>   Tiền thu hồi, xử lý nợ và tài sản được DATC sử dụng thế nào? (18/10/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật