Thứ Tư, 19/10/2022 10:34

Chính phủ sẽ vay 619.492 tỷ đồng trong năm nay

Năm nay, Chính phủ ước vay 619.492 tỷ đồng và dành hơn 320.000 tỷ đồng để trả nợ. Nợ công vượt 43% GDP nhưng vẫn trong giới hạn mục tiêu.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 vẫn được kiểm soát. Ảnh: Hoàng Hà

Tại báo cáo gửi Quốc hội ngày 18/10 về nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023, Chính phủ cho biết năm nay huy động vốn đạt khoảng 619.492 tỷ đồng, rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương ước 19.446 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn huy động vốn của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước 569.976 tỷ đồng (chiếm 92%), đa số thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP).

Ngoài ra, rút vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 49.515 tỷ đồng (chiếm 8%), trong đó cấp phát ngân sách trung ương (NSTW) khoảng 30.070 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 19.446 tỷ đồng.

Nợ công vượt 43% ngân sách

Theo báo cáo, trong bối cảnh thu NSTW dự kiến năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công chậm, phát hành TPCP những tháng cuối năm cần "phù hợp để đáp ứng yêu cầu chi NSTW năm 2022".

Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi theo hiệp định đạt gần 185 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Dự kiến đến cuối năm, 6 hiệp định vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 188 triệu USD sẽ được ký kết.

Năm nay, tổng trả nợ của Chính phủ ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng.

Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ của NSTW. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 so với thu NSNN khoảng 18-19%, đảm bảo trong phạm vi mức trần 25% được Quốc hội cho phép.

Năm nay, ngân sách địa phương vay 19.184 tỷ đồng. Khoản trả nợ gốc khoảng 3.309 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí 1.818 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương dự kiến là 15.875 tỷ đồng, giảm 9.125 tỷ so với dự toán Quốc hội quyết định.

Theo đánh giá của Chính phủ, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.

Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài; nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn.

Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 202215.

Kế hoạch 2023, dự kiến huy động vốn vay 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi NSTW 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.

Dư nợ vay bằng tiền VNĐ chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022. Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường.

Những thách thức

Tuy vậy, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhất là với vốn ODA, dự kiến chỉ đạt 65% kế hoạch vào cuối năm 2022.

Áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận lợi dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng. Trong khi đó, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng tiền Việt Nam, ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, nhất là nợ bằng USD, và tạo ra những rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài.

Đối với nợ trong nước, đến cuối tháng 9, mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước đã tăng đáng kể trên tất cả kỳ hạn.

Năm 2023, Chính phủ dự kiến huy động vốn vay 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi NSTW 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.

Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành TPCP; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, có thể vay từ những nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.

Dựa trên nhiệm vụ huy động vốn năm 2023 và các nguồn huy động trên, Chính phủ dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp khoảng 293.405 tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng.

Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách vẫn trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt. Dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Tiền thu hồi, xử lý nợ và tài sản được DATC sử dụng thế nào? (18/10/2022)

>   Sai phạm tại các dự án đầu tư công gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỉ đồng (18/10/2022)

>   Thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản tăng hơn 96% (17/10/2022)

>   Bất ngờ tiền thuế 'đặc biệt tăng cao' Facebook, TikTok nộp tại Việt Nam (16/10/2022)

>   Thu thuế thu nhập cá nhân vượt dự toán (07/10/2022)

>   Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn (07/10/2022)

>   Có nên giảm toàn bộ thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với xăng? (07/10/2022)

>   Bất ngờ về số tiền thu được tại casino cho người Việt chơi ở Phú Quốc (04/10/2022)

>   Bất ngờ 'đại gia mới nổi' gia nhập CLB nộp ngân sách lớn nhất nước (30/09/2022)

>   Chống thất thu thuế thương mại điện tử quan trọng nhất là quản lý được dòng tiền (29/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật