Dầu giảm 2% khi Trung Quốc lại bùng phát Covid-19
Giá dầu giảm 2% vào ngày thứ Ba (11/10), nối dài đà giảm gần 2% trong phiên trước đó, khi những lo ngại về suy thoái và sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc làm tăng lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã cảnh báo vào ngày thứ Hai (10/10) về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng, đồng thời cho biết lạm phát vẫn là một vấn đề kéo dài.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1.90 USD (tương đương 2%) xuống 94.29 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 1.78 USD (tương đương 2%) còn 89.35 USD/thùng.
Craig Erlam của Oanda nhận định: “Ngày càng có nhiều sự bi quan trên thị trường”.
Dầu đã nhảy vọt vào đầu năm nay, đưa dầu Brent lên gần mức cao kỷ lục 147 USD/thùng khi cuộc xung đột Nga – Ukraine làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung, tuy nhiên, giá dầu đã sụt giảm gần đây do những lo ngại về kinh tế.
Dự trữ dầu thô tại Mỹ dự kiến sẽ tăng trong tuần trước sau khi giảm 2 tuần trước đó, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy.
Lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các nhà chức trách đẽ tăng cường xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác khi số ca nhiễm tăng mạnh trở lại.
Dầu cũng chịu áp lực từ đồng USD mạnh hơn, vốn đã đạt mức đỉnh nhiều năm do lo ngại về lãi suất tăng và leo thang chiến tranh ở Ukraine.
Đồng USD mạnh hơn là dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác và có xu hướng gây áp lực lên khẩu vị rủi ro.
Tuy nhiên, đà giảm đã bị hạn chế bởi một thị trường khan hiếm và quyết định vào tuần trước của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi chung là nhóm OPEC+, rằng sẽ cắt giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Ả-rập Xê-út sau khi OPEC+ thông báo vào tuần trước sẽ cắt giảm sản lượng dầu, phát ngôn viên an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết vào ngày thứ Ba.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|