Credit Suisse lỗ hơn 4 tỷ đô, hé lộ kế hoạch cải tổ toàn diện
Trong ngày 27/10, Credit Suisse ghi nhận khoản lỗ quý 3/2022 vượt xa dự báo của các chuyên gia, đồng thời công bố kế hoạch cải tổ toàn diện xoay quanh mảng ngân hàng đầu tư.
Quý 3, ngân hàng Thụy Sỹ lỗ ròng 4.034 tỷ Franc (tương đương 4.09 tỷ USD), vượt xa dự báo lỗ 567.93 triệu Franc từ các chuyên viên phân tích. Cùng kỳ, Credit Suisse lãi ròng 434 triệu Franc (440 triệu USD).
Ngân hàng này lưu ý "việc đánh giá lại khoản thuế thu nhập hoãn lại liên quan tới quá trình tái cấu trúc” làm phát sinh khoản thiệt hại 3.655 tỷ Franc (3.7 tỷ USD) và là yếu tố chính dẫn tới khoản lỗ nặng của quý 3.
Dưới áp lực từ các nhà đầu tư, Credit Suisse đã công bố kế hoạch cải tổ để giải quyết tình trạng yếu kém ở mảng ngân hàng đầu tư và hàng loạt khoản phí kiện tụng.
Tách mảng ngân hàng đầu tư, huy động hơn 4 tỷ USD
Trong kế hoạch vừa công bố, Credit Suisse cam kết “tái cấu trúc toàn diện” mảng ngân hàng đầu tư để giảm bớt tổng tài sản có rủi ro (RWA) – vốn được dùng để xác định yêu cầu vốn của một ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng Thụy Sỹ này cũng định cắt giảm chi phí 15%, tương đương 2.5 tỷ Franc (2.533 tỷ USD), vào năm 2025.
Credit Suisse dự báo sẽ phát sinh chi phí tái cấu trúc 2.9 tỷ Franc (2.93 tỷ USD) cho tới cuối năm 2024.
Theo kế hoạch cải tổ, Credit Suisse sẽ phân tách mảng ngân hàng đầu tư thành một doanh nghiệp độc lập có tên CS First Boston, đồng thời huy động 4 tỷ Franc (4.053 tỷ USD) thông qua việc phát hành cổ phiếu mới và phát hành quyền mua.
Ngoài ra, Credit Suisse cũng sẽ tạo một đơn vị để rà soát, giảm bớt quy mô của các mảng kinh doanh có hiệu suất thấp và không phải là mảng chiến lược.
Mục tiêu của kế hoạch này là để giảm phần tổng tài sản rủi ro khoảng 40% và giảm đòn bẩy khoảng 40% trong quá trình tái cấu trúc. Kế đó, Credit Suisse dự tính phân bổ “gần 80% vốn cho mảng quản lý tài sản cho người giàu, mảng ngân hàng Thụy Sỹ, mảng quản lý tài sản và mảng thị trường vào năm 2025”.
Theo tân CEO Ulrich Koerner, mô hình kinh doanh mới được thiết kế để “cho phép Credit Suisse mang lại kết hợp độc đáo và hấp dẫn cho khách hàng và đồng nghiệp, đồng thời hướng tới tăng trưởng tự thân (organic growth) và tạo lợi nhuận cho cổ đông”.
“Ủy ban Điều hành mới sẽ tập trung khôi phục lại niềm tin thông qua việc triển khai chiến lược mới một cách quyết liệt và có trách nhiệm. Trong đó, quản trị rủi ro đóng vai trò cực kỳ then chốt trong mọi việc”, ông nói.
Ông Koerner chỉ vừa nhậm chức CEO vào tháng 7/2022, sau khi ngân hàng này lỗ ròng 1.593 tỷ Franc trong quý 2/2022 và người tiền nhiệm Thomas Gottstein từ chức.
Trong thời gian vừa qua, Credit Suisse đối mặt với hàng loạt khó khăn: Doanh thu ảm đạm từ mảng ngân hàng đầu tư, các khoản lỗ từ việc rút hoạt động khỏi Nga và các chi phí kiện tụng liên quan tới một loạt các lỗi không tuân thủ quy định và các lỗ hổng trong việc kiểm soát rủi ro, nhất là ở vụ bê bối của Archegos.
Credit Suisse cảnh báo có thể ghi nhận lỗ kỷ lục trong quý 4/2022 vì các chi phí liên quan tới tái cấu trúc. Công ty cũng thông báo hàng loạt thay đổi khác, bao gồm cắt giảm hàng ngàn việc làm, bán mảng sản phẩm cấu trúc (structured products).
Các điểm nhấn trong báo cáo tài chính quý 3/2022 của Credit Suisse:
- Tổng doanh thu đạt 3.804 tỷ Franc (3.853 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức 5.437 tỷ Franc của cùng kỳ.
- Tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (CET1) – một thước đo về khả năng thanh toán của ngân hàng – ở mức 12.6%, thấp hơn mức 14.4% của cùng kỳ và 13.5% của quý trước.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|