Dow Jones tăng hơn 300 điểm, chứng khoán châu Âu tăng hơn 1%
Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng trong ngày 24/10 khi các trader tiếp tục đánh giá khả năng Fed giảm nhịp độ nâng lãi suất trong tương lai.
Tính tới lúc 22h30 ngày 24/10 (giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones tăng 328 điểm (tương đương 1.1%), S&P 500 tiến 0.79% và Nasdaq Composite cộng 0.12%.
Trên thị trường châu Âu, các chỉ số đều tăng hơn 1%, với Stoxx 600 tiến 1.44%, DAX cộng 1.67%. Sắc xanh ngập tràn trên thị trường chứng khoán châu Âu sau khi thông tin cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã đủ điều kiện trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và sẽ là Thủ tướng Anh sau khi đối thủ Penny Mordaunt rút lui khỏi cuộc đua.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm cơ bản lên 4.278%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng tiến 2 điểm cơ bản lên 4.511%. Trong ngày 21/10, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 4.33% trước khi tờ Wall Street Journal đưa tin các quan chức Fed đang lo ngại về chuyện nâng lãi suất quá trớn.
Trong tuần trước đó, các chỉ số ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022, với Dow Jones leo dốc 4.9%, S&P 500 cộng 4.7% và Nasdaq Composite tiến 5.2%.
Fed sẽ bàn về khả năng nâng lãi suất chậm lại trong cuộc họp tháng 11?
Các quan chức Fed đang hướng tới phương án nâng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11/2022. Điều quan trọng hơn là họ có thể bàn về khả năng giảm nhịp độ nâng lãi suất trong tháng 12.
“Chúng tôi sẽ bàn luận rất kỹ về nhịp độ thắt chặt chính sách tại cuộc họp kế tiếp”, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết trong bài phát biểu trước đó.
Một số quan chức mong muốn nâng lãi suất chậm lại và ngừng nâng vào đầu năm 2023 để xem các đợt nâng lãi suất trước đó tác động thế nào tới nền kinh tế. Họ muốn giảm bớt rủi ro khiến kinh tế giảm tốc mạnh hơn mức cần thiết. Trong khi đó, các quan chức khác cho biết vẫn còn quá sớm cho các cuộc bàn luận này vì lạm phát rõ ràng vẫn rất cao và diễn ra trên diện rộng.
Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản 3 lần liên tiếp và đưa lãi suất lên phạm vi từ 3%-3.25%. Các quan chức đang tăng lãi suất quyết liệt nhất kể từ đầu thập niên 80.
Các quan chức Fed muốn giảm tốc kinh tế thông qua lãi suất cao hơn và giá tài sản thấp hơn, vì điều này sẽ hạn chế chi tiêu, tuyển dụng và đầu tư. Họ kỳ vọng điều đó sẽ làm giảm nhu cầu và giảm lạm phát theo thời gian.
Các thành viên Fed phải đối mặt với một loạt quyết định. Đầu tiên, họ có tăng lãi suất nhẹ hơn (50 điểm) vào tháng 12 không? Và nếu vậy, làm thế nào để họ giải thích với công chúng rằng họ không lùi bước trong cuộc chiến ngăn chặn lạm phát “bám rễ” vào tâm lý người tiêu dùng?
Thị trường chứng khoán tăng điểm trong tháng 7 và tháng 8 do kỳ vọng Fed giảm nhịp độ tăng lãi suất. Kỳ vọng này mâu thuẫn với các mục tiêu của NHTW Mỹ vì các điều kiện tài chính nới lỏng hơn sẽ kích thích chi tiêu và tăng trưởng kinh tế. Sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell phải khẳng định lại lập trường tập trung chống lạm phát để bác bỏ các kỳ vọng sai lệch về quá trình nâng lãi suất.
Nếu muốn dọn đường cho việc tăng lãi suất 50 điểm vào tháng 12, các quan chức sẽ muốn phát tín hiệu trước để nhà đầu tư chuẩn bị cho những tuần sau cuộc họp tháng 11/2022, nhưng họ cũng không muốn tạo ra đà tăng mạnh trên thị trường chứng khoán.
“Bây giờ là lúc để bắt đầu lên kế hoạch giảm nhịp nâng lãi suất”, Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly cho biết trong buổi thảo luận tại Đại học California trong ngày 21/10.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|