Bài cập nhật
Xướng tên doanh nghiệp đạt giải IR Awards 2022
Ngày 15/09/2022, Lễ Vinh danh Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2022 (IR Awards) được VAFE, FiLi và Vietstock đồng tổ chức nhằm xướng tên và vinh danh những doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất. Bên cạnh đó, tọa đàm bàn tròn IR View trong khuôn khổ sự kiện với sự góp mặt của nhiều chuyên gia hứa hẹn đem đến góc nhìn đa dạng về hoạt động quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp niêm yết.
Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2022 gọi tên ai?
IR Awards 2022 bao gồm hai vòng: (1) Khảo sát toàn diện về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán trong vòng 12 tháng, (2) Mở Bình chọn IR đại chúng & Đánh giá IR từ các định chế tài chính chuyên nghiệp.
Những doanh nghiệp xuất sắc và dẫn đầu về hoạt động IR trong tổng số 736 doanh nghiệp niêm yết đã chính thức được công bố tại Lễ vinh danh IR Awards 2022 diễn ra sáng ngày 15/09/2022.
Các hạng mục được vinh danh bao gồm Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2022 và Top 3 Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2022 chia theo quy mô vốn hóa.
Đây là những doanh nghiệp niêm yết tiêu biểu về truyền thông tài chính hiệu quả, đạt được danh tiếng tốt trên thị trường vốn và quản trị tốt sự kỳ vọng của thị trường chứng khoán.
- Truyền thông tài chính hiệu quả: Truyền thông tài chính minh bạch và hiệu quả, tạo được sự hiểu biết rộng rãi về giá trị và triển vọng của doanh nghiệp, có những nhóm nhà đầu tư ủng hộ mạnh trên thị trường.
- Danh tiếng tốt trên thị trường vốn: Doanh nghiệp tạo được danh tiếng tài chính tốt, từ năng lực quản trị, uy tín của HĐQT và Ban điều hành đến độ tin cậy của số liệu tài chính và các tài liệu công bố khác.
- Quản trị tốt sự kỳ vọng của thị trường chứng khoán: Hoạt động quan hệ nhà đầu tư giúp tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp, định giá từ thị trường sát với giá trị nội tại của doanh nghiệp, thanh khoản cổ phiếu hợp lý.
Trao giải cho nhà đầu tư bình chọn chuẩn xác nhất
Đối với hạng mục Nhà đầu tư yêu thích nhất, chương trình mở Website Bình chọn đại chúng tại địa chỉ ir.vietstock.vn. Tại hạng mục này, cơ cấu giải thưởng dành cho nhà đầu tư tham gia là Tủ lạnh Whirlpool Inverter 4 cửa dung tích 594L trị giá 36,690,000 đồng; Robot hút bụi lau nhà Mi Robot Vacuum Mop 2 Pro trị giá 9,990,000 đồng cùng nhiều phần thưởng giá trị khác.
Nhà đầu tư có kết quả bình chọn chuẩn xác nhất nhận được các phần quà giá trị từ IR Awards 2022
|
Xướng danh Top 3 IR Awards - Những doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2022
Từ 736 doanh nghiệp, hội đồng bình chọn gồm 31 định chế tài chính hàng đầu đã đánh giá hoạt động IR và tìm ra những gương mặt có hoạt động IR tốt nhất 2022.
Trao kỷ niệm chương cho các định chế tài chính tham gia đánh giá giải IR Awards 2022
|
Kết quả bình chọn Top 3 IR Awards 2022 như sau:
Top 3 Large Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2022
|
Top 3 Mid Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2022
|
Top 2 Small & Micro Cap có hoạt động IR được Nhà đầu tư yêu thích nhất 2022
|
Top 3 Large Cap có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2022
|
Top 3 Mid Cap có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2022
|
Top 3 Small & Micro Cap có hoạt động IR được Định chế tài chính đánh giá cao nhất 2022
|
Tọa đàm IR View: Làm sao để đón làn sóng nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Tọa đàm IR View tại sự kiện IR Awards 2022 tổ chức sáng 15/09/2022
|
Tọa đàm IR View với sự tham gia của cơ quan quản lý, doanh nghiệp niêm yết, các chuyên gia kinh tế - tài chính là bàn tròn để trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra lời giải cho bài toán thu hút được nhà đầu tư nhỏ lẻ của doanh nghiệp. Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia:
- Chuyên gia Lâm Minh Chánh - Nhà sáng lập và Chủ tịch Học viện Kinh doanh & Tài chính BizUni điều phối Chương trình Tọa đàm cùng các diễn giả
- Ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM
- Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld, HOSE: DGW)
- Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital
- Ông Huỳnh Minh Tuấn - Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset
Thảo luận
Nhà đầu tư (NĐT) cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tham gia trên thị trường chứng khoán. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản NĐT cá nhân đạt hơn 6.3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường. Các anh/chị đánh giá về thực trạng này và dự báo xu hướng gì về sự gia tăng lượng NĐT cá nhân trong tương lai?
Ông Đoàn Hồng Việt: Xu hướng của các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tăng vì tỷ lệ dân thu nhập trung bình đang ngày càng tăng lên và sẽ trở thành trụ cột cho nền kinh tế. Thay vì tiêu xài cho mục đích giải trí, họ sẽ chuyển sang đầu tư để mang lại nhiều lợi ích hơn cho cuộc sống.
Tuy nhiên, đầu tư không phải là công việc đơn giản và tâm lý nhà đầu tư cá nhân vẫn đang là chơi chứng khoán với mong muốn lãi vài ngày vài phần trăm. Tôi hy vọng rằng NĐT cá nhân sẽ càng ngày hiểu biết hơn, thận trọng hơn, và có thể đầu tư thông qua các sản phẩm chứng chỉ quỹ để tăng tính an toàn.
Ông Đoàn Hồng Việt (ngồi giữa) - Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới số (Digiworld, HOSE: DGW)
|
NĐT nhỏ lẻ thường ít vốn lại bị khan hiếm thông tin chuẩn mực. Vậy cơ hội nào cho NĐT nhỏ lẻ có thể tiếp xúc nhiều hơn với doanh nghiệp qua mỗi buổi gặp gỡ với NĐT và cổ đông lớn để có nhiều sự lựa chọn đầu tư chính xác và chủ động hơn?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Gần đây, lượng nhà đầu tư cá nhân tăng cao đã trở thành trụ cột thanh khoản thị trường. Các doanh nghiệp cũng đã nâng tầm nhận thức và tổ chức các cuộc gặp gỡ nhà đầu tư thay vì chỉ tổ chức gặp gỡ phân tích. Đây là động thái mở rộng thêm thông tin cho nhà đầu tư cá nhân.
Bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc điều hành khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital
|
Trong thời gian qua, trên thị trường liên tục đón nhận rất nhiều tin đồn. Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý NĐT, đặc biệt những NĐT nhỏ lẻ. Vậy xin hỏi ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Digiworld, trong trường hợp này, doanh nghiệp nên chủ động làm gì để khôi phục lòng tin NĐT?
Ông Đoàn Hồng Việt: Digiworld có giá trị cốt lõi là khi có thông tin ảnh hưởng tới người khác, thì ngay lập tức chúng ta phải thông báo, đó có thể là tốt hoặc xấu. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều xuất phát từ con người. Nếu con người, ban lãnh đạo không tốt thì công ty đó sẽ đi xuống. Nếu thay đổi ban lãnh đạo tốt thì công ty đó sẽ đi lên và điều này sẽ cần có quá trình. Những chỉ báo như thế thường rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân vẫn đang rơi vào các cạm bẫy do lòng tham. Qua nhưng đợt đánh đối như thế này, nhà đầu tư sẽ có kinh nghiệm và sẽ dễ nhận ra được những trường hợp hạn chế như đã xảy ra trong thời gian vừa qua.
Về mặt quản lý Nhà nước, ông Lê Nhị Năng có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách để bảo vệ các NĐT nhỏ lẻ trong thời gian tới?
Ông Lê Nhị Năng: Thị trường vừa qua tăng trưởng nhanh, quy mô lớn. Đi kèm với đó là hành vi thao túng càng ngày càng tinh vi và phức tạp. Luật Chứng khoán mới đã nâng mức xử phạt lên và có thu lại gấp 10 lần số thu lợi bất chính. Luật có quy định chế tài CTCK thành viên vi phạm có thể bị đình chỉ, nhân viên môi giới có thể bị thu hồi chứng chỉ. Tôi nghĩ nên nâng mức xử phạt lên nữa và đào tạo về quy định xử phạt để thị trường nắm bắt.
Các cơ chế để kiểm soát đều đã có, nhưng chưa có chế phối hợp giữa các bên. Chẳng hạn, luật đã cho phép cơ quan chức năng tiếp cận sao kê về viễn thông của khách hàng nhưng hiện tại, muốn xin thông tin từ công ty viễn thông cũng chưa có cơ chế.
Ông Lê Nhị Năng (bên trái) - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP.HCM
|
Một số doanh nghiệp cơ cấu cổ đông khá cô đặc và khi làm IR họ chỉ hướng đến NĐT tổ chức chứ không phải nhóm NĐT cá nhân. Điều này dẫn đến thanh khoản cổ phiếu trên sàn không được tốt. Vậy quan điểm của anh Tuấn và chị Thu về việc này như thế nào?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Thực ra thì chuyện này có thể xuất phát từ việc các công ty đó có tỷ lệ freefloat không được cao. Các công ty này chưa chú trọng tới nhà đầu tư cá nhân lắm. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi và họ cũng chú ý tới nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn. Nhiều công ty đã mở cổng thông tin và tổ chức sự kiện để công bố thông tin cho nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân.
Ở một số trường hợp, nhiều công ty có thể có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, nhưng vẫn tỏ ra rất cởi mở với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Hoạt động IR là hoạt động tương tác khá nhiều giữa bên quản trị công ty và phân tích, cổ đông. Nhưng nhiều doanh nghiệp gắn liền IR với hoạt động hành chính thì không hay vì chúng ta cần phải linh động. Tôi đề xuất mở rộng hoạt động tham quan doanh nghiệp, dự án, nhà máy nhiều hơn. Nếu được tận mắt chứng kiến thì họ sẽ thích hơn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn (cầm mic) - Nhà sáng lập Công ty tư vấn độc lập FIDT, Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset
|
Xin hỏi ông Việt, ông đã từng gặp phải trường hợp như vậy, công bố thông tin doanh nghiệp nhưng không được như ý?
Ông Đoàn Hồng Việt: Năm 2016, tôi có đưa ra kế hoạch cho Digiworld qua 2/3 chặng đường năm thấy khả năng khó đạt được, sau đó chúng tôi công bố cập nhật thông tin cho nhà đầu tư và chấp nhận biến động cổ phiếu giảm vào thời điểm đó.
Theo anh Tuấn, khi đầu tư vào cổ phiếu, các nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến điều gì nhiều nhất?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Ở đây, các nhà đầu tư cá nhân nên được chia ra thành hai nhóm. Một là nhà đầu tư bình thường với kinh nghiệm 5-10 năm, họ đã có chiến lược đầu tư hợp lý. Hai là các nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm 3 năm trở lại đây. Với nhóm này, theo tôi, họ rất quan tâm tới các thông tin nóng, những thông tin có thể tạo ra lợi nhuận trong vài ngày.
Với các nhà đầu tư, nếu bạn thất bại một lần trên thị trường chứng khoán, có thể là do bạn chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, thất bại nhiều lần thì đó là do chúng ta và một phần do nhà đầu tư rất mau quên. Doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán rất nhiều với chất lượng rất khác nhau.
Nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm lại thường bật đồ thị kỹ thuật để xem điểm mua điểm bán. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam đang phát triển và có nhiều sự thao túng để thu hút nhà đầu tư vào cạm bẫy. Do đó, nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các doanh nghiệp có công bố thông tin minh bạch, chất lượng cao hoặc có thể gửi tiền cho các quỹ đầu tư.
Theo chị Thu, tiềm năng của thị trường chứng chỉ quỹ tại Việt Nam ra sao?
Bà Nguyễn Hoài Thu: VinaCapital đang tích cực mở rộng hệ thống chứng chỉ quỹ làm việc với các đối tác khác, như fintech, có thể dùng các hệ thống phân phối độc lập để họ phân phối chứng chỉ quỹ.
Hiện, các quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam chỉ có quy mô trong vòng 500 triệu USD. Để so sánh với các thị trường lân cận, ở Malaysia và Indonesia, các quỹ đầu tư có quy mô tới vài chục, vài trăm tỷ USD. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Các diễn giả dự báo về xu hướng của hoạt động IR trong giai đoạn sắp tới?
Ông Lê Nhị Năng: Ở góc độ quản lý, tôi nghĩ nên bảo vệ nhà đầu tư khỏi các hành vi thao túng thị trường. Vừa rồi có chỉ thị 02 của Bộ Tài chính nhằm tăng cường giám sát thị trường, đó là các hoạt động có ý nghĩa với sự phát triển của thị trường.
Ông Đoàn Hồng Việt: Xu hướng nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục tăng trưởng vì dư địa còn nhiều. DGW sẽ tiếp tục phương châm của chúng tôi, đó là gắn liền nền tảng kết quả kinh doanh và thông qua IR để tuyên truyền. Chúng tôi sẽ tham khảo về việc đồng nhất analyst meeting với investor meeting. Tuy vậy, cũng có khó khăn là ở từng cuộc họp tính chất câu hỏi có thể khác nhau, khó mà trả lời chung được.
Bà Nguyễn Hoài Thu: Cơ quan quản lý đã có nhiều hoạt động để tăng cường tính minh bạch. IR của doanh nghiệp niêm yết đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây, doanh nghiệp đã cởi mở hơn chịu khó công bố thông tin hơn. Nhà đầu tư nên bỏ tâm lý chơi chứng khoán và chuyển sang đầu tư chứng khoán. Đầu tư trên cơ sở tìm hiểu kỹ càng, nếu sau 2-3 năm mà cảm thấy không ổn thì nên xem xét chuyển sang đầu tư thông qua quỹ. Nếu lặp lại các lỗi như nhau thì nhà đầu tư nên xem lại cách đầu tư. Nên có quan điểm đầu tư dài hạn hơn, bài bản hơn và xem xét cách đầu tư để lại giá trị cho tương lai chứ không phải chỉ là T+ rồi rút ra.
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Thị trường vốn, chứng khoán rất hấp dẫn. Triển vọng tất nhiên là lạc quan nhưng con đường đi lên cần có sự cơ cấu lại. Trong tương lai, có thể doanh nghiệp sẽ ý thức hơn tới hoạt động IR, đó là điều có ý nghĩa với thị trường và nhà đầu tư.
Sự trỗi dậy của binh đoàn nhỏ lẻ
Kể từ khi đại dịch xuất hiện, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ lượng nhà đầu tư cá nhân. Đến cuối tháng 7/2022, lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt hơn 6.3 triệu tài khoản, chiếm trên 99% tổng tài khoản toàn thị trường. Con số này đạt tỷ lệ hơn 6% dân số. Nếu so với mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 5% dân số có tài khoản chứng khoán vào cuối năm 2025 thì dịch COVID-19 đã đẩy số nhà đầu tư của thị trường chứng khoán lên mức rất xa.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà đầu tư cá nhân đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán. Nhiều năm trở lại đây, khối lượng và giá trị giao dịch nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 80% tổng giá trị giao dịch. Tháng 7/2022, lượng giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm đến 85%. Có thể thấy, việc đầu tư chứng khoán đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống hàng ngày của người dân.
Sự xuất hiện của lớp nhà đầu tư cá nhân mới cũng thay đổi thị trường chứng khoán cả về chất lẫn về lượng trong hơn 2 năm trở lại đây. Trước diễn biến này, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tận dụng cơ hội để phát hành cổ phần nhằm huy động vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo đánh giá tình hình thị trường vốn năm 2021 của Bộ Tài chính, tổng giá trị huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt gần 144 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Trong tương lai, thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục khởi sắc để thực hiện đúng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của doanh nghiệp, nền kinh tế; đồng thời là kênh đầu tư sinh lời, an toàn, hiệu quả. Điều này chắc chắn sẽ hấp dẫn lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường.
Dù vậy, để một doanh nghiệp trên sàn có thể thu hút được lượng nhà đầu tư giữa hàng ngàn doanh nghiệp là bài toán không hề dễ dàng. Bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ thường có tâm lý dễ bị dao động, một vài biến động nhỏ trên thị trường cũng đủ khiến họ “đứng ngồi không yên”.
Lễ Vinh danh doanh nghiệp có hoạt động IR tốt nhất 2022
IR Awards (2011-2022) là Chương trình Bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) tốt nhất do Vietstock, Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) đồng tổ chức, Hội đồng bình chọn là các định chế tài chính trong và ngoài nước.
Giải thưởng được ra đời với mục đích nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động IR, thông qua đó, hướng tới cải thiện tính minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán, gia tăng chất lượng công bố thông tin và niềm tin của nhà đầu tư.
Bước sang năm thứ 12, hoạt động khảo sát và định lượng kỹ càng, toàn diện hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết tiếp tục là điểm nhấn của giải.
Trải qua vòng khảo sát, 385 doanh nghiệp có hoạt động đạt chuẩn công bố thông tin trên sàn chứng khoán đã lộ diện. Sau đó, hội đồng bình chọn gồm 31 định chế tài chính hàng đầu đã đánh giá hoạt động IR cùng sự đồng thuận bình chọn từ cộng đồng nhà đầu tư đã tìm ra những gương mặt có hoạt động IR tốt nhất 2022.
Lễ Vinh danh IR Awards 2022 diễn ra sáng ngày 15/09/2022 là nơi xướng tên và vinh danh các Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2022.
Sự kiện có sự tham dự của ông Đặng Mạnh Trung - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Tp.HCM, ông Lê Nhị Năng - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Tp.HCM, lãnh đạo các đơn vị trong Hội đồng Bình chọn, lãnh đạo các Doanh nghiệp được vinh danh.
Phát biểu tại Lễ vinh danh, ông Nguyễn Như Hùng - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (FiLi) cho biết: “Danh hiệu Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm chính là mốc son khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược quản trị doanh nghiệp và hiệu quả vượt trội trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư. Điều này được ghi nhận từ cộng đồng nhà đầu tư, các công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán - chính là các bên mua và bên bán trên thị trường chứng khoán”.
BAN TỔ CHỨC IR AWARDS
Vietstock (vietstock.vn) là tổ chức truyền thông tài chính, cung cấp thông tin và dữ liệu tài chính uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam (vafe.org.vn) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực tài chính và quản trị tài chính.
Tạp chí điện tử Tài chính và Cuộc sống (fili.vn) là cơ quan báo chí của Hiệp hội Các nhà Quản trị Tài chính Việt Nam.
Chí Kiên - Vũ Hạo - Hà Lễ
FILI
|