Vì sao tội phạm lừa qua mạng vẫn hoành hành?: Sập bẫy vì thiếu hiểu biết, thừa... lòng tham
Mặc dù thủ đoạn lừa 'làm nhiệm vụ nhận tiền hoa hồng' đã được công an tuyên truyền cảnh báo, báo chí thông tin, nhưng đến nay vẫn có người sập bẫy; đáng nói trong đó có người biết rõ chiêu trò lừa đảo này.
Nắm bắt tâm lý muốn làm việc đơn giản, nhẹ nhưng tiền hoa hồng cao sau mỗi lần nhấp chuột của một số người, các đối tượng lừa đảo đã vẽ ra nhiều bẫy lừa trên không gian mạng.
|
Đối tượng kêu gọi chị H. làm nhiệm vụ nhận hoa hồng. Thông tin nạn nhân cung cấp
|
Bán nhà không đủ trả nợ
Giữa tháng 7.2022, chị T. (28 tuổi, ngụ TP.HCM) dính bẫy làm nhiệm vụ để được nhận tiền hoa hồng với số tiền bị lừa hơn 1,7 tỉ đồng. Cụ thể, trong thời gian rảnh rỗi chị T. hay lên YouTube để xem phim và vô tình xem được quảng cáo có nội dung “việc làm online trên Tik Tok”. Mong muốn kiếm thêm thu nhập, chị T. lên tìm kiếm tên tài khoản Facebook có trong quảng cáo này để nhắn tin tìm việc làm. Người này hướng dẫn chị T. tải ứng dụng Telegram và gửi một đường link để chị T. đăng ký tài khoản, làm công việc nhận đơn, đăng hình ảnh sản phẩm trên hệ thống website riêng của công ty. Sản phẩm có giá bao nhiêu thì đóng đúng số tiền đó, sau khi đăng bài lên hệ thống sẽ rút được số tiền gốc bỏ ra cộng với tiền hoa hồng.
Giao diện website st5533.com nơi chị H. làm nhiệm vụ nhận hoa hồng T.N
|
Ở hai nhiệm vụ đầu tiên, chị T. hoàn thành và được hoa hồng gần 30%. Các đơn hàng ứng với từng nhiệm vụ của chị T. tăng dần từ 21 triệu đồng lên đến 800 triệu đồng. Đến lần thứ 9, chị T. nhận nhiệm vụ phải nạp hơn 900 triệu đồng thì mới nhận được số tiền gốc và hoa hồng. Lúc này chị T. không còn xoay xở được tiền nên nhắn tin hỏi 2 người trong nhóm đã nạp tiền và rút ra được chưa. Hai người này nói với chị T. đã làm nhiệm vụ và nhận được tiền rồi, nhưng khi chị T. nhờ chụp lại giao dịch nhận tiền thì không có phản hồi. Lúc này, chị T. mới biết bị lừa và trình báo công an. Tuy nhiên, vì mọi tin nhắn trong ứng dụng Telegram đã bị xóa sạch, chỉ còn ảnh chụp màn hình biên lai chuyển tiền nên cơ quan chức năng xác định khó điều tra, truy vết. “Tôi không hề biết ứng dụng Telegram có thể xóa sạch tin nhắn của cả hai bên”, chị T. cho hay.
Kể về lý do bị sập bẫy dễ dàng, chị T. thừa nhận do bản thân thiếu hiểu biết, trước đây chưa từng nghe về hình thức lừa đảo này, địa phương nơi chị sinh sống cũng chưa tuyên truyền. Chị T. chia sẻ thêm, vì chị làm công việc bán hàng online nên điện thoại không bao giờ rời tay. Hằng ngày, chị chủ yếu lên mạng xã hội Facebook để đăng bài bán hàng và chốt đơn, nếu rảnh rỗi lên YouTube hoặc vào phần “Watch” trên Facebook để xem phim giải trí chứ không đọc tin tức thời sự. Chị T. thông tin thêm, việc chị tin tưởng để nhận làm công việc này một phần cũng do một bộ phim có nhiều phần quảng cáo, quảng cáo trước là của người nổi tiếng nhưng không ngờ phía sau lại chèn quảng cáo lừa đảo, chị nghĩ cũng là của người nổi tiếng nên mới làm theo.
Chia sẻ thêm về lý do dù không nhận được hoa hồng mà vẫn “liều” chuyển đi số tiền lên đến hàng tỉ đồng, chị T. cho biết do các nhiệm vụ đầu đều có hoa hồng cao nên tham, nạp thêm để nhận tiền. “Lúc làm đến nhiệm vụ thứ tư là 49 triệu đồng, tôi sinh nghi nhưng vì 2 thành viên trong nhóm liên tục trấn an họ đã làm việc này được mấy năm và thu lời rất nhiều, nên tôi yên tâm tiếp tục làm đến nhiệm vụ thứ 8”, chị T. kể lại.
Hiện chị T. đã phải bán nhà để trả khoản nợ 1,2 tỉ đồng và vẫn còn nợ số tiền hơn 500 triệu đồng chưa có cách xoay xở.
Từng được cảnh báo nhưng không quan tâm
Tương tự, anh D. (ngụ TP.Hà Nội) cho biết đã làm đơn trình báo về việc bị lừa hơn 121 triệu đồng cũng với chiêu trò lừa đảo “làm nhiệm vụ nhận hoa hồng”. Tháng 5.2022, anh D. bắt đầu nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các số lạ, tự xưng là nhân viên Công ty TNHH G.I, đặt vấn đề muốn mời anh làm cộng tác viên tương tác trên ứng dụng Lazada và trang web về game đặt cược trúng thưởng. Anh D. lên Google tìm hiểu thì thấy công ty có địa chỉ trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM) nên đồng ý. Những ngày đầu tiên làm nhiệm vụ, anh D. nhận được tiền triệu hoa hồng, tuy nhiên khi nạp đến số tiền hơn 121 triệu đồng thì không nhận được tiền hoa hồng nữa. Sau khi biết mình bị lừa, cuối tháng 5.2022 anh D. đã nộp đơn tố cáo cùng bằng chứng liên quan đến công an một quận ở Hà Nội. “Sau khi đọc hồ sơ vụ án, công an quận bảo tôi dùng số tiền 121 triệu đồng để chơi sát phạt thắng thua chứ họ không nghĩ tôi làm nhiệm vụ tương tác. Tôi đã phải giải thích cho họ biết quá trình bị lừa như thế nào và đưa thêm rất nhiều bằng chứng. Họ quy mình vào tội đánh bạc thì oan quá”, anh D. nói.
Anh D. nói thêm bản thân cũng biết việc nhẹ, lương cao đa phần là lừa đảo. Anh có tìm hiểu trên các trang mạng xã hội và biết rõ hình thức lừa đảo kiểu làm nhiệm vụ chuyển tiền trước, nhận gốc và hoa hồng sau đã phổ biến trong 2 năm gần đây. “Báo chí cũng đưa tin nhiều về hình thức chốt đơn ảo trên các sàn thương mại điện tử, tôi có đọc nhưng nghĩ xin được việc tử tế và lương cao thật sự khó với bản thân, cộng thêm việc không tìm hiểu kỹ về công ty, thấy công ty có địa chỉ uy tín nên đã liên tục chuyển tiền, sa vào bẫy của bọn lừa đảo. Kể từ sau khi bị lừa, tôi mới bắt đầu nhớ lại chiêu trò lừa đảo này từng được UBND phường cảnh báo trong nhóm Zalo và Facebook. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ đọc sơ qua chứ cũng không nghĩ nó rơi đúng vào mình. Ai ở trong hoàn cảnh đó mới thấy bản thân như mất hết lý trí, không suy nghĩ được gì cả”, anh D. chia sẻ.
Anh D. nói thêm, giờ hằng ngày ăn không ngon ngủ không yên, tự trách mình tham tiền hoa hồng cao nên bị lừa và anh vẫn đang chờ tin tức từ cơ quan chức năng.
“Tôi tự trách bản thân vì đã không tìm hiểu kỹ, không có hiểu biết để bị lừa số tiền lớn. Nếu mình chăm đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì đã thoát bẫy lừa đảo”, anh D. tâm sự.
H. (22 tuổi, ngụ tỉnh Thái Bình) đầu tháng 7.2022 cũng bị dẫn dụ “làm nhiệm vụ nhận hoa hồng”. Trong lúc làm nhiệm vụ, H. đã chuyển đi số tiền hơn 100 triệu đồng. Nhiệm vụ cuối vì không còn tiền nên H. đã vay tiền online. Người cho H. vay yêu cầu chuyển khoản trước để làm hồ sơ giải ngân, H. vay thêm của bạn bè gần 100 triệu đồng để chuyển đi nhưng chưa kịp nhận được tiền thì bị chặn liên lạc. Thế là H. đã mất trắng khoản tiền vay mượn hơn 200 triệu chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
H. buồn bã cho biết lúc đi trình báo cơ quan chức năng mới biết tại sao báo chí và thời sự đưa tin cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn nhiều người dính bẫy. Bản thân H. chưa nhận thức được sự việc phức tạp và đi xa như vậy, chỉ hiểu qua loa đại khái là lừa đảo, không biết được bọn lừa đảo sẽ sử dụng hình thức nào với mình. H. cũng cho biết trên địa bàn đã từng có thông tin về hình thức lừa đảo này nhưng chỉ là truyền tai nhau chứ không được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi. (còn tiếp)
Theo một lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, dù tuyên truyền nhưng các nạn nhân vẫn bị sập bẫy do tham lợi nhuận và thiếu hiểu biết, tin vào những lời hứa hẹn lãi cao. Trên các trang mạng xã hội, trên báo đã tuyên truyền rất nhiều về việc người dân cần cảnh giác với các hình thức lừa đảo trên mạng như việc nhẹ lương cao, nhưng vẫn rất nhiều người bị lừa. Mọi người cần tỉnh táo, khi đầu tư, làm việc trên mạng phải tìm hiểu kỹ để tránh mất tiền.
Ngọc Lê
|
Phan Thu Hoài
Thanh niên
|