Trung Quốc dần hết hấp dẫn với doanh nghiệp châu Âu
Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh tập trung vào các mục tiêu chính trị như Zero Covid thay vì mục tiêu kinh tế đang khiến nước này trở thành điểm đến đầu tư kém hấp dẫn trong mắt của các doanh nghiệp châu Âu. Theo đó, họ kêu gọi Bắc Kinh quay trở lại tập trung vào hoạt động cải cách.
Các quyết định chính sách gần đây của Trung Quốc khiến quốc gia này bị coi không đáng tin cậy và tính hiệu quả không cao như trước, theo nhận định của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp châu Âu mất niềm tin vào Trung Quốc và họ có xu hướng chuyển các khoản đầu tư đã và đang lên kế hoạch sang các thị trường khác có độ tin cậy và khả năng dự đoán cao hơn.
Khoản đầu tư của EU vào Trung Quốc
|
“Các doanh nhân ở đây [Trung Quốc] vì thị trường, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng vì ý thức hệ mà thị trường này lại đang thu hẹp lại. Ý thức hệ đang chiếm ưu thế hơn cả nền kinh tế”, Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói. Ý thức hệ mà ông Wuttke nói tới có thể lấy ví dụ như việc cố gắng kiểm soát tất cả trường hợp nhiễm Covid-19 bất chấp chi phí lên cao, hay như làn sóng siết quy định với lĩnh vực công nghệ, hay như tình trạng thiếu điện vào năm 2021 do chủ trương ưu tiên kiểm soát khí thải hơn hoạt động kinh tế.
Theo cơ quan này, Zero Covid của Trung Quốc lại đang trở thành trở ngại đối với các công ty châu Âu vì cách triển khai chính sách này không linh hoạt và không nhất quán. Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, điều này làm tê liệt hoạt động thu hút và giữ chân nhân tài của trong và ngoài nước. Đồng thời, hoạt động của các công ty châu Âu tại Trung Quốc ngày càng bị cô lập vì nhân viên không thể tự do đi lại đến trụ sở chính.
Hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy Trung Quốc sắp gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 trong nước cũng như bắt đầu mở cửa lại biên giới với nước ngoài. Theo ông Wuttke, khả năng Bắc Kinh có thể làm điều này trong nửa sau của năm 2023.
Hình ảnh một Trung Quốc phù hợp để kinh doanh xấu đi không chỉ với doanh nghiệp châu Âu. Tháng 8, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung cho biết sự lạc quan của các công ty Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã xuống thấp kỷ lục.
“Xu hướng dòng vốn FDI vào Trung Quốc giảm khó có thể bị đảo chiều, vì lãnh đạo của các doanh nghiệp châu Âu bị hạn chế rất nhiều trong việc đi và đến Trung Quốc để phát triển các dự án đầu tư xanh”, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc nhận định.
Dù vậy, bất chấp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp châu Âu vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Đầu tư từ Liên minh châu Âu vào Trung Quốc tăng 15% trong nửa đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Rhodium Group.
Trong quý 1, BMW AG đã mua cổ phần kiểm soát của liên doanh sản xuất ô tô của họ. Còn trong tháng này, nhà sản xuất hoá chất BASF của Đức khai trương giai đoạn đầu tiên của nhà máy mới ở Trung Quốc. Theo thông báo của công ty, nhà máy này dự kiến là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc và cũng là khoản đầu tư lớn nhất của BASF.
Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc nhận định rằng: “Trong bối cảnh Trung Quốc hầu như đóng cửa, các doanh nghiệp châu Âu nhận thấy cần phải khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu của họ linh hoạt hơn. Và điều này sẽ mang lại cơ hội cho những thị trường mới nổi khác sẵn sàng chào đón dòng vốn đầu tư cũng như việc làm mới”.
Mặc khác, Trung Quốc vẫn được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng mạnh với hệ thống cơ sở sản xuất và cụm công nghiệp mang đẳng cấp thế giới, thứ mà rất khó nếu không muốn nói là không thể bắt chước ở các nơi khác.
Kim Dung (Theo Bloomberg)
FILI
|