Nợ xấu từ sáng kiến Vành đai và Con đường tăng vọt, Trung Quốc giảm cho vay nước ngoài
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang gặp phải trở ngại lớn khi nhiều khoản vay dành cho các nền kinh tế mới nổi trở thành nợ khó đòi, buộc Bắc Kinh phải cắt giảm cho vay.
Ở Sri Lanka, cảng phía nam Hambantota là một khu vực biệt lập, với chim công và khỉ xuất hiện khắp nơi. Các con đường trải nhựa thay vì xe cộ nhộn nhịp đi lại thì chỉ thấy những con bò lang thang gặm cỏ. Bên đường là những biển báo cảnh báo voi hoang dã thường băng qua. Đây là cảng mà Sri Lanka dùng để gán nợ cho Trung Quốc với quyền vận hành trong 99 năm.
Người ta cũng xây dựng một trung tâm hội nghị quốc tế ở đây, song hệ thống đường chưa được phát triển như kế hoạch nên cũng chẳng ai sử dụng tới.
“Việc làm không tăng nên mấy thứ này chẳng giúp ích được gì. Tất cả những gì họ làm là xây dựng các cơ sở ngớ ngẩn”, ông chủ 40 tuổi của một cửa hàng gần cảng Hambantota cho hay.
Khoảng 20 km về phía bắc là Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa, cũng gần với Hambantota. Sân bay này mở cửa vào năm 2013 nhưng hiện không có chuyến bay chở khách theo lịch trình và được gọi là “sân bay vắng khách nhất thế giới”. Chỉ có một số ít khách du lịch đi lại trong nhà ga. “Nhiều nhất thì có 30 khách mỗi ngày”, một người đàn ông làm việc trong quầy mua bán đồ ăn uống ở sân bay nói.
Sắp tới, Sri Lanka sẽ bắt đầu đàm phán với các chủ nợ nước ngoài về việc giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn thanh toán và giảm nợ gốc.
Con đường chẳng dẫn tới đâu ở Sri Lanka
|
Đại dịch Covid-19 bùng phát, lãi suất tăng và giá năng lượng, thực phẩm leo cao giữa tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine khiến các nền kinh tế mới nổi chịu nhiều thiệt hại, trong khi họ lại không có gói cứu trợ nào để dựa vào. Vì vậy, Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với nhiều khoản nợ xấu khi những quốc gia này vốn đang rất chật vật để đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Trung Quốc có 9 trường hợp đàm phán lại để được miễn trả lãi cũng như giảm các điều kiện vay khác vào năm 2019. Con số này tăng vọt lên 21 trong năm 2020 và 19 trong năm 2021, theo công ty tư vấn Rhodium Group ước tính. Kết quả, Trung Quốc giảm thu tổng 52 tỷ USD trong giai đoạn 2020 – 2021, gấp hơn 3 lần mức 16 tỷ USD trong hai năm tước đó, do các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Dự trữ ngoại hối của các nước mới nổi hoặc đang phát triển giảm khoảng 5% từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, mức giảm lớn nhất trong 6 năm qua, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Một nhóm các nhà nghiên cứu, bao gồm nhà kinh tế Sebastian Horn của Ngân hàng Thế giới, ước tính trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng 60% khoản cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc là dành cho các nước đang gặp khủng hoảng nợ, tăng từ mức chỉ 5% vào năm 2010.
Sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa đã xây xong, nhưng chẳng ai tới
|
Tại một cuộc họp vào tháng 8 với các nước châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ xoá nợ gốc cho 23 khoản vay không lãi suất đã đến hạn vào cuối năm 2021.
Ông Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura từng cảnh báo các quốc gia như Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana đang giảm dự trữ ngoại tệ, làm tăng nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Điều đáng nói, tất cả đều đang vay nợ Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn tự hào về kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ, từ đó họ bắt đầu cho nước ngoài vay vốn, với tổng trị giá 3,100 tỷ USD tính đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền này bao gồm các khoản cho vay dành cho các nước đang phát triển và những nước khác không có tính thanh khoản cao. Nếu những khoản nợ đó tiếp tục khó đòi, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng có thể bị giảm nhanh chóng.
Sau nhiều lời cảnh báo, Trung Quốc cũng đang xu hướng thu hẹp lại chương trình cho vay khổng lồ của mình. Các khoản vay mới mà Bắc Kinh dành cho các quốc gia có thu nhập từ thấp đến trung bình chỉ còn 13.9 tỷ USD trong năm 2020, giảm 58% so với mức kỷ lục vào năm 2018, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Quốc gia này có dự nợ cho vay là 170.4 tỷ USD vào cuối năm 2020, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm nay, Tung Quốc cũng chỉ gia hạn thanh toán nợ với hai khoản vay vượt quá 1 tỷ USD, thấp hơn nhiều con số 8 của năm 2021, công ty nghiên cứu Janes tại Anh cho hay.
“Trong bối cảnh kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang nhu cầu trong nước”, Yusuke Suzuki tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui & Co. cho biết. Vì vậy, các khoản vay của Trung Quốc có thể không tăng đáng kể trong tương lai.
Một câu hỏi quan trọng là Trung Quốc sẽ làm gì với Pakistan, quốc gia đang có dư nợ 23.3 tỷ USD, cũng là con nợ lớn nhất của Bắc Kinh. Trung Quốc đã bơm một lượng lớn vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm biến Pakistan trở thành đối trọng địa chính trị với Ấn Độ. Tuy nhiên, đà giảm giá của đồng nội tệ của Pakistan cùng tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai đang đẩy quốc gia này đến bờ vực vỡ nợ.
Nhóm G7 sau đó đã kêu gọi Trung Quốc xoá nợ cho các nước thu nhập thấp.
“Các khoản vay mà Trung Quốc dành cho Nga có nguy cơ trở thành nợ xấu do lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc có thể hạn chế thiệt hại này bằng cách hoãn cho vay mới đối với các nền kinh tế có thu nhập thấp hoặc thu hồi nợ”, ông Kai Kajitani, giáo sư tại Đại học Kobe, đánh giá.
Bằng cách này, Trung Quốc có thể gây ra làn sóng vỡ nợ theo hiệu ứng domino.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)
FILI
|