Thứ Sáu, 30/09/2022 08:50

Phạt 7 nhà mạng viễn thông gần 3 tỷ đồng vì để sim 'rác' tồn tại

7 DN viễn thông di động, gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast vừa bị Bộ TT&TT xử phạt về hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin thuê bao không đúng quy định, sim sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

7 DN viễn thông di động vừa bị Bộ TT&TT xử phạt về hoạt động quản lý thông tin thuê bao

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, sai phạm của các DN viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao, gồm: Bán sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều sim, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng nghìn sim. Đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng sim không chính chủ.

Các DN còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên đại lý, hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân, hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; để đại lý, hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhau mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại sim; sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, những hành vi vi phạm pháp luật trên của DN viễn thông, đại lý và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đã làm ảnh hưởng, kéo dài thời điểm hoàn thành mục tiêu quản lý chính xác thông tin thuê bao, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sim rác vẫn được bán trên thị trường.

Ngoài ra, sim rác còn bị các đối tượng xấu lợi dụng để phát tán tin nhắn, thực hiện cuộc gọi rác, quấy rối, lừa đảo. Sơ hở trong việc cấp lại sim của DN có thể bị đối tượng xấu lợi dụng để chiếm đoạt sim, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của thuê bao.

Bộ TT&TT cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Thanh tra Bộ TT&TT phối hợp trực tiếp với sở TT&TT các tỉnh, thành phố, gồm: TPHCM, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Ninh Bình lập biên bản và sẽ xử phạt các chi nhánh, công ty khu vực của các DN viễn thông, xử phạt trực tiếp điểm cung cấp dịch vụ viễn thông uỷ quyền trên phạm vi toàn quốc với số lượng 39 điểm trên toàn quốc. Đây là những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm.

Theo đó, tổng số tiền phạt các đơn vị là gần 3 tỷ đồng, trong đó xử phạt DN viễn thông và các chi nhánh 1.155 tỷ đồng, gần tương đương tổng mức Thanh tra Bộ xử phạt trong 5 năm, từ năm 2017 (1.378 tỷ đồng). Đặc biệt trước đây, Thanh tra Bộ TT&TT hầu như không xử phạt các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông uỷ quyền, nhưng lần này đã xử phạt là 1.77 tỷ đồng.

Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN viễn thông nếu còn tái phạm

Cùng với việc xử phạt, Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ có văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh người đứng đầu DN, yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc để tồn tại tình trạng thuê bao có thông tin không chính xác.

Lãnh đạo Bộ TT&TT nhấn mạnh, đây là lần nhắc nhở thứ 2, nếu có nhắc nhở lần thứ 3 sẽ có biện pháp xem xét xử lý trách nhiệm người đầu DN viễn thông.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các sở TT&TT tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; xem xét áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu DN tái phạm. Đây là hình thức xử phạt hết sức nghiêm khắc, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN.

Để đảm bảo quản lý tốt thông tin thuê bao viễn thông, ngăn chặn sim rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, cuộc gọi đòi nợ không đúng pháp luật, lừa đảo... Bộ TT&TT cho biết, DN viễn thông và người sử dụng có trách nhiệm rất lớn.

Trước hết, DN viễn thông phải nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, chủ động rà soát cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao, kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định thuê bao có thông tin không chính xác; nhắc nhở, chấn chỉnh, chấm dứt hợp đồng đối với các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vi phạm; chủ động nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo tiếp nhận thông tin thuê bao đầy đủ, đúng người sử dụng.

Đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông di động, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không mua, sử dụng sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao; cập nhật thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác; tố giác đến cơ quan chức năng các tổ chức/cá nhân sử dụng thông tin của mình để đăng ký trước thông tin thuê bao, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao.

Sau cuộc kiểm tra này, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an tiếp tục xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về quản lý thông tin thuê bao, thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi quấy rối, lừa đảo, cuộc gọi đòi nợ không đúng pháp luật.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Tại sao sở hữu mà không được toàn quyền quyết định? (30/09/2022)

>   TikTok, Google, Facebook nộp thay gần 500 tỷ cho các cá nhân Việt Nam (30/09/2022)

>   TikTok chảy máu nhân sự (28/09/2022)

>   Cách TikTok Trung Quốc kiếm tiền từ người dùng (26/09/2022)

>   Ván cược mới của Apple (25/09/2022)

>   Phần lớn AirPods sẽ được sản xuất tại Việt Nam (22/09/2022)

>   Người Việt cần chi 45,86% thu nhập mới mua được iPhone 14 (20/09/2022)

>   Khó phân biệt iPhone 14 xách tay từ Singapore, Thái Lan (19/09/2022)

>   Bắt đầu quy trình đấu giá xe Roll- Royce dát vàng của ông Trịnh Văn Quyết (19/09/2022)

>   Chuyến xách tay iPhone 14 không thành công của nhiều dân buôn (18/09/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật