Tại sao sở hữu mà không được toàn quyền quyết định?
Việc cho phép người dân bỏ tiền ra đấu giá để được sở hữu biển số xe ô tô đẹp theo nhu cầu của họ là một điểm tiến bộ. Tuy nhiên, dự thảo quy định ràng buộc người sở hữu biển số đã trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng biển số kèm theo xe sẽ có thể khiến cho chủ trương này khó triển khai trong thực tế vì người dân không mặn mà tham gia đấu giá.
Đấu giá “biển số đẹp” là chủ trương đã có từ gần 30 năm trước nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống được. Chính phủ đã hai lần cho phép Bộ Công an tổ chức đấu giá và thu lệ phí cấp biển số tự chọn vào năm 1993 và năm 2008. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà những lần thực hiện này mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 20-10 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là lần thứ ba, việc đấu giá “biển số đẹp” lại được đặt ra.
Trong dự thảo nghị quyết mới nhất được đưa ra thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 5 chủ trương đấu giá biển số ô tô. Trong số đó, quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá đang khiến người dân có thắc mắc vì quyền sở hữu tài sản trúng đấu giá lại kèm theo quy định ràng buộc.
Theo dự thảo nghị quyết thì người trúng đấu giá biển số được gắn vào xe ô tô cá nhân, tổ chức; khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.
Tuy nhiên, kèm theo đó lại là quy định “Không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải thực hiện việc đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không đăng ký xe thì sẽ bị thu hồi. Người trúng đấu giá biển số ô tô được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá như quy định hiện hành (biển số theo xe) nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác”.
Một khi chấp nhận đấu giá, tức là trả một khoản tiền lớn để mua “biển số đẹp” theo ý thích riêng thì người dân muốn sở hữu đầy đủ, bao gồm cả chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế. Việc ràng buộc biển số phải đi kèm với xe đã gián tiếp tước đi quyền sở hữu của người dân với tài sản trúng đấu giá của họ.
Thử lấy ví dụ, một người trúng đấu giá đã gắn biển đẹp vào xe ô tô cá nhân. Nhưng sau một thời gian, chiếc xe gắn biển số này hư hỏng phải bỏ đi và người này không có nhu cầu mua xe ô tô mới. Trong trường hợp này thì quyền sở hữu “biển số đẹp” sẽ ra sao khi không còn xe ô tô để gắn biển?
Quy định cho tặng, mua bán “biển số đẹp” phải kèm theo xe và người được cho tặng hay mua sau đó không có quyền sở hữu tiếp “biển số đẹp” để sử dụng tách riêng khỏi xe là điều bất hợp lý. Xe ô tô thì có thời hạn sử dụng, như vậy sau khi xe hư hỏng phải bỏ đi thì người mua xe bị mất luôn “biển số đẹp”, quyền sở hữu tài sản của người dân trong trường hợp này sẽ được giải quyết ra sao?
Áp dụng các quy định khiến người dân không toàn quyền định đoạt tài sản mà họ sở hữu sẽ khiến cho việc triển khai đấu giá “biển số đẹp” trở thành nửa vời và có thể tiếp tục nằm trên giấy tờ mà không đi vào đời sống được như đã xảy ra trong lần thử nghiệm từ gần 30 năm trước đây!
Song Nghi
TBKTSG
|