Luật Đất đai (sửa đổi): Phải làm rõ thế nào là dự án phát triển KTXH vì lợi ích quốc gia công cộng
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ thế nào là dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, không nên liệt kê danh sách các dự án mà cần đưa ra khái niệm mang tính khái quát.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn
|
Sửa đổi Luật Đất đai phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW
Ngày 06/9, tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự hội thảo. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì hội thảo.
Theo Quochoi.vn, tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Kinh tế; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Đoàn ĐBQH và UBND các tỉnh phía Nam cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan và các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai (sửa đổi) phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 18 –NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), việc giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội.
GS.TS Đặng Hùng Võ
|
Luật Đất đai (sửa đổi): Cần tập trung vào đầu thầu dự án có sử dụng đất
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng nên tập trung vào đấu thầu dự án có sử dụng đất, trong khi hình thức đấu giá đất hiện nay chỉ lựa chọn nhà đầu tư có vốn lớn, sau đó chậm triển khai, hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xác định rõ thế nào là dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng, không nên liệt kê danh sách các dự án mà cần đưa ra khái niệm mang tính khái quát.
“Các dự án có mục tiêu lợi nhuận thì đây chính là câu chuyện nhạy cảm. Người dân khiếu kiện vì mình được bồi thường ít, mà nhà đầu tư bán đất sinh lời nhiều lần. Ta cần quan niệm trong luật trọng điểm nội dung này. Chỉ khi lợi nhuận của dự án có lợi nhuận quốc gia, gắn với lợi nhuận của chủ đầu tư bỏ tiền ra thì đó là dự án vì lợi ích quốc gia công cộng”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Phải giải quyết xung đột giữa Luật Đất đai với các luật khác
Bên cạnh đó, vấn đề xung đột giữa Luật Đất đai và các luật khác như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Bộ luật Dân sự được nhiều đại biểu quan tâm trao đổi tại hội thảo.
Về nội dung Không gian sử dụng đất, đất xây dựng công trình ngầm, đất xây dựng công trình trên không, các đại biểu băn khoăn đối với phạm vi ngoài phần không gian sử dụng đất đã xác định cho người sử dụng đất, Nhà nước lại thực hiện giao đất, cho thuê đất gắn với phần không gian đó cho người sử dụng đất khác sẽ không đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác.
TS. Nguyễn Bích Thảo, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ: “Tình trạng pháp lý như vậy sẽ phức tạp và tiềm ẩn rủi ro, mâu thuẫn giữa chủ thể được giao phần đất. Không tuân theo quy tắc chung về quyền bề mặt, ảnh hưởng đến quyền tài sản của người được giao đất.”
Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, “giữa Luật Điện lực và Luật Đất đai có sự khác nhau. Ví dụ như phát sinh điện gió khoảng cách an toàn trên không trong Luật Đất đai chưa quy định, đường điện thì có, chúng ta không triệt tiêu cái này thì sẽ gây ra khiếu kiện…”.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá ý kiến của các đại biểu, chuyên gia là rất tập trung, những nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, thời hạn, hạn mức sử dụng đất, phân loại đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai… sẽ tiếp tục được Ủy ban Kinh tế, ban soạn thảo tiếp thu ý kiến, nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Nhật Quang
FILI
|