TP HCM: Đề nghị siêu thị giảm chiết khấu, không tăng giá bất hợp lý
Theo Sở Công Thương TP HCM, các đơn vị sản xuất, cung ứng, phân phối cần phối hợp xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý.
Sở Công Thương TP HCM vừa triển khai các biện pháp quản lý giá, cung cầu hàng hóa trên thị trường đến TP Thủ Đức; các quận, huyện; doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường; các chợ đầu mối và siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn.
Sở Công Thương đề nghị các đơn vị thực hiện một số giải pháp sau:
Trong đó, đề nghị hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, của hàng tiện lợi...) dự báo nhu cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý.
Người tiêu dùng có xu hướng chọn sản phẩm đang khuyến mãi, giảm giá để có giá rẻ hơn
|
Tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt quan tâm, nghiên cứu có chính sách ưu đãi đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa kinh doanh, không tồn trữ, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm.
"Khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hoá, thiếu nguồn cung tại hệ thống, đề nghị các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... báo cáo về Sở để kịp thời phối hợp xử lý" - văn bản của Sở Công Thương nêu rõ.
Sở Công Thương đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường chủ động chuẩn bị nguồn hàng; cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký, bán đúng giá đã được Sở Tài chính phê duyệt.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hệ thống đại lý, cửa hàng, mạng lưới phân phối trực thuộc, các cửa hàng, điểm bán bình ổn thị trường thực hiện và chấp hành đầy đủ các quy định của chương trình về công tác trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá.
Chủ động, tích tụ phối hợp các hệ thống phân phối, mạng lưới đại lý… dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá, có cam kết thu mua – cung ứng, ổn định và không tăng giá bất hợp lý.
Ở kênh phân phối truyền thống, Sở Công Thương yêu cầu các công ty quản lý chợ đầu mối tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân.
Thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trước văn bản này của Sở Công Thương, Sở Tài chính TP HCM cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường TP rà soát, tính toán lại mức giá bán hiện nay để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức giảm giá xăng dầu (xăng giảm 7.270 đồng/lít, dầu giảm 6.110 đồng/lít) trong cơ cấu giá thành.
Ở góc độ doanh nghiệp, một số doanh nghiệp phân phối lớn cũng đã có văn bản đề nghị các nhà cung cấp tính toán lại chi phí và có sự phối hợp với nhà phân phối thực hiện các giải pháp kéo giảm giá bán hàng hóa nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng giá xăng tiếp tục giảm trong kỳ điều chỉnh ngày 11-8 nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giảm giá nguyên liệu đầu vào nhiều lĩnh vực, từ đó tạo động lực điều chỉnh giá bán đầu ra.
T. Nhân
Người lao động
|