Thứ Ba, 09/08/2022 08:13

Thấy gì từ luật bản quyền sửa đổi 2022 của Việt Nam?

Ngày 16-6-2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trừ một số quy định đặc biệt có thể có hiệu lực thi hành sớm hoặc muộn hơn.

Đây là lần thứ ba Luật SHTT Việt Nam được sửa đổi. Luật SHTT đầu tiên của Việt Nam, bao gồm các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được ban hành năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 nhằm khắc phục những bất cập, thiếu sót còn tồn tại.

Riêng cải cách Luật SHTT lần thứ ba này có mục đích chủ chốt là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền SHTT, đưa luật của Việt Nam gần hơn tới thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Tờ trình của Chính phủ liên quan tới lần cải cách này có nêu rõ “Hiện nay, Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh thành quốc gia tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu”.

Điều này cho thấy, Việt Nam cũng đang theo quỹ đạo của một số quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, đó là dần nâng cao mức độ bảo vệ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, khi nhu cầu đảm bảo quyền SHTT đang ngày một rõ nét hơn.

Góc nhìn của các nước đang phát triển đối với quyền SHTT thường có một điểm chung, đó là khi mức độ phát triển kinh tế chưa cao, thì áp dụng một mức độ bảo vệ quyền SHTT tương đối “thấp” so với các nước phát triển. Mức độ bảo vệ này sẽ dần được tăng cao tương ứng với nhu cầu bảo vệ quyền SHTT nội địa. Đây là một chiến lược hợp lý và đúng đắn.

Ở giới hạn bài báo này, xin được đưa ra vài nhận định đối với các sửa đổi chính trong luật về bản quyền Việt Nam 2022 – Luật SHTT 2022.

Nằm trong làn sóng sửa luật bản quyền của thế giới

Đầu tiên xin được nhấn mạnh trước hết rằng, cải cách luật bản quyền Việt Nam cũng nằm trong làn sóng sửa đổi luật bản quyền trên thế giới bắt đầu từ hơn chục năm trở lại đây.

Cải cách Luật SHTT lần thứ ba này có mục đích chủ chốt là thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, đồng thời tăng cường bảo vệ quyền SHTT, đưa luật của Việt Nam gần hơn tới thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Nguyên nhân chủ chốt của làn sóng này là những thay đổi vô cùng nhanh chóng trong công nghệ, dẫn đến hậu quả là luật bản quyền ngày càng trở nên bất cập, trước những thách thức công nghệ.

Có thể lấy ra một vài ví dụ như cải cách luật bản quyền ở Liên minh châu Âu vào năm 2019, ở Trung Quốc vào năm 2020 và ở Singapore vào năm 2021.

Ngăn nạn xem “chùa” trên mạng

Đối với thách thức công nghệ, các nhà làm luật Việt Nam đã tập trung ưu tiên cho việc bảo vệ các “biện pháp kỹ thuật” do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

Điều 28 của Luật SHTT đã được sửa đổi để quy định chi tiết hơn các hành vi liên quan tới các biện pháp kỹ thuật nói trên. Cụ thể, đã bổ sung thêm vào luật các hành vi bị coi là vi phạm quyền tác giả như cố ý quảng cáo, tiếp thị, chào bán hay tàng trữ các thiết bị vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả; cũng như hành vi phân phối, nhập khẩu để phân phối bản sao tác phẩm đã bị thay đổi hay xóa bỏ thông tin về quản lý quyền. Có vẻ như đây là giải pháp tốt nhất có thể hiện nay, khi tác giả phải đối mặt với những thách thức công nghệ hiện đại cho phép sao chép hay sử dụng một cách dễ dàng tác phẩm được bảo vệ bởi luật bản quyền mà không có sự cho phép của tác giả.

Luật bản quyền 2021 của Singapore cũng bổ sung thêm quy định mới cho phép chủ sở hữu quyền tác giả khởi kiện những đối tượng mua bán thiết bị hoặc ứng dụng phần mềm hay người cung cấp dịch vụ cho phép người sử dụng xem trực tiếp tác phẩm (stream) từ những nguồn bất hợp pháp, không tôn trọng quyền tác giả (thường đặt tại các nước đang phát triển). Xem “chùa” trên mạng đã và đang là vấn nạn lớn trong lĩnh vực quyền tác giả, gây thiệt hại khổng lồ cho ngành công nghiệp giải trí.

Quy định mới nhưng thiếu rõ ràng về việc sử dụng Quốc ca

Tiếp theo, xin được đề cập đến một trong những sửa đổi khác của luật bản quyền Việt Nam mà dư luận khá quan tâm, đó là quy định liên quan tới việc sử dụng Quốc ca Việt Nam, tác phẩm Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao.

Theo quy định mới ở khoản 2 điều 7 của luật, thì “Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.

Nhiều người cho rằng quy định này cho phép chủ sở hữu bản ghi âm hay ghi hình bài Tiến quân ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến bản ghi âm, ghi hình đó đến công chúng.

Nếu quy định này được hiểu theo nghĩa nói trên, thì sẽ dẫn đến hệ lụy là các nhà sản xuất sẽ không còn mấy hào hứng làm bản ghi âm, ghi hình mới của tác phẩm này, vì không còn quyền ngăn chặn sử dụng bản biểu diễn mới nữa.

Tuy nhiên, cách diễn đạt của quy định này có phần thiếu rõ ràng, vì nếu tồn tại nhiều bản ghi âm, ghi hình khác mà công chúng có thể thoải mái sử dụng, thì việc ngăn chặn phổ biến một bản ghi âm, ghi hình cụ thể liệu có thể bị coi là “ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng” Quốc ca hay không? Khi luật không rõ ràng, thì việc áp dụng sẽ càng khó trên thực tế.

Có thể chuyển nhượng quyền đặt lại tên tác phẩm, nhưng…

Điểm quan trọng nhất trong lần sửa đổi luật bản quyền lần này có lẽ nằm trong các quy định liên quan tới các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Mục đích chính của cải cách luật bản quyền Việt Nam lần này, xin được nhắc lại, là tạo điều kiện khai thác thương mại tác phẩm, thúc đẩy sáng tạo. Vì thế, các quy định liên quan đến xác định chủ sở hữu quyền tác giả được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng sửa đổi liên quan tới quyền đặt tên cho tác phẩm thì có thể lại đặt tác giả vào một tình huống không mấy dễ chịu. Cụ thể, theo luật bản quyền cũ, thì quyền đặt tên tác phẩm thuộc về tác giả và không thể được chuyển nhượng. Theo luật mới, tác giả có thể chuyển nhượng quyền đặt tên tác phẩm cho nhà khai thác và mất hoàn toàn quyền kiểm soát với tên tác phẩm.

Có ý kiến cho rằng nếu chủ sở hữu mỗi lần muốn sửa đổi tên tác phẩm cho phù hợp với mục đích sử dụng, lại phải có xác nhận đồng ý của tác giả thì rất khó khăn, bất cập. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng nhà khai thác tác phẩm thường là các doanh nghiệp, có tính chuyên nghiệp, nên vấn đề thủ tục này không có gì là quá khó khăn cả.

Hơn nữa, nếu như tác giả chuyển nhượng quyền đặt tên, thì khả năng tác giả không hề biết về việc tác phẩm bị đổi tên cũng rất cao. Đứng về mặt biểu tượng, thì việc tác giả không được xin phép mỗi khi tác phẩm bị đổi tên sẽ là một sự thiếu tôn trọng sáng tạo cá nhân.

Chưa có tòa chuyên biệt về SHTT, chế tài vẫn chưa có tính răn đe cao

Cuối cùng, xin được bổ sung rằng luật bản quyền 2022 cũng có nhiều thay đổi liên quan tới các trường hợp ngoại lệ, giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích chung, vừa thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy thương mại và tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận tác phẩm. Tuy nhiên, rất tiếc là luật mới còn chưa có nhiều thay đổi đột phá về các chế tài hành chính, dân sự, hình sự mang tính răn đe cao, hay chưa có tòa án chuyên biệt về SHTT như nhiều người mong đợi.

Luật bản quyền 2022 tuy vẫn còn tồn tại những bất cập, nhưng nhìn chung đã có những tiến bộ đáng kể so với luật cũ. Điều này thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện tình hình bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam, cũng như rút ngắn khoảng cách giữa mức độ bảo vệ ở Việt Nam và mức độ bảo vệ trong luật bản quyền ở các nước phát triển.

Lê Thiên Hương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Ngành du lịch đừng chỉ nhìn thấy toàn màu hồng (08/08/2022)

>   Samsung thu hơn 20 tỷ USD tại thị trường Việt Nam quý I (08/08/2022)

>   Lập phương án xử lý dứt điểm dự án Đạm Ninh Bình và Công ty tàu thủy Dung Quất (08/08/2022)

>   Hoàn thành đoạn trên cao đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội chậm nhất vào cuối năm 2022 (07/08/2022)

>   Thị trường bia tươi sắc trở lại (07/08/2022)

>   Vợ Nguyễn Thái Luyện cùng em chồng rửa tiền như thế nào (07/08/2022)

>   VEC bỏ quy định số dư trong tài khoản thu phí không dừng ETC (06/08/2022)

>   Siết chặt lợn xuất lậu qua biên giới, giá lợn hơi đột ngột giảm mạnh (06/08/2022)

>   Giá cây tràm giảm 50%, người dân trồng rừng ở U Minh hạ lo đầu ra (06/08/2022)

>   Phó Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay những bất cập thu phí không dừng (06/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật