Thứ Sáu, 26/08/2022 13:26

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đầy sức hút với dòng vốn ngoại

Dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài đang là "điểm sáng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều tháng qua. Dù khó có đột biến song theo nhiều chuyên gia, xu hướng mua ròng có thể sẽ duy trì mạnh trong giai đoạn cuối năm, bởi thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Trở thành một lực cầu quan trọng

Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn duy trì diễn biến khởi sắc trong nửa đầu tháng 8. Chỉ số VN-Index củng cố khá vững chắc mốc kháng cự 1.200 điểm và đang tiến dần lên mốc 1.300 điểm, mặc dù thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời lớn và đi vào vùng trũng thông tin.

Trong khi đó, thống kê giao dịch của khối ngoại tuần 15 - 19/8 cho thấy, khối ngoại vẫn là điểm sáng của TTCK khi có tuần mua ròng thứ 5 liên tiếp. Thậm chí, giao dịch khối này còn tích cực hơn so với tuần kế trước, khi giá trị mua ròng tăng tốt trở lại, với 525 triệu cổ phiếu. Kể từ đầu năm, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE là 3.851 tỷ đồng, trong đó mua ròng thông qua khớp lệnh 2.572 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 1.279 tỷ đồng.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm Phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước thường chiếm đến hơn 90% tổng giá trị giao dịch mỗi phiên nên dòng tiền của nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ ảnh hưởng chính đến xu hướng của TTCK. Dòng tiền khối ngoại chỉ chiếm khoảng dưới 10% nên có ảnh hưởng khá khiêm tốn. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022, dòng vốn ngoại đang có vai trò lớn hơn khi khối này đang mua ròng trở lại.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt lên là cơ hội, lợi thế để thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: TL

“Như chúng ta biết, khối ngoại có xu hướng bán ròng trong năm 2020-2021 và xu hướng này có thể chấm dứt khi khối này đảo chiều mua ròng trở lại trong quý II/2022. Tuy khối lượng giao dịch của khối ngoại không quá lớn, nhưng trong bối cảnh thị trường giảm mạnh từ tháng 4, việc mua ròng của khối này có thể là một lực cầu quan trọng và làm cho xu hướng điều chỉnh không quá mạnh” - ông Hiếu phân tích.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu nhận định thêm, TTCK Việt Nam vẫn còn hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. Nếu sử dụng chỉ số PE forward để định giá thị trường thì PE forward của thị trường Việt Nam đang ở mức 11 - 12x, đây là mức PE forward gần với mức đáy tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. Đây cũng là mức thấp nhất nếu so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi khá tốt khi các chỉ báo vĩ mô quan trọng đều có sự cải thiện rõ rệt kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại từ tháng 10/2021. Sau đợt suy giảm trong quý II/2022, TTCK đã điều chỉnh về mức hấp dẫn và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, hiện tại yếu tố hấp dẫn nhất của TTCK Việt Nam là định giá. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư nước ngoài thường hướng tới xu hướng đầu tư dài hạn, do đó giai đoạn giảm mạnh là cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài mua vào.

“Tôi cho rằng, từ nay tới cuối năm khuynh hướng chính của nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tăng dần tỷ trọng, mua với định giá thấp. Bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tốt lên là cơ hội, lợi thế để tiền có thể chảy vào chỗ trũng và Việt Nam sẽ là vùng trũng thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài” - ông Minh dự báo.

Đa dạng sản phẩm, minh bạch thông tin

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc rà soát, điều tra, xử lý các sai phạm trên TTCK thời gian qua cũng góp phần nâng cao tính minh bạch của thị trường và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều dự báo cho rằng, dòng vốn ETF trong các tháng cuối năm có thể vẫn duy trì sức hấp dẫn nhất định thu hút các nhà tư trong khu vực như Đài Loan, Singapore, Thái Lan, với các sản phẩm mới ra mắt như quỹ

DCVFMVNMIDCAP (tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa thuộc chỉ số VNMidcap) và quỹ KIM VNFINSELECT (tập trung vào các cổ phiếu tài chính thuộc chỉ số VNFIN Select), nơi các nhà đầu tư cá nhân Đài Loan, Singapore, Thái Lan chiếm chủ đạo về giao dịch này.

Rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán

Quy chế giao dịch mới vừa được Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) ký và sẽ có hiệu lực từ ngày 29/8. Nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán ngày 25/8 (ngày T+0) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/8 (ngày T+2) để có thể thực hiện ngay mua, bán. Theo quy chế mới, VSD và ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc hoàn tất thanh toán chứng khoán và thanh toán tiền cho nhà đầu tư, từ 15h30 - 16h00 như hiện nay lên 11h - 11h30 ngày T+2. Trường hợp có phát sinh thành viên lưu ký mất khả năng thanh toán tiền, thời gian hoàn tất thanh toán chậm nhất là 12h.

Theo các chuyên gia, để thu hút thêm dòng vốn ngoại, cần phải cải thiện sự minh bạch của thị trường và có thêm nhiều loại sản phẩm. Với nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường Việt Nam, họ rất khó tiếp cận thông tin quan trọng. Điều này dẫn đến khối này phải gánh chịu thêm rủi ro không cần thiết. Vì thế, cải thiện sự minh bạch có thể là chìa khóa giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam với các sản phẩm khá hạn chế. Thị trường phái sinh tuy có quy mô gia tăng từng năm nhưng nếu so với thị trường cổ phiếu thì còn khá khiêm tốn, các sản phẩm chứng quyền hầu như không được khối ngoại quan tâm. Vì thế, chiến lược đầu tư của khối này trên thị trường Việt Nam là khá hạn chế. Đặc biệt, khi Việt Nam chưa cho bán khống. Sự thiếu hụt các sản phẩm đầu tư có thể làm giảm sự hấp dẫn của thị trường với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu có nhiều sản phẩm hơn, khối ngoại cũng có thể thực hiện nhiều chiến lược đầu tư hơn. Cùng với sự ổn định của nền kinh tế sau đại dịch và triển vọng thu hút dòng vốn nước ngoài, TTCK Việt Nam có thể sớm đạt được những thành tựu mới trong tương lai.

Hồng Quyên

TBTCVN

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 26/08: Khó bứt phá? (25/08/2022)

>   EVS Research: Thanh khoản duy trì từ 15,000 - 17,000 tỷ đồng trong tháng 9 (25/08/2022)

>   Tiến sĩ Hồ Quốc Lực (FMC): “Doanh nghiệp thủy sản đang thấm đòn lạm phát” (25/08/2022)

>   TS. Cấn Văn Lực: Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân (25/08/2022)

>   Cơ hội nào cho nguồn vốn doanh nghiệp? (25/08/2022)

>   Góc nhìn 25/08: Rủi ro rung lắc vẫn còn? (24/08/2022)

>   TS. Đinh Thế Hiển: Ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp bất động sản sẽ càng thâm dụng vốn (24/08/2022)

>   Góc nhìn 24/08: Dao động biên độ hẹp (23/08/2022)

>   Góc nhìn 23/08: Tiếp tục điều chỉnh? (22/08/2022)

>   VDSC: VN-Index biến động trong vùng 1,225-1,398 điểm giai đoạn nửa cuối năm  (23/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật