Sun Group, Anphanam, Flamingo khảo sát làm dự án tại hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái
Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với hơn 1,300 đảo xanh lớn nhỏ cùng hệ thống hang động sâu trong lòng núi đá vôi.
Tại kỳ họp thứ 7 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX mới đây đã ban hành Nghị quyết thông qua đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Phạm vi quy hoạch chung xây dựng gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên.
Quy mô khoảng 53,388.58 ha thuộc địa phận huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Định hướng sử dụng đất toàn khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà được phân thành 4 phân khu gồm:
Phân khu 1 (Khu văn hóa sinh thái Lục Yên): Diện tích đất tự nhiên khoảng 12,625.2 ha, diện tích đất xây dựng các khu chức năng hỗn hợp, phát triển du lịch khoảng 1,989.33 ha và đất dự trữ phát triển.
Phân khu 2 (Khu trung tâm phía Tây kết nối nút giao IC14 cao tốc Nội Bài - Lào Cai): Diện tích tự nhiên khoảng 14,845.19 ha, diện tích đất xây dựng các khu chức năng hỗn hợp, phát triển du lịch khoảng 2,909.27 ha và đất dự trữ phát triển.
Phân khu 3 (Khu trung tâm cửa ngõ phía Nam): Diện tích tự nhiên khoảng 6,508.89 ha, diện tích đất xây dựng các khu chức năng hỗn hợp và phát triển du lịch khoảng 639.27 ha và đất dự trữ phát triển.
Phân khu 4 (Khu du lịch sinh thái đảo và quần đảo): Diện tích tự nhiên khoảng 19,409.3 ha, diện tích đất xây dựng các khu chức năng hỗn hợp và phát triển du lịch khoảng 1,334.48 ha và đất dự trữ phát triển.
Hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái. (Nguồn: Báo Yên Bái)
|
Giai đoạn lập quy hoạch gồm giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác.
Xây dựng và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế.
Về dự báo phát triển dân số đến năm 2030 khoảng 165,000 người; đến năm 2040 khoảng 210,000 người. Khách du lịch dự báo theo phương án tăng trưởng tích cực do có yếu tố đột biến “Cảng hàng không Sa Pa” tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (dự kiến đưa vào khai thác sau năm 2025). Đến năm 2025 đạt 385,000 khách, đến năm 2030 đạt 1.5 triệu khách, đến năm 2040 đạt 4.5 triệu khách.
Cách Hà Nội khoảng 140 km, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam với hơn 1,300 đảo xanh lớn nhỏ cùng hệ thống hang động sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.
Được biết, huyện Yên Bình đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn đến khảo sát gồm Tập đoàn Anphanam, Flamingo, Sun Group với các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà.
Định hướng phát triển của huyện Yên Bình là Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà có tổng diện tích 1,200 ha, bao gồm 4 trung tâm chính: trung tâm du lịch Tân Hương - Đại Đồng; trung tâm du lịch Linh Sơn - Cao Biền; trung tâm Du lịch Phúc Ninh - Cảm Nhân; trung tâm dịch vụ phụ trợ Tây Nam hồ Thác Bà.
Huyện đã triển khai chính sách thu hút các nhà đầu tư khu vực ngoài Nhà nước, thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn như: dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng An Bình trên khu vực hồ Thác Bà, xã Tân Hương của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương nghiệp; dự án đầu tư xây dựng công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà của CTCP Đầu tư Công viên Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Đô thị Hồ Thác Bà; dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng hồ Thác Bà của CTCP Thương mại và Du lịch Hồ Thác Bà…
Thu Minh
FILI
|