Nghị định quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn còn những điểm nghẽn
Dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35/2022 vẫn có những điểm nghẽn cần được tháo gỡ…
Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế ban hành bàn hành ngày 28/5/2022 là chính sách quan trọng trong việc định hướng phát triển hạ tầng khu công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Đặc biệt là các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ phát triển các mô hình khu công nghiệp chuyên dụng như khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 26/8, ông Trần Anh Vương, Tổng Giám đốc Western Pacific cho biết mặc dù Nghị định 35 đã đưa ra được rất nhiều tín hiệu tích cực trong công tác đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nhưng khi ban hành vẫn còn rất nhiều tồn tại.
Trước hết, Nghị định 35 có quy định về vấn đề phân kỳ đầu tư, đây là một trong những vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư.
Khoản 4 Điều 8 Nghị định 35 quy định rõ, không chỉ chủ đầu tư phân kỳ trong dự án của mình, mà phân kỳ đầu tư phải phân kỳ cả quá trình từ chủ trương đầu tư cho đến chấp thuận đầu tư cho đến phân kỳ đầu tư thật trên thực địa.
Diễn đàn “Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế”.
|
Ông Vương phân tích, làm một khu công nghiệp 250ha, khi đi xin chủ trương đầu tư chúng ta sẽ phải tách đôi, làm 2 lần chủ trương đầu tư, 2 lần lựa chọn nhà đầu tư, 2 lần giải phóng mặt bằng… không khéo sẽ làm cho tính tích cực trở thành tiêu cực. Bởi nếu phân kỳ như vậy, tính khớp nối sẽ rất khó với ngay cả một chủ đầu tư. Nghị định còn quy định rõ, nếu phân kỳ lần 1, tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 60% thì phân kỳ lần 2 sẽ là chủ đầu tư khác.
Một vướng mắc nữa được các doanh nghiệp đề cập tới là cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư ở Nghị định này vẫn quy định là Thủ tướng Chính phủ, vì vậy cơ quan tiếp nhận đề xuất chủ trương đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đây là một quy định đúng. Nhưng bất cập là, trước đây khi đi xin chủ trương đầu tư khu công nghiệp, bao giờ doanh nghiệp cũng trình lên cấp tỉnh trước, xem tỷ lệ lấp đầy đã được 60% chưa, quy hoạch đất đai thế nào. Nhưng khi doanh nghiệp giải trình hồ sơ lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chắc chắn sau đó Bộ phải làm công văn hỏi các Bộ và tỉnh.
“Quá trình luân chuyển chứng từ này sẽ làm chậm quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư. Nếu như có những thoả thuận dưới tỉnh trước, xem xét trước nhưng về pháp lý thì chúng tôi không được phép. Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021 quy định rất rõ, Thủ tướng chấp thuận phải trình ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khúc mắc so với quá trình trước đây, khi chúng tôi xin chủ trương đầu tư sẽ làm việc với tỉnh trước, làm việc ở dưới Ban quản lý các khu công nghiệp. Các tỷ lệ đó đã được hiệp thương dưới tỉnh rõ ràng, khi đưa lên nó thuận chiều”, ông Vương nói.
Cho rằng đa phần các dự án cả trong nước và nước ngoài đều thu hút vào khu công nghiệp, khu kinh tế. Song ông Nguyễn Đình Nam, CEO AP Việt Nam đặt câu hỏi, tại sao Nghị định 35 không bao hàm câu chuyện quy định liên quan đến xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có định hướng ban đầu hình thành khu công nghiệp của mình theo đúng tiêu chí để thu hút tốt hơn?
Hay có một vài điểm liên quan đến đầu tư hạ tầng (phần cứng của thu hút đầu tư), như sân bay, cảng biển, cao tốc… các điều kiện hỗ trợ xúc tiến đầu tư trong Nghị định đã quy định nhưng chưa chia tiết.
Trong hạ tầng mềm xúc tiến đầu tư, cái quan trọng cốt lõi của các khu công nghiệp là đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư. Hiện tại, các khu công nghiệp hình thành đã lâu nên đều đào tạo tự phát, làm dần thành quen. Nếu đào tạo bài bản ngay từ đầu thì chưa có quy định nào cả.
Hiện ở cấp quốc gia và địa phương đều có các chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng xúc tiến đầu tư nhưng chỉ cho các đơn vị quản lý nhà nước là các Sở Kế hoạch và Đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp các tỉnh. Vì vậy, Nghị định này nên quan tâm đến sự hỗ trợ của Chính phủ tới các đơn vị phát triển khu công nghiệp tư nhân trong đào tạo tập huấn xúc tiến đầu tư.
Ở góc độ khác, PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng cho rằng Nghị định 35 có thể coi là Nghị định điều chỉnh lần thứ tư về vấn đề nhà ở công nhân trong khu công nghiệp.
Trước đây Bộ Xây dựng đứng ngoài các văn bản quy định về nhà ở ở các KCN, khu kinh tế. Nhưng tại Nghị định 35, điều 56 quy định cụ thể quyền hạn trách nhiệm của quản lý nhà nước thuộc về Bộ Xây dựng.
“Như vậy trách nhiệm đã được giao đến Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Nghị định 35 chưa giải quyết được các vấn đề về nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp, khu kinh tế, do đó Chính phủ và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nhiều vấn đề”, ông Hải nói.
Ông Hải dẫn ví dụ, đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng kiến cảnh đoàn người lao động từ Nam trở về Bắc. Như vậy họ đã không coi nơi họ làm việc là quê hương thứ 2. Vì sao có câu chuyện này? Ông Hải lý giải: “Vì chúng ta chưa làm tốt câu chuyện dịch cư, không chỉ lo nhà ở cho người công nhân mà phải nghĩ tới nhà ở cho người nhà của công nhân, để câu chuyện dịch cư tạm thời thành dịch cư cố định”.
Vũ Khuê
VnEconomy
|