Khi khu đô thị bỏ quên hạ tầng
Những trận mưa lớn hai ngày qua khiến nhiều khu đô thị (KÐT) tại Hà Nội bộc lộ rõ những bất cập của hạ tầng, không còn lung linh như quảng cáo của chủ đầu tư. Nhiều KÐT thiếu hạ tầng thoát nước, chiếu sáng, khu vực trường học... do chủ đầu tư “bỏ quên”.
Tình trạng cứ mưa là ngập kéo dài nhiều năm qua tại Dự án Westpoint
|
Hai ngày mưa lớn vừa qua, hàng trăm hộ dân thuộc dự án KĐT Nam đường 32 (Dự án Westpoint), ở quận Nam Từ Liêm, do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 là chủ đầu tư, lại “bơi” trong nước. Các tuyến đường bao quanh, đường nội khu ngập nước. Nhiều hộ dân chỉ còn cách chờ nước tự rút hoặc nhờ ô tô gầm cao để đi qua các điểm ngập. Theo bà Thanh (người dân tại KĐT), gia đình bà ở đây đã 4 năm, hễ mưa là ngập, do chủ đầu tư chỉ lo bán nhà mà bỏ quên hạ tầng. “Trên các trang mạng, dự án Westpoint được quảng cáo là KĐT sang trọng, hiện đại với đầy đủ tiện ích... Thực tế thì hệ thống thoát nước kém, đèn điện chiếu sáng không đầy đủ, có khu vực cỏ mọc um tùm khiến người dân rất bức xúc”, bà Thanh nói.
Dự án Westpoint chỉ là một trong rất nhiều dự án chỉ tập trung bán nhà, còn hạ tầng bị lãng quên. Việc thiếu hạ tầng khung cơ bản không chỉ khiến người dân bất tiện trong sinh hoạt, mà còn kèm theo đó những hệ lụy lâu dài.
Chỉ quan tâm xây nhà để bán
Hạ tầng xã hội, trường học cũng không có tại nhiều KĐT. Về việc học sinh không có trường học do quá tải hạ tầng xã hội, lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, quận hiện có 17 dự án chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát, nhưng chậm triển khai, thậm chí có dự án đã chậm triển khai gần chục năm. UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản báo cáo UBND thành phố đề nghị thu hồi một số dự án trường học tại KĐT Linh Đàm, KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, đề nghị giao cho UBND quận xây dựng trường công lập.
PGS. TS Bùi Thị An (ÐBQH khóa XIII), Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, nói: “Luật đã quy định các KÐT phải có hạ tầng xã hội, nhưng việc này đang bị các chủ đầu tư phớt lờ, gây ra nhiều hệ lụy”. Bà An nhận định, lãnh đạo thành phố Hà Nội cần chịu trách nhiệm khi không có biện pháp đủ mạnh để xử lý triệt để tình trạng này.
|
Riêng đối với KĐT Westpoint, UBND quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần họp với chủ đầu tư, yêu cầu đơn vị sớm hoàn thiện hạ tầng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm sinh sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chủ đầu tư vẫn không có động thái triển khai hạng mục nào.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thừa nhận, trong quy hoạch ban đầu, các KĐT đều được duyệt quy hoạch chi tiết với đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan… nhưng khi triển khai lại chỉ tập trung làm nhà để bán, các khu đất công cộng thường chậm triển khai.
Về trách nhiệm quản lý đất đai, hạ tầng trong KĐT, theo Nghị định 11 năm 2013, chủ đầu tư cấp 1 có trách nhiệm quản lý dự án trong quá trình xây dựng và bàn giao lại các khu vực công cộng cho chính quyền địa phương sau khi kết thúc dự án. Nhưng thực tế có rất nhiều dự án thực hiện nhiều năm mà chưa bàn giao hạ tầng.
Nhiều tuyến phố Hà Nội chìm trong nước
Sáng 12/8, mưa lớn xuất hiện từ 7h sáng, khiến nhiều tuyến phố ngập nặng, giao thông tê liệt.
Mưa ngập trắng nước và lút bánh ô tô tại quận Cầu Giấy
|
Là khu vực rất ít xảy ra ngập úng nhưng sáng 12/8, nhiều tuyến phố ở Long Biên, trong đó có Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Nam Đuống, Hoa Lâm… ngập sâu trong nước. Lúc 7h30 sáng qua, nước trên các tuyến phố này đã lút bánh ô tô con, xe máy.
Trong nội thành, tình trạng ngập úng xảy ra với nhiều tuyến phố, trong đó có các tuyến phố lớn đông xe như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Chùa Bộc, Giải Phóng, Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Bùi Xương Trạch, Vương Thừa Vũ, Huỳnh Thúc Kháng… Khu vực được ghi nhận ngập nặng nhất là các tuyến phố ở quận Cầu Giấy. Trên các tuyến phố như Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, Hoa Bằng… từ 7h30 đến 8h30, nước ngập bánh xe máy, ô tô. Cũng tại phố Tôn Thất Thuyết, Dương Đình Nghệ, nhiều đoạn giao thông đã bị phong tỏa, mặt đường rộng 4 đến 6 làn xe không khác gì dòng sông.
Trên đại lộ Thăng Long, tình trạng ngập tại hầm chui và hai bên đường gom tiếp tục xảy ra. Tại thời điểm trên, nhiều ô tô, xe máy lưu thông đến đây gặp mưa và nước ngập lên nhanh đã không kịp thoát ra các khu vực hầm chui, dẫn đến bị ngập nước, chết máy. Người đi xe máy phải xuống lội nước dắt xe, chủ ô tô phải gọi và chờ dịch vụ cứu hộ.
Thông tin về mưa ngập ngày 12/8, ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội, cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp suy yếu từ bão số 2, trên địa bàn thành phố xảy ra mưa trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 130- 260mm trong 2 giờ. Đây cũng là đợt mưa hiếm thấy và vượt công suất hạ tầng thoát nước thành phố.
Chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước phía tây
Lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, ngay khi có mưa, công ty đã vận hành các cửa xả hồ điều hòa như Đống Đa, Bảy Mẫu, Đầm Chuối… và các trạm bơm đầu mối Yên Sở (18/20 bơm), Đồng Bông 1 (14/14 bơm), Cổ Nhuế (4/4 bơm)… để hạ mực nước trên hệ thống. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, ngày và đêm 12/8 tiếp tục có mưa rào và dông. Các lực lượng, phương tiện của Công ty tập trung làm vệ sinh, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, vận hành các cửa xả, trạm bơm, giải quyết thoát nước cho khu vực, sẵn sàng đón mưa tiếp theo.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước thành phố mới chỉ hoàn chỉnh theo quy hoạch ở khu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ. Cường độ đáp ứng với các lượng mưa ở mức là 310mm/2 ngày cho toàn bộ hệ thống và 70mm/h đối với các cống.
Hệ thống thoát nước ở khu vực phía Tây thành phố như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và hai bên Đại lộ Thăng Long… chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, phần lớn vẫn phụ thuộc thoát nước tự chảy ra sông. Do vậy, xảy ra mưa lớn mà hệ thống thoát nước tại các khu vực này chưa đảm bảo tiêu thoát nhanh, nên một số khu vực đã xảy ra ngập úng. (Anh Trọng)
Miền Bắc có thể mưa đến giữa tuần sau
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngay sau khi chịu tác động của hoàn lưu bão số 2, miền Bắc tiếp tục chịu tác động của một rãnh áp thấp mới được hình thành và vùng hội tụ gió trên cao. Do ảnh hưởng của điều kiện trên nên ngày và đêm nay (13/8), miền Bắc và Thanh Hóa có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Dự báo đợt mưa dông này có khả năng kéo dài đến khoảng giữa tuần sau (16/8).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do mưa lớn kéo dài liên tục nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Dự báo ngay sau đợt mưa dông này, khoảng 18-20/8, miền Bắc tiếp tục đón đợt mưa dông mới.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 2, miền Bắc đã đón một đợt mưa lớn diện rộng kéo dài từ 10-12/8. Đặc biệt tại Hà Nội, mưa rất lớn diện rộng xảy ra với hầu hết các điểm; ngập úng diện rộng xuất hiện trên nhiều tuyến phố.
Theo thống kê đến 17h ngày 12/8, mưa lũ do bão số 2 đã khiến 4 người chết và 4 người mất tích. Trong đó, Lào Cai có một người bị cuốn trôi khi đi qua đập tràn; Hòa Bình 3 người chết, 2 người mất tích; Phú Thọ một người chết do bị lũ cuốn khi đi qua tràn; Tuyên Quang một trường hợp mất tích. (NGUYỄN HOÀI)
|
TRẦN HOÀNG
Tiền phong
|