IEA: Sản lượng dầu của Nga có thể giảm 20% vì lệnh cấm vận của EU
Sản lượng dầu Nga giảm 20% từ đầu năm sau khi lệnh cấm nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo.
Sản lượng dầu của Nga có thể đi xuống ngay từ tháng này khi Nga giảm lọc dầu và sau đó, mức sụt giảm sẽ tăng tốc khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực, báo cáo của IEA cho thấy. Từ đầu năm 2023, Cơ quan này dự báo sản lượng mỗi ngày giảm gần 2 triệu thùng, bất chấp đà hồi phục về sản lượng trong những tháng gần đây.
EU dự kiến sẽ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga từ ngày 05/12 nhằm chặn nguồn tài chính Nga cấp cho chiến dịch quân sự tại Ukraine. Còn từ ngày 05/02/2023, lệnh cấm vận hoạt động vận chuyển sản phẩm từ dầu của Nga sẽ có hiệu lực
Khoảng 1 triệu thùng sản phẩm từ dầu và 1.3 triệu thùng dầu thô Nga mỗi ngày sẽ phải tìm điểm đến mới do lệnh trừng phạt của EU, IEA ước tính. Sản lượng dầu của Nga đã tăng trong 3 tháng qua, chạm gần 10.8 triệu thùng một ngày trong tháng 7, do hoạt động lọc dầu trong nước tăng và xuất khẩu chuyển hướng sang châu Á.
Khi các quốc gia phương Tây và đồng minh áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, Moscow đã chuyển hướng từ châu Âu (thị trường năng lượng lớn nhất của họ) sang châu Á. Những người mua dầu từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương – vốn không bị hạn chế bởi các ràng buộc của phương Tây – sẵn sàng mua dầu giá rẻ từ Nga.
Trong tháng 6, Trung Quốc lần đầu vượt EU để thành nước mua dầu Nga nhiều nhất qua đường biển. Trung Quốc đã nhập khẩu 2.1 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày, cao hơn so với 1.8 triệu thùng của châu Âu, theo IEA.
Tuy nhiên, lượng dầu Nga bán cho châu Á đã ổn định trở lại trong vài tuần gần đây, theo dữ liệu từ Bloomberg. Điều này làm dấy lên lo ngại liệu châu Á có thể tăng mạnh nhập khẩu dầu để bù đắp cho tác động từ lệnh cấm vận của EU hay không.
Nga sản xuất trung bình 10.51 triệu thùng/ngày trong 3 ngày đầu của tháng 8/2022, theo thông tin từ Bloomberg. Con số này giảm khoảng 2.5% so với tháng 7/2022, nhưng có thể là do tính mùa vụ chứ không phải xuất phát từ lệnh trừng phạt. Phần lớn lượng dầu suy giảm đến từ một nhóm nhỏ nhà sản xuất dầu, bao gồm cả gã khổng lồ Gazprom, dữ liệu cho thấy. Gần đây, Gazprom đã tích cực cắt giảm sản lượng khí đốt trong bối cảnh xuất khẩu dầu sang EU thụt lùi.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|