Dầu tăng mạnh hơn 3% nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ
Giá dầu tăng mạnh vào ngày thứ Năm (18/8), khi dữ liệu kinh tế tích cực và mức tiêu thụ nhiên liệu mạnh mẽ của Mỹ đã lấn át những lo ngại rằng đà giảm tốc tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia khác có thể làm giảm nhu cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 3.41 USD (tương đương 3.6%) lên 97.06 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 3.00 USD (tương đương 3.4%) lên 91.11 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng hơn 1% trong phiên trước đó, mặc dù dầu Brent có lúc đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, do dấu hiệu suy thoái xuất hiện ở một số nơi.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Oanda, cho biết: “Giá dầu tăng sau một loạt dữ liệu kinh tế ấn tượng khác của Mỹ đã thúc đẩy sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu thô được cải thiện”.
Cụ thể, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước và dữ liệu của giai đoạn trước đó được điều chỉnh giảm mạnh, cho thấy các điều kiện thị trường lao động vẫn ổn định mặc dù có đà giảm do lãi suất cao hơn.
Tổng Thư ký mới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Haitham Al Ghais, nói với Reuters rằng các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập pháp và đầu tư vào lĩnh vực dầu khí không đủ là nguyên nhân đã đến giá năng lượng tăng cao, chứ không phải OPEC.
Tại cuộc họp tiếp theo vào tháng 9, ông Al Ghais cho biết OPEC+, bao gồm các nhà cung cấp dầu khác như Nga, “có thể cắt giảm sản lượng nếu cần thiết, chúng tố có thể bổ sung sản lượng nếu cần… Tất cả phụ thuộc vào cách mọi việc diễn ra”.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã sụt 7.1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/8/2022, mạnh hơn nhiều so với dự báo giảm 275,000 thùng, do kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 5 triệu thùng/ngày.
Các lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu dầu của Nga có thể làm khan hiếm đáng kể nguồn cung và đẩy giá tăng vọt trong những tháng tới.
Tuy nhiên, Nga dự báo sản lượng và xuất khẩu sẽ tăng cho đến cuối năm 2025, Reuters đưa tin, cho biết doanh thu từ xuất khẩu năng lượng sẽ tăng 38% trong năm nay, một phần do sản lượng xuất khẩu dầu cao hơn.
Giá dầu tăng bất chấp khả năng gia tăng nguồn cung từ Iran và những lo ngại rằng nhu cầu có thể giảm nếu Trung Quốc áp đặt thêm các biện pháp phong toả để ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19, cùng với tăng trưởng kinh tế chậm lại khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Thị trường đang chờ đợi những diễn biến từ các cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran năm 2015 với các cường quốc thế giới, điều này có thể dẫn đến xuất khẩu dầu của Iran tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD đạt mức cao nhất trong gần 5 tuần vào ngày thứ Năm. Đồng USD mạnh hơn làm giảm nhu cầu dầu do làm nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng những đồng tiền khác.
An Trần (theo CNBC)
FILI
|