Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế?
TPHCM đang tiến hành các hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Trong những năm qua, TPHCM đã có và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội “đột phá” phát triển quan trọng.
|
10 năm, 2 bản nghị quyết ra đời với mục tiêu để TP cất cánh. Nhưng thay vì đặt để và áp dụng một “bộ công cụ” mang tính đặc thù, khơi dậy nguồn lực, tiềm năng và dự phóng phát triển vượt bậc, thì nhiều nội dung, lĩnh vực đã bị chậm chân, vướng mắc, suy giảm năng lực thực thi.
Một thực tế không thể phủ nhận, trong những năm qua, TP đã có và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội “đột phá” phát triển quan trọng. Trong đó, điển hình giai đoạn năm 1996-2006, kinh tế TP tăng trưởng trên 2 con số, đây chính là một trong những cơ sở để Nghị quyết 16 đặt để kỳ vọng tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của TPHCM tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của TPHCM bình quân thời kỳ 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước... Vậy nhưng, trong 5 năm trở lại đây, sức tăng trưởng của TPHCM đã chậm lại, kéo theo sự sụt giảm của cả khu vực Đông Nam bộ.
Nguyên nhân chủ yếu của sự chậm chân này là vấn đề thể chế. Nói một cách dễ hiểu thì chiếc áo đang mặc đã quá chật so với thể trạng, tầm vóc của một TP mở, với trên 10 triệu dân, quy mô kinh tế đứng hàng đầu cả nước. Đó là chưa kể ưu thế bản địa vốn luôn là nơi tiếp nhận, giao thoa của những xu hướng phát triển, kể cả những vấn đề phát sinh của hầu hết các đô thị trên thế giới. Song, đối diện và đón đầu tất cả những “dòng chảy” ấy, chúng ta lại chưa thể bắt nhịp và bắt kịp để đưa ra một khung pháp lý; hoặc nếu có thì đã lạc hậu.
Rõ ràng, trong các nghị quyết đều không thiếu tầm nhìn dự phóng nhưng thực thể pháp lý cho từng khu vực, lĩnh vực được vận hành, thực thi thì lại hầu như chưa có, điển hình là trong các lĩnh vực trung tâm tài chính, kinh tế số, không gian ngầm, phát triển vùng đô thị TPHCM đều chưa được đề cập, dẫn dắt tới nơi tới chốn.
Có một mệnh đề được nhiều người đặt ra: với 2 nghị quyết cho 10 năm thực thi, thí điểm, “chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế?”. Đó là việc phải thiết lập một cơ chế không phải chỉ để gỡ rối, cơi nới mà là một khung pháp lý mang tính kiến tạo, thúc đẩy hết tiềm lực của TP để quay lại một chu kỳ tăng trưởng mà ở đó, ngoài mục tiêu thể hiện các chỉ số tăng trưởng GRDP mỗi năm, còn là chuyển đổi, nâng cấp cơ cấu - chất lượng tăng trưởng.
“Chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế?” ở vị trí TP như một “cửa ngõ của Việt Nam ra toàn cầu”, trong đó lưu chuyển đa chiều các vòng vốn, hàng hóa - dịch vụ, chuyển giao công nghệ - chất xám diễn ra mỗi ngày không ngưng nghỉ.
“Chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế?” với một không gian đô thị TPHCM là cái gạch nối - tiếp biến từ vùng đất cảng thị Sài Gòn - Gia Định đến không gian đô thị hiện nay, hướng tới bảo tồn trong phát triển, phát triển đi cùng bảo tồn để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, cư dân đô thị đặc trưng của vùng đất phương Nam, thu hút các nguồn đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.
“Chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn thế?” từ một cơ chế đặc thù trong hiện tại hay cho những lần kế tiếp, dù dưới những tên gọi pháp lý khác cho một đô thị đặc biệt thì giá trị cốt lõi trong các nội dung đang được đề xuất như quản lý về đất đai, tài chính - ngân sách, bộ máy, biên chế, văn hóa, xã hội cần phải được thiết lập, duy trì trong trạng thái bình thường như một dòng máu lưu chuyển, vận hành xuyên suốt trong cơ thể của một “chính quyền đô thị”.
Và trong khi chúng ta chưa thể thực hiện được nhiều như mong đợi, thì việc cần làm - nói như đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - là soi xét lại chính bản thân TP, trong đội ngũ cán bộ và guồng máy thực thi hành động là “tác nhân” chủ quan lên từng hoàn cảnh, thời điểm khách quan. Phải chăng “người-thành-phố” đã không đủ quyết liệt, không dám đeo bám, không đi đến cùng các vấn đề thể chế (đúng và trúng hướng phát triển của TP) để tự đột phá, đề xuất và thuyết phục bộ ngành, trung ương?
Phải chăng từ những sự vụ, sự việc một phần là sai phạm (với các cán bộ đã bị xử lý), một phần là không có khung pháp lý để thực thi dẫn đến sai phạm? Hay nhận thức về bối cảnh mới, các vấn đề mới của TP còn chưa rõ, hay còn chưa đúng, chưa trúng trong vai trò, vị trí, đóng góp của mình với quốc gia, với vùng Nam bộ, với các mô hình phát triển ở các lĩnh vực khác nhau?
Trả lời những câu hỏi ấy là cách để chúng ta làm được nhiều hơn mong đợi.
Nguyễn Quân Cát
SGĐTTC
|