Thứ Tư, 03/08/2022 11:00

Tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý 4

Chuyên gia phân tích của SSI đánh giá tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý 4/2022 khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, có thể yếu đi rõ rệt.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI, dữ liệu kinh tế quý 2/2022 cho thấy nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 là 7.0% (tương đương mức tăng 7.5% trong nửa cuối năm 2022), nhờ mức nền thấp của năm 2021.

Trong đó, chuyên gia SSI cho rằng 2 lĩnh vực có tác động chính đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào nửa cuối năm 2022 là đầu tư công và xuất khẩu, sản xuất.

Đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023

Việc mở cửa trở lại nền kinh tế kể từ đầu năm 2022 được ghi nhận bởi xu hướng tìm kiếm từ khóa trên Google liên quan đến du lịch Việt Nam (trong nước và quốc tế) ngày càng tăng. Do vậy, chuyên gia phân tích SSI cho rằng nhu cầu đối với lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý 3 khi đây là mùa cao điểm du lịch. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa sẽ được thúc đẩy bởi nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ có thể chậm lại từ quý 4, do chi phí sinh hoạt và giá năng lượng và hàng hóa tăng nhanh.

Chuyên gia SSI đánh giá đầu tư công được coi là động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Sau khi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các dự án đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, bao gồm hai dự án đường vành đai ở Hà Nội và TPHCM, và một số tuyến đường cao tốc.

Theo đó, đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính từ nửa cuối năm 2022 và trong đó, việc giải ngân vốn sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công đang được ưu tiên. Trên thực tế, thông qua các văn bản pháp luật được công bố trong thời gian gần đây, Chính phủ đang đặt mục tiêu sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp cho các dự án nêu trên trước quý 2/2023, phần còn lại bàn giao vào quý 4/2023.

Hơn nữa, để thúc đẩy tốc độ giải ngân, Chính phủ cũng sẽ áp dụng cơ chế thưởng vượt tiến độ cho các nhà thầu, cũng như thành lập ban chỉ đạo quốc gia về các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, và những điều này thể hiện quyết tâm chính trị lớn.

Hoạt động xuất khẩu và sản xuất bị ảnh hưởng bởi thách thức toàn cầu

Chuyên gia SSI đánh giá nửa cuối năm 2022, kinh tế toàn cầu được dự báo chậm lại rõ rệt do một số nguyên nhân sau: Chính sách tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn sau giai đoạn nới lỏng tiền tệ lớn và dài nhất trong lịch sử, giá hàng hóa toàn cầu duy trì ở mức cao so với cùng kỳ do nguồn cung năng lượng bị hạn chế và sự gián đoạn nguồn cung năng lượng do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào vùng suy thoái. Trên thực tế, khi kinh tế toàn cầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra, lạm phát đã tăng lên mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Mỹ đã chứng kiến lạm phát tăng vọt lên 9.1% so với cùng kỳ vào tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 1981.

"Nhằm đối phó với lạm phát, NHTW Mỹ đã tăng lãi suất liên tục và tính đến hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng 225 điểm cơ bản so với cuối năm trước. Câu hỏi đặt ra là những thách thức toàn cầu này sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào? Nhìn chung, các lĩnh vực liên quan đến thương mại sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động, tuy nhiên chuyên gia SSI cho rằng các tác động vẫn còn hạn chế nhờ sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì trong quý 3 khi tăng trưởng của các đơn hàng xuất khẩu mới vẫn được ghi nhận ở trong các khảo sát PMI gần đây. Tuy nhiên, tăng trưởng các ngành xuất khẩu có thể bắt đầu suy giảm từ quý 4 khi nhu cầu từ các đối tác thương mại chính của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, có thể yếu đi rõ rệt. Do vậy, nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái đang ở mức cao. Ngay cả khi chu kỳ suy thoái này có thể ngắn hơn bình thường, tác động tiêu cực đến thương mại của Việt Nam có thể không tránh khỏi. Tuy nhiên, do Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do nên vẫn có khả năng giảm thiểu được phần nào các tác động nói trên", chuyên gia SSI cho biết.

Khang Di

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (03/08/2022)

>   Chỉ số giá tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7 tăng 0,4% (02/08/2022)

>   Báo Đức: Kinh tế Việt Nam phát triển trên nền tảng vững chắc (02/08/2022)

>   Cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và phục hồi kinh tế (01/08/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh (01/08/2022)

>   Nghị định 24: 'Vũ khí' hữu hiệu chống 'vàng hóa' nền kinh tế (31/07/2022)

>   Ba kịch bản lạm phát toàn cầu ảnh hưởng Việt Nam (31/07/2022)

>   Không chủ quan dù kinh tế phục hồi mạnh mẽ (31/07/2022)

>   TS. Lê Xuân Nghĩa: Việt Nam tránh được vòng xoáy lạm phát và suy thoái kinh tế trên thế giới (29/07/2022)

>   CPI Bảy tháng đầu năm tăng 2.54% so với cùng kỳ năm trước (29/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật