Thứ Sáu, 26/08/2022 13:14

Chính quyền ghi sai, dân phải làm đơn 'xin' sửa!

Một người dân đi thi lấy bằng lái ô tô được yêu cầu nộp bản sao bằng lái xe gắn máy. Sau đó thì anh được báo lại là bằng lái xe gắn máy của mình bị ghi sai giới tính và phải làm lại bằng mới để cập nhật thông tin, sau đó mới được cấp bằng lái xe hơi. Vấn đề là, thông tin sai trên bằng lái của người dân này là do lỗi khi nhập liệu từ sở giao thông vận tải địa phương, nhưng để điều chỉnh thông tin sai không phải do lỗi của mình thì anh phải… làm đơn xin sở này sửa lại.

Một trường hợp khác cũng liên quan đến bằng lái là người dân có hồ sơ gốc bằng lái xe gắn máy đầy đủ nhưng khi đi đổi từ bằng giấy sang bằng nhựa thì được báo là “hồ sơ không có trong hệ thống”. Người này được hướng dẫn quay lại trung tâm dạy lái xe đã tổ chức thi để xin cấp giấy chứng nhận là… đã có thi tại đó để bổ sung vào hồ sơ gốc mới được chấp nhận.

Vấn đề là, nếu trung tâm kia đã giải thể thì người dân phải làm sao, trong khi lỗi không cập nhật dữ liệu lên hệ thống là thuộc về trung tâm này hoặc sở giao thông vận tải địa phương. Trong trường hợp này, phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân trong khi lỗi thuộc về phía cơ quan quản lý nhà nước.

Một số trường hợp lỗi nhập liệu từ phía cơ quan nhà nước khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng, phải tốn công đi lại nhiều lần mới được giải quyết như việc làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip và hộ chiếu vaccine trong thời gian qua.

Vào tháng 11-2021, người viết bài này đưa hai con lên điểm làm CCCD lưu động tại trụ sở công an phường. Sau khi khai đầy đủ thông tin, chụp ảnh, lăn tay thì sau đó chờ hoài không thấy có CCCD gửi về. Khi liên hệ lại thì công an phường báo là con gái tôi có dữ liệu số định danh cá nhân nhưng không có CCCD phải đi làm lại, còn con trai tôi bị mất dữ liệu, phải làm lại từ đầu ở khâu điền tờ khai để được cấp mã định danh rồi mới làm được CCCD.

Nhiều người dân khác cũng rơi vào tình trạng tương tự, có người phải đi lại tới bốn lần mới làm được CCCD. Hàng ngàn trường hợp bị phía cơ quan công an nhập liệu sai phải lên xuống nhiều lần rất mệt mỏi mới điều chỉnh xong. Phiền hà hơn nữa là khi thông tin bị sai cần làm lại, người dân ít khi được thông báo mà chỉ biết được tình trạng hồ sơ sau khi chờ lâu không nhận được CCCD và liên hệ lại với phía công an.

Lý giải về tình trạng chậm trả CCCD hay người dân phải đi làm lại, theo báo Lao Động, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, cho biết do trước đây cơ quan chức năng vừa tập trung làm CCCD, vừa tập trung sạch dữ liệu. Vì thời gian làm gấp và tập trung để làm trực tiếp, không phải làm trực tuyến nên các sai lệch về thông tin không phát hiện được. Sau này khi đổ dữ liệu mới phát hiện ra và số lượng này chiếm một tỷ lệ nhất định. Điều này làm người dân phàn nàn làm rất lâu mà không có CCCD, hoặc phải đi lại, khai lại, cấp lại CCCD.

Trường hợp lỗi sai thông tin của hộ chiếu vaccine cũng tương tự như CCCD. Trong quá trình triển khai, thông tin tiêm chủng của hàng triệu người nhập vào hệ thống bị sai. Cho đến giữa năm nay thì ngành y tế vẫn phải “làm sạch dữ liệu” và người dân vẫn phải chờ. Việc nhập thông tin sai không phải do lỗi người dân nhưng hậu quả thì họ phải chịu. Do chưa được cấp hộ chiếu vaccine, kế hoạch học hành, làm ăn và du lịch của nhiều người bị ảnh hưởng mà chỉ biết cam chịu chờ đợi và chờ đợi, không biết bao giờ mới có kết quả.

Đô thị thông minh, chính quyền điện tử là mục tiêu đã được đặt ra và triển khai. Vì vậy xin đừng quên, trong chính quyền điện tử cũng phải có chức năng “đính chính điện tử”. Người dân khi bị sai dữ liệu phải nhận được thông báo và truy cập vào cung cấp thông tin chính xác để chính quyền cập nhật.

Việc chính quyền nhập thông tin sai rồi đòi người dân phải làm đơn xin sửa cái sai không phải do mình gây ra nên chấm dứt càng sớm càng tốt. Điều này nên đặt ra như một tiêu chí bắt buộc của đô thị thông minh.

Mục Nhĩ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá tăng, người nghèo càng nghèo thêm (26/08/2022)

>   8 năm nữa, thu nhập của nông dân Việt Nam sẽ đạt 120 triệu đồng/người/năm (26/08/2022)

>   Nhiều dịch vụ áp dụng hình thức trả sau, tại sao thu phí ETC lại khó? (25/08/2022)

>   Trà sữa rút lui khỏi 'cuộc chiến' mặt bằng đẹp (25/08/2022)

>   Cảnh giác với lời mời việc nhẹ lương cao: Cạm bẫy, bóc lột, giam giữ nơi đất khách (24/08/2022)

>   Vì sao người trẻ theo đuổi trào lưu 'dừng cống hiến cho công việc' (24/08/2022)

>   Thu phí có giúp giảm ô tô vào nội đô TP.HCM? (24/08/2022)

>   Cuộc chiến gà rán ở Hàn Quốc (24/08/2022)

>   Tài xế tố Grab ăn chặn phí ship (23/08/2022)

>   Taxi sẽ đồng loạt giảm giá cước, các hãng xe công nghệ vẫn im lặng (23/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật