Thứ Tư, 31/08/2022 10:29

Châu Âu điêu đứng vì giá điện tăng vọt

Nỗi lo ngại về một cuộc suy thoái ngày càng phình to tại châu Âu khi giá điện liên tục lập đỉnh. Một số doanh nghiệp thậm chí lo ngại sẽ phải dừng hoạt động trong mùa đông.

Theo CNN, giá điện tại châu Âu liên tục lập đỉnh, khiến cuộc khủng hoảng năng lượng trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Mối lo ngại về nguồn cung điện và hệ thống sưởi khi mùa đông sắp tới cũng đang phình to.

Giá điện giao năm sau tại Đức - được coi là tiêu chuẩn ở châu Âu - đã vọt lên 1.000 euro/MWh (tương đương 999,8 USD) hôm 29/8, trước khi giảm trở lại 830 euro/MWh.

"Điều này không hề bình thường. Giá đã biến động quá mạnh", CNN dẫn lời ông Fabian Rønningen - nhà phân tích cấp cao tại công ty năng lượng Rystad Energy - bình luận. "Giá điện tăng ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi", ông nói thêm.

giá điện tại châu Âu ảnh 1

Các nước châu Âu đang đối mặt với tình trạng khan hiếm điện trong đợt nắng nóng kỷ lục, tình hình thậm chí có thể tồi tệ hơn khi trời chuyển lạnh. Ảnh: New York Times.

Khủng hoảng giá điện

Giá điện đã tăng vọt từ tuần trước, sau khi công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 sang châu Âu trong vòng 3 ngày. Động thái của Gazprom làm dấy lên lo ngại rằng Moscow sẽ dừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt sang khu vực đồng euro.

Các nước châu Âu đang gấp rút dự trữ năng lượng cho mùa đông. Nhưng kể từ khi Moscow phát động cuộc chiến ở Ukraine, dòng chảy từ Nga liên tục bị gián đoạn.

Hồi tháng 7, phía Nga cũng tạm dừng hoạt động của đường ống để bảo trì. Ngay cả khi đã khởi động lại, năng suất của đường ống vẫn sụt giảm đáng kể.

Thêm vào đó, kế hoạch dự trữ khí đốt cho mùa đông của châu Âu cũng bị đe dọa bởi đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè. Nhiệt độ cao đã thúc đẩy nhu cầu khí đốt ở châu Âu và Bắc Á, buộc các công ty phải tranh giành những lô hàng LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) được vận chuyển bằng đường biển. Điều này đẩy giá LNG lên cao hơn nữa.

giá điện tại châu Âu ảnh 2

Đợt nắng nóng kéo dài đã cản trở kế hoạch dự trữ khí đốt cho mùa đông của châu Âu. Ảnh: Reuters.

Thời tiết nóng, khô và oi bức còn tạo ra nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn, mực nước của hồ thủy điện, nhất là tại Na Uy, đang ở mức thấp. Nhiều tàu chở hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu của Đức hoạt động cầm chừng vì sông cạn nước, làm gián đoạn hoạt động của các công ty năng lượng nước này.

Lĩnh vực hạt nhân của Pháp cũng đang chật vật vì sản lượng lao dốc, đẩy giá năng lượng nội địa lên cao. Lĩnh vực này cung cấp khoảng 70% điện năng cho cả nước.

Hôm 29/8, Cộng hòa Séc thông báo sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn với các bộ trưởng năng lượng của châu Âu tại Brussels. Khu vực đang gấp rút tìm giải pháp cho tình hình hiện tại.

Doanh nghiệp loay hoay

Doanh nghiệp trên khắp khu vực đồng euro lo ngại rằng họ sẽ phải dừng hoạt động trong mùa đông vì thiếu điện. Trong khi đó, các hộ gia đình có thể chịu sức ép lớn khi hóa đơn điện tăng vọt.

Theo giới quan sát, tác động từ khủng hoảng năng lượng có thể đẩy khu vực đồng euro vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Trên thực tế, vẫn có một số tín hiệu khả quan. Hôm 29/8, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này vẫn đang làm đầy kho dự trữ khí đốt và có thể tránh được mức giá cao hiện tại.

Giá điện kỳ hạn vẫn cao. Điều này cho thấy các nhà giao dịch tin rằng cuộc khủng hoảng sẽ không dịu đi trong những tháng tới

Ông Fabian Rønningen - nhà phân tích cấp cao tại công ty năng lượng Rystad Energy

Theo ông Habeck, các kho dự trữ khí đốt của Đức đã đầy 83% và sẽ đạt ngưỡng 85% vào đầu tháng 9.

Nhưng tình trạng bấp bênh vẫn bao trùm lên khu vực. Theo ông Rønningen, giá điện kỳ hạn đang ở mức cao. Điều này cho thấy các nhà giao dịch tin rằng cuộc khủng hoảng sẽ không dịu đi trong những tháng tới.

"Chúng ta có thể sẽ phải tìm kiếm giải pháp trong vài mùa đông nữa", Giám đốc điều hành Shell Ben van Beurden cảnh báo.

Hôm 29/8, Uniper - công ty nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất tại Đức - thừa nhận rằng họ cần thêm sự trợ giúp của chính phủ. Công ty yêu cầu khoản hỗ trợ bổ sung lên tới 4 tỷ euro.

Eniper cho biết đang rơi vào tình trạng khan hiếm tiền mặt vì thiếu hụt các mặt hàng xuất khẩu của Nga. Điều này buộc họ phải chịu mức giá trên trời để lấp đầy khoảng trống nguồn cung trên thị trường.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ phục hồi trong tháng Tám (31/08/2022)

>   Khủng hoảng nhấn chìm công ty địa ốc lớn nhất Trung Quốc (31/08/2022)

>   Lỗ hổng lớn nhất trong các lệnh trừng phạt Nga của phương Tây (30/08/2022)

>   Trung Quốc triển khai gói ngân sách quy mô lớn hỗ trợ ổn định kinh tế (30/08/2022)

>   Thách thức trong việc hỗ trợ tăng trưởng của Trung Quốc (30/08/2022)

>   Bước lùi của ''những đứa con đại dịch'' (30/08/2022)

>   Lạm phát tăng cao đang diễn ra trên diện rộng và kéo dài (30/08/2022)

>   Vốn hóa của các đại gia công nghệ Trung Quốc bay hơi 700 tỷ USD (30/08/2022)

>   Kinh tế toàn cầu đối mặt thách thức lớn nhất trong nhiều thập niên (29/08/2022)

>   Công ty con kiện công ty mẹ (29/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật