Thứ Bảy, 13/08/2022 10:50

Biến động tỷ giá và những hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam

Theo các chuyên gia, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU đòi hỏi các DN Việt Nam phải chú trọng gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cuối tháng Bảy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ra công bố tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75%, lên mức 2,25-2,5% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2018). Đây cũng là đợt điều chỉnh lãi suất nhanh nhất của Fed trong rất nhiều năm qua. Ước tính, đồng USD đã tăng giá gần 11% từ đầu năm đến nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước, VND tính đến thời điểm này chỉ mất giá khoảng 2,3% so với USD. Tỷ giá USD/VND trong ngày 12/8, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước là 23.153 đồng. Tiền đồng vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc đồng USD tăng giá vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam như nhập khẩu, lạm phát và áp lực tỷ giá tăng lên.

Làm thế nào để “hóa giải” bài toán tỷ giá đang là câu hỏi thường trực để các doanh nghiệp có thể vượt qua được thách thức này, nhất là trong bối cảnh khi chỉ còn chưa đầy 2 quý nữa là kết thúc năm. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách cũng cần theo dõi sát các biến động để có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Xuất khẩu được lợi, nhập khẩu thêm gánh nặng chi phí

Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã có tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu được lợi khi đồng USD tăng giá thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu phải đội thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này.

Khó khăn bủa vậy doanh nghiệp nhập khẩu

Căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến ngày 1/8, một USD bằng 23.400 VND, tăng 2,3% so với đầu năm 2022, ở chiều ngược lại Việt Nam đồng VND lại tăng giá khoảng 8% so với EUR.

Theo đánh giá, Mỹ và châu Âu (EU) là hai thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam nên việc biến động tỷ giá, nhất là đồng USD đã tác động khá mạnh tới kết quả sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty Thương Mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, cho biết hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu tăng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ do giá USD lên cộng hưởng chi phí vận chuyển tăng gấp đôi.

Bên cạnh đó, giá các sản phẩm thủy hải sản nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu khiến doanh nghiệp khó khăn hơn.

Cũng đang chịu tác động bởi giá USD tăng cao, ông Phi Long, Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu thịt bò Mỹ ở Hà Nội cho biết đang ở thế lưỡng nan khi chi phí đầu vào tăng mạnh trong bảy tháng vừa qua.

“Một mặt do chi phí vận chuyển, logistics tăng cao khiến doanh nghiệp liên tục phải đội chi phí để nhập hàng về kho, giờ cộng thêm áp lực khi giá USD liên tục tăng trong khi đang phải vay đôla từ ngân hàng,” ông Long chia sẻ.

Cùng quan điểm này, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho rằng nhờ euro hạ nhiệt, các hợp đồng mua máy móc, thiết bị và một số nguyên phụ liệu cao cấp từ thị trường châu Âu của doanh nghiệp này có lợi về mặt tỷ giá. Song, ở chiều ngược lại, việc đồng đôla mạnh lên cũng gây những bất lợi khi phải đi vay ngân hàng bằng ngoại tệ.

“Khi doanh nghiệp vay ngoại tệ ở thời điểm giá đồng USD đang rẻ, nhưng tới kỳ thanh toán trả nợ, đồng bạc xanh lại lên giá, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu thêm khoản bù chênh lệch tỷ giá này,” đại diện May 10 nói.

Trong khi đó, với doanh nghiệp vừa nhập lại vừa xuất thì tác động của đồng USD tăng giá không chỉ có một chiều.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhìn nhận xuất khẩu dệt may sẽ hưởng lợi trong nửa cuối năm nếu giá đồng USD tiếp tục đi lên song Vinatex cũng sẽ có áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Lo sức mua giảm khi Euro mất giá

Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt con số 216,35 tỷ USD và tăng tới 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, cả nước đã chi khoảng 215,59 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Ngoài các thị trường chính như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản thì trong 7 tháng, Việt Nam cũng nhập khẩu khá mạnh từ Mỹ và EU, trong đó EU đạt 9 tỷ USD và Hoa Kỳ đạt 8,8 tỷ USD.

May hàng xuất khẩu tại May 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Nói về tác động khi đồng Euro giảm giá, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean đánh giá việc biến động của đồng Euro cũng khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may sang châu Âu bị ảnh hưởng.

Theo đó, tất cả các khách hàng tại châu Âu đều thanh toán bằng đồng Euro và doanh nghiệp Việt nhận tiền về nước đều phải đổi qua đô la Mỹ (USD). Do vậy, việc đồng Euro giảm gần bằng với đồng USD đồng nghĩa với việc giá trị xuất khẩu của mỗi lô hàng giảm theo. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp vốn đang chịu nhiều tác động bởi các chi phí đầu vào như xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay thêm giá Euro trượt giảm sẽ càng kéo lợi nhuận đi xuống.

“Chúng tôi đã sụt giảm gần 20% đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu trong mấy tháng nay. Điều nay cho thấy cầu của thị trường yếu đi và doanh nghiệp vốn đang trong giai đoạn phục hồi lại tiếp tục rơi vào thế khó,” ông Việt chia sẻ.

Theo các chuyên gia, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU, hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Hơn nữa, sức mua yếu làm người tiêu dùng EU có thể hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các thị trường, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, đối với các công ty nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế những rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng thương mại với đối tác, doanh nghiệp nên thương thảo việc áp mức trần hoặc sàn ngoại tệ thanh toán, để khi tỷ giá biến động tới các trần hoặc sàn, hai bên đều phải chịu chia sẻ rủi ro./.

Đức Duy + Thúy Hà

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Giao dịch ngoại tệ online, nhận ưu đãi cực "high" cho doanh nghiệp (13/08/2022)

>   SHB được NHNN chấp thuận thay đổi vốn điều lệ lên 26,674 tỷ đồng  (12/08/2022)

>   Nam A Bank đạt giải thưởng vì nỗ lực kiến tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên (12/08/2022)

>   SeABank năm thứ 2 liên tiếp được vinh danh “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á” (12/08/2022)

>   Ngân hàng ráo riết thanh lý bất động sản khi áp lực nợ xấu bủa vây (12/08/2022)

>   Sacombank tiếp tục được vinh danh là nơi làm việc tốt nhất châu Á  (12/08/2022)

>   MB chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% (12/08/2022)

>   Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp thông tin với cơ quan thuế (12/08/2022)

>   Công ty tài chính nào đang có gói vay hấp dẫn cho công nhân? (12/08/2022)

>   NHNN chia sẻ khó khăn với DN nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ là điều quan trọng nhất (11/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật