Thứ Ba, 12/07/2022 07:29

Xăng giảm hơn 3.000 đồng/lít: Doanh nghiệp vận tải chưa vội... mừng

Từ ngày 11/7, xăng, dầu giảm hơn 3.000 đồng/lít khiến nhiều doanh nghiệp vận tải vui vì giảm bớt gánh nặng chi phí. Thế nhưng, lần giảm này chưa đạt như kỳ vọng của doanh nghiệp và khả năng kỳ điều hành tiếp theo tăng khiến doanh nghiệp chưa vội mừng.

Giá xăng dầu vẫn là gánh nặng

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ sở hữu nhà xe Sao Việt) cho rằng, với việc giảm giá xăng dầu lần này, các doanh nghiệp chưa thể khôi phục bình thường được. Theo ông Bằng, ngày 11/7, xăng dầu trong nước giảm bởi 2 yếu tố là giảm thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới giảm. Thế nhưng điều hành giá xăng dầu chu kỳ 10 ngày/lần trong khi ngay từ đầu tuần, xăng dầu thế giới bắt đầu tăng thì kỳ điều chỉnh sau sẽ lại tăng giá.

“Việc giảm và với mức giảm này chưa thực sự nói lên điều gì. Doanh nghiệp chúng tôi vui nhưng chưa vội mừng vì sợ kỳ điều hành tiếp theo giá xăng lại tăng”, ông Bằng nói.

Kỳ giảm giá xăng dầu lần này chưa đủ mạnh khiến doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. Ảnh: Lê Hữu Việt

Ông Bằng cho rằng, mức giảm giá xăng, dầu dưới 30.000 đồng/lít vẫn là gánh nặng với doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp chưa thể điều chỉnh giảm giá vé ngay. Mỗi lần điều chỉnh giá vé của doanh nghiệp là cả vấn đề. Làm hạch toán đầu vào, đầu ra gửi lên Sở Tài chính, Giao thông… các đơn vị trả lời đồng ý hay không. Khi được duyệt giá xong phải thông báo mẫu phát hành hóa đơn mới, kể cả vé điện tử, gửi thông báo phát hành hóa đơn. Nhanh mất 1 tuần sau xăng lại điều chỉnh tiếp.

“Việc giảm và với mức giảm này chưa thực sự nói lên điều gì. Doanh nghiệp chúng tôi vui nhưng chưa vội mừng vì sợ kỳ điều hành tiếp theo giá xăng lại tăng”.

Ông Đỗ Văn Bằng, GĐ Cty TNHH Minh Thành Phát

“Từ đầu năm nay, 16 lần điều chỉnh tăng giá xăng nhưng doanh nghiệp chưa một lần tăng giá vé. Doanh nghiệp sẽ tăng hay giảm giá vé vào thời điểm ổn định thị trường. Doanh nghiệp không thể đuổi theo mỗi lần tăng giảm và làm ăn chộp giật”, ông Bằng nói.

Ông Bằng chia sẻ thêm, nếu như sau Tết Nguyên đán 2022, doanh nghiệp chỉ hoạt động được 10% nay đã đạt được 70- 80%. Thế nhưng, doanh nghiệp không tăng giá vé lúc thời điểm xăng tăng cao nhất bởi bản thân doanh nghiệp vất vả nhưng người dân còn vất vả hơn. “Sau mấy năm COVID-19 bị ảnh hưởng, người dân mới được đi chơi, nếu bị đánh tiếp vào hầu bao là không ổn. Doanh nghiệp vẫn đang gồng nhiều chi phí và giá xăng dầu vẫn khó dự đoán nên giá vé chưa thể tăng hay giảm vào thời điểm này”, ông Bằng cho hay.

Chưa thể giảm giá cước vận tải

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, doanh nghiệp vận tải vui nhưng mức giảm này chưa được như kỳ vọng xuống 27.000 đồng/lít. “Câu chuyện điều chỉnh xăng dầu là bài ca muôn thủơ. Đáng ra, phải có chỉ số dự toán cho toàn dân để dân có tích lũy, sử dụng phương tiện tiết kiệm, để doanh nghiệp có kế hoạch tăng giá hay giảm giá cước. Như vậy, với doanh nghiệp và người tiêu dùng không bị ngỡ ngàng. Trước nay, câu chuyện điều hành giá xăng như bị sét đánh ngang tai, tăng thì tăng phi mã còn giảm thì nhỏ giọt”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, với người tiêu dùng, doanh nghiệp đang trăn trở giá xăng làm sao giữ bình ổn không bị lạm phát. Vì nếu xăng tăng, các mặt hàng khác tăng theo sẽ dẫn đến lạm phát.

“Đối với một doanh nghiệp hoạt động có quy mô, hoạt động tuân thủ theo pháp luật thì việc điều chỉnh giá cước tăng hay giảm không phải là việc dễ làm, vì còn liên quan đến chi phí và việc chấp hành các quy định của nhà nước. Theo quy định của nhà nước chúng tôi phải nộp, chạy toàn bộ bảng giá cước khi điều chỉnh. Ví dụ: điều chỉnh giá cước lên 10% thì chúng tôi phải giải trình 10% tăng lên này vì lý do gì và gửi thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước ít nhất 5 ngày, sau đó mới được điều chỉnh. Bên cạnh, chi phí cho vận hành điều chỉnh giá cước và toàn bộ chi phí dán tem bảng cước mới lên xe theo quy định... Vì vậy chúng tôi rất mong giá xăng có biên độ điều chỉnh phù hợp với thực tế”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, mức giảm giá xăng dầu hiện nay, giá cước vận tải chưa thể giảm ngay và ông Hùng dự đoán, kỳ điều hành giá xăng dầu sắp tới có khả năng tăng thay vì giảm tiếp.

Giá vé đường sắt chưa giảm ngay

Ngày 11/7, trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, hiện chi phí nhiên liệu (dầu diesel) chiếm khoảng 30% chi phí khai thác mỗi chuyến tàu. Với việc giá dầu giảm 10%, giá thành đường sắt sẽ giảm tương ứng khoảng 3%. Do vé tàu được khai thác linh hoạt theo chi phí, trong đó có chi phí nhiên liệu, nên đường sắt sẽ cân đối và có thể giảm giá vé cho khách. Tuy nhiên, thời gian qua dù giá dầu tăng cao, nhưng đường sắt vẫn ổn định giá vé tàu khách như thời điểm giá nhiên liệu chưa tăng để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, nên việc điều chỉnh giá vé tàu sẽ được tính toán kỹ lưỡng theo thực tế giá thị trường. Hiện giai đoạn cao điểm hè nên tàu có lượng khách khá tốt, với tỷ lệ lấp đầy ghế từ 80-85% mỗi chuyến.

Lê Hữu Việt

Ngọc Mai

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung phủ nhận mọi cáo buộc (11/07/2022)

>   Bất ngờ nhiều cửa hàng 'hết xăng' sau khi giá giảm mạnh (11/07/2022)

>   Hàng hóa xuất xứ từ Lào sẽ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (11/07/2022)

>   Chính phủ công bố danh mục 34 cảng biển, có 2 cảng biển loại đặc biệt (11/07/2022)

>   Xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 20 tỷ USD (11/07/2022)

>   'Hồi sinh' du lịch, câu chuyện từ Malaysia (10/07/2022)

>   Đắk Nông: Chuyển điều tra vụ mua sắm kit test của Việt Á (09/07/2022)

>   Bộ trưởng GTVT: TP.HCM có thể trở thành đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam (09/07/2022)

>   Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Thành Phong (08/07/2022)

>   Du lịch gặp khó: Giá xăng 'ăn' hết lãi (08/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật