Thứ Năm, 21/07/2022 15:09

Vận tải biển kinh doanh có lãi trong 'bão giá' nhiên liệu

Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và biến động giá nhiên liệu tăng cao, doanh nghiệp hàng hải kinh doanh vận tải biển vẫn đạt nhiều kết quả khả quan.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển

Theo khảo sát của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), để hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển, hầu hết các công ty hoa tiêu cung ứng dịch vụ dẫn dắt tàu biển trong và ngoài nước ra vào, di chuyển tại các vùng biển giáp ranh hiện nay đều đã giảm giá cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển trước bão giá nhiên liệu.

Thời gian qua, diễn biến giá nhiên liệu trong nước liên tục tăng cao. Hiện tại, giá nhiên liệu đã có phần giảm xuống, nhưng vẫn ở mức cao. Trước tình hình này, các công ty hoa tiêu giá giảm dịch vụ từ ngày 1/7 đến hết 31/12 theo chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiên liệu tăng cao.

Vận tải biển kinh doanh có lãi trong 'bão giá' nhiên liệu. Ảnh: Hải Yên.

Cụ thể, các mức giá được giảm tối thiểu theo quy định tại Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về việc quy định biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao, neo, dịch vụ xếp dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (giảm 10% so với mức giá đang áp dụng).

Trong năm 2021, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản kêu gọi các công ty hoa tiêu, lai dắt giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hàng loạt doanh nghiệp hoa tiêu và lai dắt đã hưởng ứng lời kêu gọi này, đồng ý giảm giá dịch vụ cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa, tùy theo tình hình của từng khu vực…

Doanh nghiệp "lãi đậm"

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) báo cáo lợi nhuận hợp nhất trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ 2021, nhờ tận dụng cơ hội thị trường tốt. Riêng doanh thu ước đạt 11.083 tỷ đồng.

Trong đó, đối với khối cảng biển, lợi nhuận trước thuế ước đạt 826 tỷ đồng. Khối vận tải biển cũng ghi nhận kết quả tích cực dù thị trường nhiều biến động. Lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng. Một số cảng có kết quả lợi nhuận cao như cảng Hải Phòng (410 tỷ đồng), cảng Sài Gòn (200 tỷ đồng)...

"Các đơn vị đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt trong Quý 2", lãnh đạo VIMC lý giải về kết quả này.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống cảng của VIMC đã phát triển thêm 4 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), SSIT (1 tuyến). Đồng thời, phát triển thêm dịch vụ mới về hệ thống cảng của VIMC trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thử nghiệm dịch vụ đi Ấn Độ từ Cảng Nghệ Tĩnh và triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo VIMC, mặc dù "lãi đậm", nhưng nhiều đơn vị khối cảng biển có sản lượng sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng toàn khối cảng biển chỉ đạt 94% so với cùng kỳ, trong khi mức tăng trưởng sản lượng của cả nước 2%. Hoạt động của khối dịch vụ hàng hải cũng còn gặp khó khăn, lợi nhuận toàn khối ước đạt 50,8 tỷ đồng (118,8% cùng kỳ 2021). Bên cạnh đó, công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ vẫn còn chậm, chưa tạo được đột phá...

Để duy trì hiệu quả kinh doanh từ nay đến hết năm 2022 khi phải tiếp tục đối mặt với áp lực lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh... VIMC tập trung yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, đàm phán hợp đồng, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, kiểm soát nợ.

Riêng đối với các doanh nghiệp cảng biển, VIMC đã có kế hoạch phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng, phát triển tuyến dịch vụ container, triển khai dịch vụ sà lan kết nối các cảng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét chính sách hỗ trợ giảm 50% phí và lệ phí của phương tiện ra vào các vùng nước để giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và các bến thủy nội địa, thời gian thực hiện từ tháng 4/2022 đến hết 31/12/2022; tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải từ 8% xuống 5% và xem xét điều tiết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vận tải từ 20% xuống 15%. Từ năm 2021, giá dầu trên thế giới bắt đầu gia tăng, mức tăng trung bình khoảng 67,3% so với năm 2020, đến đầu năm 2022 giá dầu tiếp tục tăng cao đỉnh điểm, giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí của doanh nghiệp, khoảng 35 - 50% cơ cấu giá thành, do vậy giá nhiên liệu tăng sẽ tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và giá vận tải.

Sơn Vân

Báo Tin tức

Các tin tức khác

>   Đối mặt nhiều khó khăn, xuất khẩu dệt may vẫn 'nhắm' đích 43 tỷ USD (21/07/2022)

>   Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long (21/07/2022)

>   Bộ Công Thương lý giải về đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời (20/07/2022)

>   Doanh nghiệp thủy hải sản thiếu nguyên liệu (20/07/2022)

>   4 lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất (19/07/2022)

>   Một container hàng xuất sang Mỹ gánh 410 triệu đồng phí vận chuyển (19/07/2022)

>   SSI Research: Ngành thực phẩm và đồ uống - một lựa chọn đầu tư trong bối cảnh lạm phát cao (19/07/2022)

>   Khởi tố thêm 06 bị can trong vụ án xảy ra tại Saigon Co.op (19/07/2022)

>   Sửa Nghị quyết 54: Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM cần lối đi riêng (19/07/2022)

>   Nguyên nhiêu liệu đầu vào tăng cao, sản xuất xi măng gặp khó (18/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật