USD tăng quá mạnh, khối ngoại sẽ gieo sầu cho chứng khoán châu Á?
Đà tăng không ngừng nghỉ của đồng USD có thể châm ngòi cho làn sóng rút vốn ra khỏi thị trường cổ phiếu thị trường mới nổi tại châu Á. Điều này đập tan hy vọng khu vực châu Á sẽ trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022.
Chỉ số theo dõi biến động tiền tệ châu Á mới nổi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Đây là dấu hiệu đáng ngại đối với chứng khoán trong khu vực vì các cổ phiếu châu Á thường có mối quan hệ chặt chẽ với các diễn biến trên thị trường ngoại hối.
Trong năm nay, chỉ số chứng khoán MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) giảm đến 20% khi các nhà đầu tư nước ngoài rút 71 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán ở châu Á mới nổi (trừ Trung Quốc), gấp đôi lượng vốn ngoại bị rút trong cả năm 2021.
Gần đây, đồng bạc xanh đã làm chao đảo thị trường tiền tệ toàn cầu. Đồng USD tăng giá mạnh nhờ xu hướng đặt cược vào các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đồng USD mạnh hơn là điềm chẳng lành cho chứng khoán châu Á vì điều đó cho thấy giới đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn tài sản an toàn và hạn chế mua các tài sản rủi ro như chứng khoán. Đồng thời, đồng bạc xanh tăng giá còn là tín hiệu tiêu cực đối với tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á vì nhiều trong số này phụ thuộc vào hàng nhập khẩu được định giá bằng USD.
“USD đang mạnh lên vì tâm lý của giới đầu tư đang lo ngại rủi ro và điều đó không tốt đối với tài sản ở châu Á”, Zhikai Chen, Trưởng bộ phận cổ phiếu châu Á tại Công ty BNP Paribas Asset Management, nhận định.
Những thị trường dễ tổn thương
Các thị trường chứng khoán có tỷ trọng nhóm công nghệ cao tại châu Á như Hàn Quốc và Đài Loan có vẻ dễ bị tổn thương khi lợi suất trái phiếu toàn cầu cao hơn và tăng trưởng giảm tốc cũng ảnh hưởng đến mức định giá cổ phiếu và triển vọng nhu cầu ở châu Á.
Hai chỉ số chứng khoán chính ở Hàn Quốc và Đài Loan có hiệu suất kém nhất trong khu vực trong năm nay, giữa lúc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 50 tỷ USD.
Đối với các thị trường ít phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng nội tệ yếu hơn sẽ tác động tiêu cực tới bảng cân đối kế toán quốc gia và biên lợi nhuận của công ty, vì cả doanh nghiệp và Chính phủ đều phải tốn chi phí trả nợ cao hơn đối với các khoản vay định danh bằng USD.
Tại Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đồng Rupee đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi nước này đối mặt với mức thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài khóa ngày càng lớn hơn.
Trong khi đó, việc Ngân hàng Trung ương Thái Lan không can thiệp đã dẫn đến sự sụt giảm của đồng Baht. Đây cũng là một trong những đồng tiền giảm giá lớn nhất ở khu vực thị trường mới nổi trong năm nay. Đà giảm của đồng Baht có thể đe dọa khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán Thái Lan trong nửa cuối năm nay 2022.
Chứng khoán Trung Quốc vẫn giảm mạnh trong tháng 7 dù được nhiều tổ chức đánh giá lạc quan. Chỉ số theo dõi cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông giảm hơn 9% khi các nhà đầu tư lo ngại dịch Covid-19 tái bùng phát, cuộc khủng hoảng bất động sản ngày trầm trọng ở Trung Quốc và sự giám sát gắt gao trở lại của giới chức trách đối với lĩnh vực công nghệ.
Đối với Siddharth Singhai, Giám đốc đầu tư quỹ phòng hộ Ironhold Capital, có trụ sở tại New York, “đôi khi không mất nhiều thời gian để khối ngoại quyết định tháo chạy khỏi thị trường”.
Ông nhận định: “Tâm lý nhà đầu tư nước ngoài rất dễ thay đổi. Họ có xu hướng rót vốn và rút vốn rất nhanh”.
Cổ phiếu của các công phát triển hạ tầng, xây dựng ở châu Á sẽ dễ bị tổn thương khi đồng USD tăng mạnh hơn. Điều này là do mức độ nhạy cảm của các công ty này đối với đà tăng lãi suất, vị chuyên gia này nói thêm.
Bloomberg JPMorgan Asia Dollar Index - chỉ số theo dõi biến động tiền tệ châu Á so với USD – đã giảm 6% từ đầu năm 2022.
Tất cả 10 lĩnh vực thuộc chỉ số MSCI châu Á (trừ Nhật Bản) đều nhuốm sắc đỏ trong năm nay.
Đối với những nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán châu Á giảm giá, cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và viễn thông ở Đài Loan, các công ty công nghệ thông tin ở Ấn Độ, các ông lớn chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc và cổ phiếu năng lượng của Malaysia từng có thành tích vượt trội trong các giai đoạn đồng tiền châu Á giảm giá trong thập niên qua, theo một nghiên cứu của các nhà phân tích tại Công ty BNP Paribas Securities.
“Từ góc độ dòng vốn và tâm lý, chứng khoán châu Á thường có hiệu suất kém trong ngắn hạn khi USD tăng giá. Nhưng bạn cũng có thể tìm thấy một số công ty được hưởng lợi, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu hoặc các công ty có tập trung hơn vào những mảng có điều kiện thuận lợi ở nội địa – những lĩnh vực không bị tác động quá nhiều bởi đồng USD mạnh hơn”, Christina Woon, Giám đốc đầu tư về chứng khoán phụ trách khu vực châu Á tại Công ty đầu tư Abrdn, cho biết.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|