Nhịp đập Thị trường 21/07: VN-Index nổi sóng nhưng vẫn có cái kết có hậu cuối phiên chiều
VN-Index có diễn biến gập ghềnh hơn trong phiên chiều, không rõ có liên quan đến yếu tố “đáo hạn phái sinh” bên sàn HNX chiều nay hay không. Chỉ số bước vào phiên chiều với cú giảm nhanh, nhưng cũng chỉ sau ít phút bỗng nhiên tăng mạnh trở lại, treo trên cao cho đến khi gần thời điểm ATC chừng 15 phút thì lại rung lắc, rơi trở lại dưới 1,196 điểm, và đóng cửa ở gần 1,199 điểm. Dĩ nhiên diễn biến của VN-Index rất đồng dạng với diễn biến của chỉ số nhóm VN30.
Thanh khoản trên sàn HOSE không có cải thiện gì mấy trong phiên chiều, vẫn thấp hơn khá nhiều so với cùng giờ giao dịch của ngày hôm qua. Ngoài ra, tương tự như cuối phiên sáng, Large Cap, đặc biệt nhiều mã vốn hóa tỷ USD vẫn là trụ đỡ cho các chỉ số quan trọng, trong đó có MWG, VGC, SAB, MSN, DIG, LPB…, nhưng ở 2 nhóm Mid và Small Cap thì số cổ phiếu giảm giá nhiều áp đảo số tăng giá. Khối ngoại cũng đẩy mạnh mua vào nhiều hơn trong phiên chiều, nhiều nhất (theo số lượng) ở LPB, SSI và MWG.
Nhóm VN30 có đến 21 cổ phiếu tăng giá vào cuối ngày hôm nay, so với 7 mã giảm giá. Trong nhóm tăng giá này, MWG tăng tốt nhất, nhưng đây cũng vốn là mã tăng từ nửa cuối phiên sáng. Một số mã khác cũng tăng từ sáng cho đến chiều như HPG, GAS, ACB, VRE… Bất ngờ nằm ở SAB, MSN. Trong số những mã giảm ít ỏi, vẫn có 2 cái tên VHM và PLX.
Diễn biến giá hợp đồng tương lai sắp đáo hạn VN30F2207 đồng dạng nhưng có gap cao hơn (khoảng từ 2-4 điểm) trong phiên chiều (so với phiên sáng), nhưng tại thời điểm ATC, thị giá lại thấp hơn 1 chút so với điểm số chỉ số cơ sở chừng 1 điểm. Tuy nhiên với cách tính mới thị giá tại đáo hạn, có lẽ giá hợp đồng này sẽ vẫn cao hơn điểm chỉ số.
BSR bất ngờ được đẩy giá trước 14H30 và nhanh chóng đổi màu từ đỏ sang xanh, vượt lên trên 25,000 đ/cp và đến khi đóng cửa cuối ngày lùi một chút nhưng vẫn tăng gần 1% lên 24,800 đ/cp. Khối ngoại có thể là nhân tố đẩy giá cổ phiếu này trong những phút trước ATC. Ngoài BSR, nhìn chung nhóm dầu khí nhà PVN vẫn không có gì thay đổi nhiều so với cuối phiên sáng. Nhiều tên tuổi trong nhóm này vẫn giảm giá, ngoại trừ GAS tăng nhẹ hơn 1% (yếu hơn so với cuối phiên sáng), hay 2 mã nổi lên là DCM và PGS.
NTP bất ngờ tăng hơn 5% vào cuối phiên chiều, nhưng chỉ số HNX-Index vẫn đóng cửa bên dưới tham chiếu. Diễn biến của chỉ số chính sàn HNX đi ngược với VN-Index cũng là điều hơi khó hiểu. Ở nhóm Large Cap sàn này, ngoại trừ NTP thì gần như không có mã nào tăng mạnh, tuy nhiên ở phí giảm thì có mấy cái tên đáng chú ý như CEO, MBS…
Diễn biến chỉ số UPCoM-Index khá đồng dạng với HNX-Index, nhưng ở độ cao tốt hơn 1 chút, nên đến thời điểm đóng cửa, chỉ số chính sàn UPCoM kịp hồi trở lại cao hơn tham chiếu. Đáng chú ý là trong nhóm Large Cap sàn này, số cổ phiếu tăng giá chiếm khá áp đảo, trong đó nổi bật có SNZ, SIP, MCH, KLB… và tất nhiên vẫn là VTP, tăng hơn 7%. Nói chung trên sàn UPCoM, nhóm largecap không áp đặt sức ảnh hưởng lớn lên chỉ số như 2 sàn niêm yết kia.
Về nhóm ngành, nhìn chung ngân hàng, bán lẻ, sắt thép vẫn là các nhóm lớn đóng góp những cổ phiếu làm trụ đỡ cho các chỉ số quan trọng của 3 sàn. Ngược lại các nhóm lớn khác như chứng khoán, thực phẩm, xây dựng, điện, dầu khí luôn tồn tại nhiều sắc đỏ, cản trở đà tăng của các chỉ số. BĐS phiên chiều phân hóa, dù các mã vốn hóa hàng đầu như VIC, VRE, NVL, DXG, DIG… tăng giá, nhưng VHM và không ít tên tuổi tầm trung vẫn giảm giá.
Sau 1 ngày hôm qua tăng mạnh, hôm nay nhóm chứng khoán lại có cái kết khá buồn, hầu hết các tên tuổi trong ngành đều giảm giá, bao gồm cả HCM, VCI, VND, MBS, SHS… VND phiên sáng vẫn còn xanh, nay đã quay sang đỏ. Chỉ SSI còn may mắn hồi lại về tham chiếu lúc đóng cửa.
Phiên sáng: Large Cap giữ chỉ số trên tham chiếu, nhỏ lẻ giảm giá
VN-Index từng tăng khá mạnh trong khoảng thời gian 10h30 đến 11h, nhưng sau đó lại mất độ cao. Đến cuối phiên sáng, chỉ số vẫn tăng hơn 3 điểm, chủ yếu nhờ
Large Cap đỡ giá, nhất là 1 số mã vốn hóa tỷ đô. Diễn biến của chỉ số đã lan tỏa sang 2 chỉ số 2 sàn còn lại, nhưng sau đó riêng HNX-Index đã lại quay về với sắc đỏ.
Trên sàn HOSE lúc này, diễn biến giá cổ phiếu có vẻ còn tiêu cực hơn so với đầu phiên, nhất là với 2 dòng cổ phiếu nhỏ và vừa. Cụ thể, Large Cap vẫn chiếm đa số tăng giá, nhưng trên Mid Cap và nhất là Small Cap, số cổ phiếu giảm giá lại nhiều hơn hẳn. Do đó về tổng thể trên sàn HOSE, số cổ phiếu giảm giá đã vượt 51%. Ngân hàng, sắt thép, bán lẻ tiếp tục đỡ chỉ số, nhưng BĐS, chứng khoán, thực phẩm, dầu khí, sản xuất điện… lại đang có nhiều sắc đỏ. Thanh khoản trên sàn tiếp tục ở mức thấp so với cùng ngày hôm qua. Khối ngoại đang mua ròng, nhưng không nhiều, nhất là không có mã nào có lượng mua quá 1 triệu cổ phiếu.
Chỉ số HNX-Index đã lại quay về với sắc đỏ trong những phút cuối phiên sáng nay, và cũng có khoảng gần ½ số cổ phiếu giảm giá. Vào lúc này, trong số largecap của sàn HNX, chỉ có IDC, BAB, NTP, DTK là tăng giá nhẹ trên 1%, ngược lại 2 mã chứng khoán là SHS, MBS và 1 số mã khác như CEO, PVS, NVB, PTI… giảm kéo tụt chỉ số. Ở những cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, dù cũng vẫn có 1 số mã tăng mạnh tới 9-10% như CLM, SIC, VTV… nhưng nhìn chung số cổ phiếu giảm giá đang chiếm đa số.
Trên sàn UPCoM, VTP tiếp tục được đẩy cao, và đang tăng tới 7,2%. Ngoài ra, tình hình có vẻ vẫn sáng với nhóm largecap sàn này, với nhiều mã tăng giá như MCH, KLB, SIP, TVN… BSR vẫn cố gắng hồi, có lúc về tham chiếu, nhưng đến gần cuối phiên lại giảm trở lại. SNZ bất ngờ bay mất 2.700 đồng/cp sau 11g với vài deal nhỏ lẻ, chuyển từ tăng 4% thành giảm 3,8% vào cuối phiên.
VCB đang bị khối ngoại bán ròng nhẹ. Cổ phiếu này cũng nằm trong số những largecap tăng giá, đẩy chỉ số VNIndex lên cao trong khoảng thời gian gần 11g, nhưng sau đó lại lùi về tham chiếu. Tuy vậy nhóm ngân hàng trên HOSE, thậm chí 3 sàn, vẫn được coi là nhóm ngành lớn có diễn biến tích cực trong phiên sáng, với 20/27 mã tăng giá đến lúc này, trong đó nổi bật có PGB, SGB, KLB, LPB… chỉ có 2 cổ phiếu giảm giá là SSB và NVB.
GAS tăng giá trở lại gần 1,6% và có lẽ nhờ khối ngoại, với lượng mua chiếm ½ tổng lượng khớp, tuy nhiên nhóm dầu khí nhà PVN vẫn chìm trong sắc đỏ, với nhiều mã giảm trên dưới 1%, hoặc giảm sâu hơn như PGD (-3.3%).
VIC, DIG, DXG, D2D, NLG … là những tên tuổi trong nhóm BĐS nhà ở giữ được sắc xanh trong hầu hết thời gian phiên sáng, tuy nhiên nhóm này vào cuối phiên thì lại càng có nhiều sắc đỏ, bao gồm VHM, CEO, KDH, NTL… Tương tự, nhóm BĐS khu công nghiệp cũng có nhiều mã đổi về màu đỏ vào cuối phiên như BCM, SNZ, TID, SZL, TIP…
MWG đã tăng gần 3% vào cuối phiên sáng nay, mức tăng dù không phải là tốt nhất trong phiên, nhưng vẫn còn cao hơn mức tăng chiều qua. Bên cạnh MWG, FRT và DGW cũng đều tăng hơn 5%, mức tăng cao này được giữ nguyên trong phần lớn nửa sau phiên sáng. Tuy vậy cặp đôi PET và PSD lại giảm giá nhẹ.
3 đại gia HPG, HSG và NKG vẫn giữ vững phong độ sáng nay, với mức tăng của HPG trên 1,7% và 2 mã còn lại trên 2%. Nhóm ngành này cũng được coi là tích cực, với nhiều sắc xanh ở các mã nhỏ hơn, ngoại trừ số ít giảm sâu như TIS.
10h30: VN-Index vẫn chờ động lực để nối tiếp đà bứt phá từ chiều qua
VN-Index khá giằng co bên trên tham chiếu, với mức tăng không lớn. Chỉ số từng có thời điểm tăng cao nhất cũng chỉ khoản 4 điểm và đến giữa phiên sáng chỉ còn tăng chưa đến 2 điểm. Ngân hàng vẫn là nhóm chính đỡ chỉ số, ngược lại với dầu khí, chứng khoán. BĐS đang có dấu hiệu tiêu cực khi số cổ phiếu giảm giá tăng lên so với đầu phiên sáng. Sắt thép đang nổi lên nhiều sắc xanh, trong đó có cả 3 đại gia trong ngành.
Tương quan tăng giảm giá trên sàn HOSE đang có dấu hiệu tiêu cực hơn so với đầu phiên. Cụ thể số cổ phiếu tăng giá chỉ chiếm gần 40%, so với gần 50% giảm giá, chủ yếu do có nhiều smallcap đang đổi từ xanh sang đỏ. Trên nhóm Large Cap, nhất là các mã “tỷ đô”, số lượng cổ phiếu tăng giá vẫn nhiều hơn số giảm, trong đó nổi bật là DIG và VGC. Thanh khoản trên HOSE cũng rất thấp hơn thấy rõ so với cùng thời gian sáng hôm qua.
Chỉ số HNX-Index đã giảm trở lại vào giữa phiên sáng nay, có lẽ do tác động từ 1 số Large Cap sàn HNX như CEO, BAB, MBS, VNR…
Chỉ số UPCoM-Index cũng đang lùi vần gần tham chiếu, nhưng chưa đổi màu. May mắn là khá nhiều largecap sàn này vẫn tăng giá khá ổn định, ví dụ như SNZ, KLB, SIP… và nhát là VTP, cổ phiếu này thậm chí tăng hơn 6%, cao hơn so với hồi đầu phiên.
Nhóm ngân hàng vẫn đỡ VN-Index, với 12 trên 17 mã niêm yết trên HOSE, tăng giá. VCB vẫn đứng giá vào lúc này, nhưng rất nhiều mã khác tăng giá, trong đó nổi bật có VIB, MSB và LPB tăng gần 2%. Chỉ có 3 mã nhóm này trên HOSE giảm giá là EIB, SSB và TPB, dù vậy mức giảm cũng rất nhẹ.
DIG tiếp tục là cổ phiếu BĐS nhà ở tăng tốt nhất nhóm ngành này vào giữa phiên sáng, với mức tăng hơn 6%, cao hơn so với đầu phiên. Ngoài DIG, DIG, D2D, NLG, SCR cũng là những cổ phiếu từng có lúc tăng khá mạnh trong nửađầu phiên sáng. Tuy nhiên nhìn chung nhóm BĐS nhà ở đang có chút dấu hiệu tiêu cực hơn so với đầu phiên, cụ thể là có nhiều sắc đỏ hơn, trong đó thất vọng nhất có lẽ chính là VHM, dù chỉ giảm hơn 1% sáng nay, nhưng là giảm đều từ suốt tháng 6 đến nay.
Nhóm BĐS khu công nghiệp có nhiều sắc xanh trở lại so với đầu phiên sáng, trong đó nổi lên có IDC, PHR, SIP và SNZ, cổ phiếu này vẫn tăng hơn 4% với chỉ 2 deal khớp lệnh.
Nhóm bán lẻ hàng công nghệ đang tiếp tục chuỗi hồi pục. MWG đang tăng hơn 2% và được khối ngoại mua ròng. DGW tăng hơn 4% với niểm tin sẽ bán được nhiều thiết bị hơn khi đến mùa khai giảng mới. Đặc biệt FRT tăng hơn 6%, và đây là phiên tăng thứ hai với độ cao như vậy.
3 đại gia HPG, HSG và NKG đều tăng khá tốt, trên 2% vào giữa phiên sáng. Nhóm sắt thép vì thế cũng sáng hơn so với hồi đầu phiên, thậm chí có mã như VGS hay KVC còn tăng tới gần 6%. TIS ngược lại vẫn giảm tới 5% với tin xấu quý 2.
Nhóm chứng khoán tiếp tục chìm sâu vào sắc đỏ, dù cũng có thời điểm tích cực hơn. Trong số các mã hàng đầu, chỉ có VND còn tăng giá, SSI, VCI, HCM, MBS, SHS đều giảm nhẹ vào lúc này.
VN-Index mở cửa tăng nhẹ
VN-Index mở cửa tăng nhẹ 1 điểm, mức tăng này có lẽ khá bất ngờ do chưa nối tiếp đà hưng phấn của phiên hôm qua. Tuy vậy 3 sàn vẫn còn nhiều thời gian. Lưu ý hôm nay cũng là ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai (phái sinh) 1 tháng.
Diễn biến trên sàn HOSE mở cửa nói chung vẫn khá tích cực, dù chỉ số chỉ tăng nhẹ. Tương quan tăng – giảm giá khá cân ở nhóm Mid Cap, nhưng nghiêng hẳn về phía tăng giá ở Large Cap và nhất là SmallCap. DIG tăng hơn 5% nhưng là Large Cap duy nhất của sàn HOSE tăng mạnh đến vậy.
Trong nhóm VN30, FPT có vẻ bắt mắt nhất do được đặt mua hàm trăm ngàn cổ phiếu giá ATO ngay từ sớm, do đó đến thời điểm ATO, giá cổ phiếu này tăng gần 1,000 đồng. Nhóm này có 15 cổ phiếu tăng giá ngay khi mở cửa, đa số tăng dưới 1%, ngoại trừ MSN và MWG tăng khá hơn 1 chút. Ngược lại ở phía giảm giá, đáng chú ý có PLX và PNJ là 2 mã đều có thông tin tích cực gần đây, tuy nhiên giá đều giảm hơn 1%.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng tăng nhẹ ngay từ sớm, tuy nhiên nếu nhìn vào 2 nhóm Large Cap trên 2 sàn này, dễ thấy sắc xanh lấn át trên UPCoM, trong đó nổi lên có ACV, SNZ, KLB, MSR, VEF… và nhất là VTP, tăng hơn 5%. Ở nhóm Large Cap sàn HNX, diễn biến có vẻ cân bằng hơn, và hầu hết các mã dao động dưới 1%.
Ngân hàng, BĐS nhà ở, thực phẩm, bán lẻ, xây dựng… là các nhóm ngành lớn mở cửa có nhiều sắc xanh, ngược lại với chứng khoán hay dầu khí. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, có thủy sản, dệt may, nhiệt điện…
Nhóm ngân hàng tiếp tục nâng đỡ chỉ số ngay từ sớm với đa số sắc xanh, trừ… VCB đứng giá. Trong tháng 7 này, trong khi nhiều mã ngân hàng khác phục hồi thì VCB vẫn loay hoay chưa tăng lại nổi.
Tại thời điểm này, giá dầu Brent future đang giảm gần 1% nhưng vẫn trên 106 USD/thùng. Tuy vậy GAS và nhiều cổ phiếu dầu khí nhà PVN mở cửa trong sắc đỏ.
Nhóm chứng khoán mở cửa có khá nhiều sắc đỏ, nhưng chưa quá lo khi hầu hết những cổ phiếu giảm dưới 1%, ngoại trừ VDS giảm trên 3% với mức lỗ khủng quý 2 mà công ty vừa công bố. Tuy nhiên, SSI, VND, HCM là những công ty đầu ngành vừa công bố BCTC Q2, may thay còn có lãi, bất chấp các kho tự doanh chịu ảnh hưởng tiêu cực từ diễn biến trên 3 sàn trong cùng kỳ.
Hoàng Nam
FILI
|