Nhịp đập Thị trường 14/07: Nhóm chứng khoán dậy sóng với T+2, VN-Index tăng ngược trong phiên chiều
VN-Index đã tăng tích cực trong phiên chiều, nhất là sau 14h. Đà tăng của VN-Index ngược với diễn biến của DJ Future và 1 số chứng khoán sàn châu Á khác. Tuy cuối ngày chỉ số tăng hơn 8 điểm, nhưng diễn biến tích cực đã lan tỏa khắp sàn HOSE và lan sang cả 2 sàn còn lại. Nhiều nhóm ngành lớn nhỏ đã đổi sang sắc xanh trên diện rộng.
Trên sàn HOSE chiều nay, tương quan tăng – giảm giá đã thay đổi trên rất nhiều nhóm ngành và nhóm vốn hóa. Có nhiều nhóm ngành có đa số cổ phiếu tăng giá, thậm chí tăng bình quân ở mức cao như môi giới chứng khoán, hóa chất, ô tô, thực phẩm, phân phối xăng dầu và khí đốt… Đa số các nhóm ngành lớn đều phủ sắc xanh.
Trên nhóm Large Cap sàn này, nổi lên DCM, DPM tăng tới gần 7%, và khá nhiều mã khác tăng khá như BCM, KDH, VND, KDC… Khối ngoại cũng mua ròng gần 5 triệu cổ phiếu, một nửa số đó ưu tiên cho các cổ phiếu vốn hóa tỷ đô như STB, HPG, CTG, GEX, MWG…
Chỉ số HNX-Index cũng tăng liên tục trong phiên chiều nhờ lan tỏa từ sàn HOSE, cũng như sức ảnh hưởng của 2 nhóm dầu khí nhà PVN và chứng khoán khá lớn ở đây. Trong số Large Cap sàn HNX, có những mã tăng nổi bật như MBS, SHS hay những cổ phiếu tăng ổn định từ phiên sáng, như IDC, CEO, NTP…
Thông tin VSD sẽ áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 vào cuối tháng 8 đã giúp cổ phiếu công ty chứng khoán dậy sóng chiều nay. Tính cả 3 sàn, có đến 31/34 cổ phiếu chứng khoán tăng giá, mức tăng bình quân hơn 7%, trong đó có những mã tăng mạnh như APS, AAS, TCI, PSI, MBS, SHS, ART… Nhóm chứng khoán sàn HOSE do bị hạn chế biên độ dao động giá, nên tăng ít hơn, nhưng cũng có không ít cổ phiếu tăng trần hoặc sát trần 7% như AGR, CTS, FTS, HCM, VCI…
MSR tiếp tục là Large Cap nổi bật nhất sàn UPCoM khi tăng tới 8.8%, tuy nhiên điều thú vị khác là 1 cổ phiếu cùng “họ” nhà Masan là MCH lại giảm 9.1% vào cuối phiên chiều nay. Ngoài 2 mã này, nhìn chung đa số Large Cap khác sàn UPCoM tăng giá, nhưng mức tăng không quá lớn, đáng kể chỉ có QNS, BSR, OIL, ACV, TVN…
Nhóm dầu khí nhà PVN vẫn giữ sắc xanh và có vẻ tích cực hơn 1 chút so với cuối phiên sáng, ví dụ như tại GAS, BSR, CNG, OIL, PVC, PVG, POW và nhất là DCM và DPM (đều tăng trên 6%). Đáng tiếc có lẽ là PVS, dừng chân cuối ngày ở mức tham chiếu.
Cùng chung khí thế tich cực luôn có cổ phiếu BĐS nhà ở. Cuối phiên sáng đã có không ít cổ phiếu nhóm này rục rịch muốn nổi lên, và điều đó được thực hiện rõ hơn trong phiên chiều, ví dụ như tại CRE, KDH, IJC… Trong bộ ba nhà Vingroup, giống mấy phiên trước thì VIC và VHM đều được kéo giá trong những phút cuối, và chiều nay cả 2 đóng cửa ở tham chiếu. Một số mã vốn hóa khủng khác như NVL, PDR cũng đã tăng nhẹ trở lại.
Các nhóm ngành khác có kết thúc cuối ngày tích cực có thể kể đến như phân phối xăng dầu, phân bón, ô tô săm lốp, điện, hàng không, xây dựng, dệt may… Thủy sản cũng có chiều hướng phục hồi trở lại dù không chuyển kịp sang hướng tích cực. Tuy nhiên vẫn có một số nhóm ngành khác, dù cũng có vài nét chấm phá tích cực, nhưng nhìn chung không theo kịp diễn biến thị trường, và cuối ngày vẫn phủ nhiều trong sắc đỏ bao gồm sắt thép, BĐS công nghiệp, bán lẻ, cảng và kho bãi…
Phiên sáng: VN-Index quay về sát tham chiếu sau nửa cuối phiên sáng tiêu cực
Diễn biến của thị trường trong nửa sau phiên sáng khá ảm đạm, không chỉ thể hiện ở điểm số của VN-Index hầu hết giảm dưới tham chiếu, mà thanh khoản cũng kém.
Trên sàn HOSE cuối phiên sáng nay, chỉ có gần 30% số cổ phiếu tăng giá, so với hơn 60% giảm giá, dù VN-Index chỉ giảm chưa đến 1 điểm. Trên nhóm cổ phiếu Large Cap sàn HOSE, số cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm đa số, trong đó có những cái tên kết với sắc đỏ ngay từ sớm, như bộ ba nhà Vin, MWG, NVL, VJC, HPG… GAS tăng dần đều trong phiên sáng nay, cộng với MSN giữ đà tăng trên 1%, những cả 2 có vẻ hơi đơn độc khi đỡ chỉ số, khi nhiều mã khác, trong đó có VNM, FPT và mấy cổ phiếu ngân hàng, tăng yếu. ở các nhóm Mid và Small Cap còn lại, diễn biến tiêu cực thấy rõ, nhất là Small Cap.
Dù không giảm xuống dưới tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng, nhưng HNX-Index cũng chỉ đi ngang ngay bên trên, và không có dấu hiệu bứt phá nào. Điểm sáng ở sàn này là có khá nhiều largecap tăng giá, nhưng ngoại trừ IDC thì hầu hết những mã khác đều tăng yếu, thậm chí có mã đang có dấu hiệu giảm đà tăng, như CEO, PVS, SHS…
Chỉ số UPCoM-Index có dấu hiệu bứt phá vào cuối phiên sáng nay, với lực đỡ từ các mã lớn như MSR, QNS. MCH bất ngờ giảm hơn 3% sáng nay, và nếu nhìn xa hơn, thì cổ phiếu này đã giảm trôi gần như không nghỉ từ đầu tháng 9 năm ngoái, mất hơn 35%.
VCB đã tăng giá nhẹ trở lại 200 đồng, nhưng nhóm ngân hàng trên HOSE lại hơi tiêu cực hơn so với giữa phiên sáng, với không ít largecap đỏ vào phút cuối như STB, HDB, TCB, BID, MSB… Dù vậy tính tổng 3 sàn, nhóm này đang cân bằng với 12 mã tăng vs 12 mã giảm giá.
Dầu khí nhà PVN tiếp tục dẫn dắt thị trường với GAS tăng 1.9% vào cuối phiên sáng nay, tăng dần đều. Ngoài GAS, có không ít cổ phiếu khác giữ được sắc xanh trong nửa cuối phiên sáng nay, bao gồm PVD, BSR, OIL, PVS, PVT, PVC… PVG cũng quay lại tham chiếu sau khi giảm từ sớm. Đáng tiếc có POW, vẫn còn giảm 50 đồng.
Tương tự, nhóm BĐS nhà ở có nhiều sắc xanh trong nửa cuối phiên sáng, chủ yếu là các tên tuổi tầm trung như NLG, DIG, DXG, CEO, CRE, KDH, IJC, NTL… Bộ ba nhà Vin vẫn giảm giá, ngoài ra còn có NVL, PDR. Với tin tức tiêu cực bên thị trường trái phiếu và BĐ Trung quốc, có khả năng NĐT nắm giữ cổ phiếu nhóm BĐS nhà ở tiếp tục chịu áp lực tâm lý cho đến khi doanh nghiệp công bố BCTC Q2.
10h30: Quay trở lại trạng thái giằng co
VN-Index đã hồi lại về tham chiếu ngay trước 10h, tuy nhiên sau đó lại trở nên giằng co, luẩn quẩn đi ngang và lại bắt đầu có dấu hiệu giảm. Diễn biến này cũng dễ thấy ở nhóm Large Cap sàn HOSE, với số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn số tăng giá, tuy nhiên mức tăng/giảm bình quân đều thấp, dưới 1% và chỉ số một số mã lớn dao động khá lớn, ví dụ như VIC và VHM liên tục dao động trong phạm vi -1% đến -2% và ảnh hưởng khá rõ lên chỉ số.
Nhóm VN30 đang có 18 cổ phiếu giảm giá so với 8 mã tăng giá. Trong số những cổ phiếu giảm giá, đáng lưu ý có bộ ba nhà Vin (VIC, VHM, VRE) và MWG, trong đó VIC và VHM thường xuyên dao động lên xuống trong phạm vi -1% đến -2% và tác động khá lớn lên chỉ số nhóm này.
MWG dù đang được khối ngoại mua ròng, nhưng vẫn giảm hơn 1.5% do thông tin liên quan đến Bách Hóa Xanh tràn ngập các websites tài chính. Ngược lại trong số ít ỏi cổ phiếu tăng giá, GAS tăng tốt nhất. Nhóm ngân hàng có 2 đại diện tăng giá là CTG và TPB, còn lại đa phần giảm nhẹ.
Cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng phục hồi theo chân chỉ số chính bên HOSE, và đến giữa phiên sáng vẫn giữ được sắc xanh. Trên sàn HNX, IDC, CEO, SHS, VNR, MBS… đang là các trụ đỡ chỉ số, trong khi bên UPCoM là các trụ BSR, MSR, SIP, OIL, ACV…
Nhóm dầu khí tiếp tục giữ nhiều sắc xanh vốn có từ đầu phiên. GAS tăng mạnh hơn chút so với ATO, có lúc lên hơn 98 ngàn đồng/cp. Khá nhiều tên tuổi khác vẫn giữ đà tăng như PVD, BSR, OIL, PVC. PVB, PVS, PVT…, ngoài ra DCM và DPM cũng đã quay lại tăng giá. Giá dầu Brent future cũng đã quay lên trên mức 100 USD/thùng.
Nhóm ngân hàng trên HOSE đang có tương quan cân bằng, 8 tăng 8 giảm, tuy nhiên nếu mở rộng 3 sàn thì số cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều hơn. BVB, HDB đang là những mã giảm giá đáng lưu ý, ngược lại CTG, SHB tiếp tục giữ vững đà tăng khá.
Nhóm BĐS nhà ở đang có nhiều sắc xanh nổi lên vào lúc gần giữa phiên sáng, nhất là các tên tuổi tầm trung như NLG, KDH, IJC… Tuy nhiên các lãnh đạo đầu ngành là VHM và NVL vẫn giảm giá.
VN-Index mở cửa giảm nhẹ, kỳ vọng đổi màu
VN-Index mở cửa giảm nhẹ gần 4 điểm, sau khi Dow Jones ở nửa bên kia trái đất giảm hơn 200 điểm đêm qua, tuy vậy mức giảm của VN-Index rõ ràng là nhẹ, và NĐT hoàn toàn có thể kỳ vọng chỉ số tăng trở lại bất cứ lúc nào trong những phút giao dịch tới, bởi yếu tố quan trọng nhất thị trường lúc này là BCTC Q2 của các công ty niêm yết.
Trên sàn HOSE lúc mở cửa, đã có tới hơn 60% số cổ phiếu giảm giá, tuy nhiên ở nhóm largecap, hầu hết giảm dưới 2%. Các nhóm Mid và Small Cap có nhiều cổ phiếu giảm sâu hơn, ví dụ như ITA, PHR, GDT, OPC…
Diễn biến 2 chỉ số bên 2 sàn HNX và UPCoM đều đỏ trước và ngay sau thời điểm ATO của HOSE, nhưng mức giảm điểm cũng rất thấp. Trên nhóm Large Cap của 2 sàn này, chỉ có rất ít cổ phiếu tăng hoặc giảm giá trên 2%, ví dụ như BSR, PVS tăng trên 2% hoặc MCH giảm hơn 3%, cá biệt SNZ giảm tới 7%.
Ở các nhóm ngành lớn, dầu khí nhà PVN đang nổi bật với nhiều sắc xanh, từ GAS, BSR, OIL, PVS, PVD, PVC, PVT… Tuy nhiên, lưu ý lúc này là giá dầu Brent future vẫn chưa tăng trở lại lên trên 100 USD/thùng.
SHB tiếp tục tăng nhẹ trên 2%, tuy nhiên nhóm ngân hàng mở cửa đa số trong sắc đỏ sáng nay. Đang có một vài cổ phiếu chuyển qua màu xanh sau ATO vài phút, như ACB, VPB, TPB, MBB…
HNG tiếp tục tăng trần sau ATO. Như vậy cổ phiếu này đang tăng 5 phiên liên tiếp, trong đó 3 phiên gần nhất là tăng trần. Chưa rõ HNG tăng có liên can gì đến thông tin từ HAG hay không, khi mới đây HAG đã công bố sớm kết quả tích cực quý 2. Sáng nay HAG cũng tăng nhẹ gần 2%.
Hoàng Nam
FILI
|