Thứ Sáu, 15/07/2022 09:48

Nhiều dư địa để ổn định tỷ giá

Tại talkshow “Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/07, các chuyên gia nhận định còn nhiều dư địa để ổn định chính sách tiền tệ, góp phần ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều giải pháp điều hành về lãi suất, ngoại tệ giúp thị trường ổn định như áp trần huy động, hợp đồng giao dịch dân sự phải có tham chiếu tiền đồng để tránh USD hóa...

Bà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBAnk.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, cho biết trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận bối cảnh điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 6 tháng đầu năm chịu rất nhiều tác động ngoại cảnh khi nhìn vào bức tranh lạm phát của các nước.

Mỹ đã công bố lạm phát tháng 5 và gần đây là tháng 6 trên 9% - ở mức rất cao, ở châu Âu là 8.6%, Anh là 9.1%; tại châu Á, Hàn Quốc là 6%, Singapore lần đầu tiên trong lịch sử lạm phát tăng đến 5.6%, Philippine trên 6%,Thái Lan 7.6%.

Như vậy, bức tranh lạm phát đã xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới và trước bối cảnh này, các NHTW đều phải thực hiện động thái thắt chặt chính sách tiền tệ bằng tăng lãi suất, điển hình trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất, lần sau cao hơn lần trước, đến nay đã đưa mức lãi suất lên mức từ 1.25-1.7%, NHTW Anh 6 lần tăng lãi suất, NHTW châu Âu cũng đã tăng lãi suất liên tiếp.

Dự kiến vào cuộc họp ngày 27/07 tới, Fed cũng sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thị trường cũng dự đoán mức tăng tối thiểu là 75 điểm cơ bản. Các tháng tiếp theo vào tháng 9, 11, 12 cũng có sự điều chỉnh, có thể là 25 điểm cơ bản cho mỗi lần. 

Ở trong châu Á, NHTW Hàn Quốc liên tiếp tăng lãi suất, Malaysia có mức lạm phát thấp hơn chỉ khoảng 2.8% nhưng họ cũng thận trọng và tăng lãi suất. Với bối cảnh lạm phát tăng và các nước liên tục điều chỉnh lãi suất, có thể thấy ở trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ và kết quả đạt được cũng rất phù hợp với ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ nhất, NHNN đã giữ ổn định các mức lãi suất điều hành là lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường điện tử liên ngân hàng, lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn đều giữ nguyên và ổn định giúp các NHTM có thể tiếp cận các nguồn vốn vay của NHNN với mức lãi suất thấp và tạo điều kiện cho các ngân hàng ổn định mức lãi suất cho vay.

Thứ hai, NHNN đã có sự điều tiết tính thanh khoản trên thị trường tiền tệ rất linh hoạt thông qua các nghiệp vụ trên thị trường mở, lãi suất tiền tệ được duy trì ở mức rất thấp như hiện nay với lãi suất qua đêm chỉ từ 0.7-1% hay lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ khoảng 2.5% - đây là mức lãi suất rất thấp giúp các ngân hàng có thể tiếp cận nguồn vốn để thực hiện nhu cầu thanh khoản với chi phí thấp.

Thứ ba, tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến trong nước cũng như quốc tế giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ tư là kiểm soát tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống với mức mà NHNN định hướng là 14% trong năm nay và 6 tháng được 9.35%. Có thể thấy vẫn có dư địa để tăng trưởng tín dụng đạt 14% đến cuối nay. Đồng thời với kiểm soát quy mô tín dụng, NHNN cũng định hướng các NHTM  tập trung gắn liền với chất lượng tín dụng và định hướng tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất, ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay dự án BOT giao thông.

Bà Hương tin rằng với khả năng về mặt tài chính được tăng cường của hệ thống ngân hàng và năng lực quản trị của các ngân hàng thời gian qua, đặc biệt là về nguồn vốn được bổ sung thông qua các đợt tăng vốn của những năm trước đây, năng lực điều hành, kiểm soát của các NHTM có thể giúp các ngân hàng mở rộng tín dụng lành mạnh trong những tháng tiếp theo của năm 2022.

Một yếu tố nữa giúp bà tin tưởng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm là chỉ số lạm phát. Mục tiêu đầu tiên của chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát, trong bức tranh lạm phát rất cao của các nước vừa đề cập, CPI của Việt Nam đến hết tháng 6 trung bình ở mức 2.44%, đây là mức rất thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Đặc biệt, chỉ số lạm phát cơ bản - lõi (sau khi loại bỏ các cú sốc) chỉ ở mức 1.25% trung bình trong 6 tháng qua. Điều này cho thấy mức tăng CPI chủ yếu do lạm phát nhập khẩu, còn các chỉ số trong nước vẫn ổn định, chúng ta vẫn ở dưới mức mục tiêu kiểm soát.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam cho biết hệ thống thanh khoản của các ngân hàng vừa qua khá tốt, nhờ các ngân hàng các năm qua tranh thủ tăng vốn, đảm bảo tính thanh khoản. Trong câu hỏi trước về dư địa về chính sách tiền tệ, ông Minh cho biết còn nhiều dư địa để có thể kiểm soát tình hình vĩ mô cuối năm, trong 2 vấn đề lãi suất và tỷ giá thì trước mắt, có kỳ vọng lạm phát những tháng tới đạt đỉnh, đặc biệt tháng 7, tương đồng dự báo của các tổ chức tài chính thế giới về việc lạm phát có thể đạt đỉnh và hạ nhiệt dần về cuối năm. Theo đó, áp lực lạm phát và lãi suất có thể nhẹ nhàng hơn trong thời gian tới, trong khi thời gian qua khá căng thẳng.

Về tỷ giá, sau năm 2021 gặp khó khăn vì COVID-19, khi xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì nay, thặng dư đạt 7.2 tỷ USD. Với nguồn lực dồi dào như vậy thì có dư địa để ổn định tỷ giá trong bối cảnh USD chưa hạ nhiệt.

Hàn Đông

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý (15/07/2022)

>   Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng năm 2022 là 14% (14/07/2022)

>   Việt Nam lạm phát chi phí đẩy, tăng lãi suất không phải biện pháp (14/07/2022)

>   VIB phá kỷ lục của các đối tác Mastercard tại Việt Nam và trong khu vực (14/07/2022)

>   Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ chuyên nghiệp (14/07/2022)

>   Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nới hạn mức tín dụng (14/07/2022)

>   Cấp gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho công nhân vay tiêu dùng để xóa sổ tín dụng đen (14/07/2022)

>   Nam A Bank đạt chứng nhận ISO 31000:2018 về Quản lý rủi ro đối với sản phẩm tín dụng xanh (14/07/2022)

>   Phát hành tín phiếu - thông điệp về lãi suất (13/07/2022)

>   Ngân hàng phát mại tài sản hàng loạt bất động sản (13/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật