Ngành đường Việt Nam lại kêu cứu
Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam.
Đại diện hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, nửa đầu tháng 6 nguồn cung đường từ nhập khẩu tiếp tục đưa đường vào thị trường thông qua nhập khẩu chính ngạch từ các nước Asean. Bên cạnh đó là đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam với Campuchia, Lào tràn vào. Cộng với đường từ vụ ép 2021-2022, đường lỏng siro ngô tiếp tục được nhập khẩu.
Các nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ đường chưa tăng nên các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu, đặc biệt là đường lậu tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường.
Nửa cuối tháng 6, tại một số địa phương thời tiết nắng nóng, thông thường các năm trước đây là yếu tố hỗ trợ gia tăng tiêu thụ đường của các nhà máy. Tuy nhiên, sự hiện diện của lượng lớn đường nhập lậu, đường và chất ngọt nhập khẩu chính ngạch khiến đầu ra của đường sản xuất từ mía bị thu hẹp.
Các nhà máy dù nỗ lực giảm giá bán đường để có tiền thanh toán mía cho nông dân và đầu tư cho vụ mía kế tiếp nhưng cũng không đẩy được sản lượng tiêu thụ.
“Đây là tháng thứ năm liên tục bế tắc đầu ra đang đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng mía đường. Cùng với tình trạng các vật tư nông nghiệp tăng giá đã khiến cho nỗ lực phục hồi vùng nguyên liệu mía của ngành đường Việt Nam gặp nhiều trở ngại ” - đại diện hiệp hội mía đường Việt Nam chia sẻ.
Tháng 4-2022, QLTT tỉnh Tây Ninh phát hiện xe tải vận chuyển hơn 1 tấn đường cát nhập lậu. Ảnh: Cục QLTT tỉnh Tây Ninh
|
Trước tình trạng trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản kêu cứu về tình trạng gian lận thương mại đường nhập lậu hủy diệt ngành đường Việt Nam.
Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập lậu chênh lệch nhiều.
Đơn cử tại TP.HCM ngày 28-6, giá đường kính trắng 17.000 - 17.500 đồng/kg, đường tinh luyện 18.400 đồng/kg, đường vàng 17.400 đồng/kg trong khi đường nhập lậu 16.800 đồng/kg.
Trong tháng 6, so với giá đường tại thị trường nội địa một số quốc gia Asean và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam thấp hơn hẳn. Thời điểm 28-6, giá đường nội địa của Indonesia 21.015 đồng/kg, Philippines 35.201 đồng/kg, Trung Quốc 20.291 đồng/kg, Việt Nam 17.725 đồng/kg.
Các hoạt động gian lận thương mại đường tiếp tục hoạt động mạnh, đường lậu tiếp tục thống trị thị trường, khiến đường làm từ mía rất khó tiêu thụ.
Đơn cử ngày 10-6, công an huyện Mộc Hóa thông tin về lô hàng hóa 700 bao đường tinh luyện được sản xuất tại một nhà máy ở Thái Lan đang trên đường đưa đi tiêu thụ. Hàng hóa không có nhãn phụ, chủ hàng không xuất trình được tờ khai nhập khẩu...
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|