Vì sao cước vận tải chưa giảm dù giá xăng, dầu đã chớm ‘hạ nhiệt’?
Các doanh nghiệp vận tải hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình và phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ biến động tăng, giảm của giá xăng dầu.
Nếu xăng dầu ở mức hiện tại thì doanh nghiệp vận tải mới giảm bớt được một phần nhỏ của chi phí vận hành chứ chưa tính đến có lợi nhuận. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
|
Với việc giá xăng, dầu giảm mạnh liên tục trong thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có đề xuất giảm giá cước bởi phụ thuộc vào chu kỳ biến động điều chỉnh của giá nhiên liệu.
Giá cước đã có sự cân đối theo nhiên liệu
Là đơn vị vận tải chuyên tuyến Hà Nội-Lào Cai, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát - sở hữu hãng xe Sao Việt cho rằng khi giá xăng dầu tăng đỉnh điểm từ 15.000 đồng lến đến trên 26.000 đồng/lít thì các doanh nghiệp cũng chưa xin tăng giá, kể cả khi vượt ngưỡng giá kỷ lục hơn 30.000 đồng/lít nhiều nhà xe cũng chưa điều chỉnh giá cước.
Theo ông Bằng, hiện giá xăng dầu xuống mức 25.000-26.000 đồng/lít doanh nghiệp cũng chưa điều chỉnh giá cước lên, nếu xăng dầu ở mức hiện tại thì doanh nghiệp vận tải mới giảm bớt được một phần nhỏ của chi phí vận hành chứ chưa tính đến có lợi nhuận.
“Nếu xăng dầu giảm xuống tiếp, các doanh nghiệp vận tải mới nghĩ đến việc điều chỉnh cước vì hiện giá vé không điều chỉnh lên thì làm sao lại điều chỉnh xuống. Do đó, người dân sử dụng dịch vụ cần chia sẻ với ngành vận tải và các đơn vị dịch vụ khác,” ông Bằng giãi bày.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho biết các doanh nghiệp vận tải trong Hiệp hội đa phần mới chỉ tăng giá cước vận tải một lần trong suốt quá trình giá nhiên liệu tăng cao vừa qua, thời điểm giá xăng, dầu khoảng 22.000 đồng/lít. Giá cước này được điều chỉnh dựa trên sự cân đối với mức giá nhiên liệu này.
“Khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp và đạt đỉnh trên 32.000 đồng/lít, chưa doanh nghiệp vận tải nào đề xuất tăng giá cước vận tải thêm lần hai. Đến nay, dù đã có 2 kỳ giảm liên tiếp, giá xăng, dầu hiện vẫn trên 25.000 đồng/lít, cao hơn thời điểm các doanh nghiệp tăng giá cước vận tải, do đó, chỉ giúp các doanh nghiệp bớt đi được phần nào khó khăn chứ chưa đủ để giảm giá cước vận tải,” đại diện Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội thông tin thêm.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, giá cước taxi hiện nay tại Hà Nội đang đặt ở mức cân đối với giá xăng dầu thời điểm 27.000 đồng/lít.
Theo ông Hùng, khi giá xăng tăng lên trên 30.000 đồng/lít và đạt đỉnh 32.870 đồng/lít vào ngày 21/6 vừa qua, một số doanh nghiệp taxi đã đề xuất tăng giá cước, sau một thời gian hoàn thành các thủ tục, đến khi chuẩn bị thực hiện thì giá xăng lại hạ, do đó vẫn chưa kịp điều chỉnh và tiếp tục sử dụng mức giá cũ như hiện nay.
Cùng quan điểm, ông Khúc Hữu Thanh Hải, đại diện Taxi Đất Cảng cho rằng giá cước vận tải chưa tăng so với giá xăng vì thủ tục điều chỉnh giá cũng phức tạp. Mặt khác, giá xăng chưa ổn định, lên xuống thất thường khiến doanh nghiệp cũng khó điều chỉnh.
“Hiện giá cước của Taxi Đất Cảng vẫn là 14.000đồng/km, giá cước không có đột biến như giá xăng nên không thể điều chỉnh theo giá xăng. Nếu giá dầu thế giới ổn định và xu hướng giảm thì cước vận tải sẽ giảm,” ông Hải nhìn nhận.
Không thể thích là tăng hay giảm
Với việc chi phí nhiên liệu chiếm đến hơn 50% cơ cấu hoạt động trong khi giá xăng giảm chưa lâu và sẽ còn biến động trong các phiên điều chỉnh tiếp theo, do đó, các doanh nghiệp vận tải cần có quá trình nghiên cứu, lên kế hoạch để lập lại phương án giá mới sao cho phù hợp với cơ cấu chi phí hoạt động vận tải của doanh nghiệp thời điểm hiện tại và dự báo tương lai.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc hãng xe Sao Việt than thở, mỗi lần doanh nghiệp xin tăng giá phải xin phép của liên Sở Tài chính, Giao thông Vận tải và cơ quan thuế… Doanh nghiệp làm ăn cơ bản không thể thích là tăng hoặc giảm vì còn phải xin phép cơ quan chức năng. Nếu làm xong thủ tục thì lại hết kỳ điều chỉnh, giá xăng dầu biến động liên tục nên rất cần sự chia sẻ của người dân và cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, các doanh nghiệp vận tải taxi hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục, trung bình cần từ nửa tháng đến cả tháng mới có thể triển khai do phải trải qua các công đoạn như đề xuất mức giá cước mới, chờ thủ tục đồng ý từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000-150.000 đồng/đồng hồ.
“Giá xăng dầu giảm thì rất thấp nhưng khi tăng lại nhảy vọt, trong khi lộ trình thay đổi giá cước vận tải thủ tục rườm rà, chi phí cao nên các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước. Nếu có dự báo giá xăng dầu tăng, giảm ra sao trong chu kỳ điều chỉnh kế tiếp sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tình hình để chủ động trong việc lên kế hoạch thay đổi giá cước,” ông Hùng nói.
Khẳng định việc giảm giá cước vận tải hiện nay đối với các tuyến xe khách cố định chưa khả thi, ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Hà Sơn-Hải Vân cho hay các doanh nghiệp vận tải cần có thêm chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu giúp giá xăng, dầu tiếp tục giảm sâu và bình ổn, từ đó có cơ sở để giảm giá cước vận tải, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Bên cạnh đó, đại đa số các đơn vị vận tải cũng bày tỏ sự lạc quan trước việc giá xăng dầu giảm hai phiên liên tiếp cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang giúp hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp đang đạt được những tín hiệu tích cực và kỳ vọng về sự phục hồi, phát triển sau những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra./.
Việt Hùng
Vietnam+
|