“Mùa đông tiền ảo”: Khi 2.000 tỷ USD bị cuốn phăng khỏi thị trường
Khi hơn 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị cuốn phăng chỉ trong vòng hơn nửa năm và nỗi hoảng sợ bủa vây “vũ trụ” tiền ảo, chính sự biến động lại đang đặt ra một nguy cơ lớn đối với khả năng tồn tại của loại tài sản còn mới mẻ này...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
|
Đối với nhiều nhà đầu tư, biến động mạnh là một trong những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tiền ảo. Giờ đây, khi hơn 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bị cuốn phăng chỉ trong vòng hơn nửa năm và nỗi hoảng sợ bủa vây “vũ trụ” tiền ảo, chính sự biến động lại đang đặt ra một nguy cơ lớn đối với khả năng tồn tại của loại tài sản còn mới mẻ này.
Cú trượt dài của tiền ảo bắt đầu từ đầu năm nay khi giới đầu tư trên toàn cầu bật chế độ thận trọng với rủi ro trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đột nhiên thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ siêu mềm mỏng sang cứng rắn vì lạm phát ở Mỹ không phải là “tạm thời” như đánh giá ban đầu. Sau đó, sự sụt giảm của thị trường bắt đầu làm lộ ra một mạng lưới phức tạp của hằng hà sa số những mối kết nối và ràng buộc, tương tự như mạng lưới các sản phẩm phái sinh giữ vai trò “thủ phạm” đánh gục hệ thống tài chính toàn cầu trong cuộc khủng hoảng hồi năm 2008. Đến thời điểm hiện tại, giá Bitcoin đã giảm khoảng 70% so với kỷ lục và giá của hàng nghìn đồng tiền ảo khác cũng “đứt phanh” theo.
“ Mùa đông tiền ảo'' Lần này có gì khác?
Sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra - một cuộc thử nghiệm về tài chính phi tập trung (DeFi) được quảng cáo rầm rộ - bắt đầu khi đồng stablecoin thuật toán của hệ thống là Terra USD không giữ được sự neo buộc tỷ giá 1:1 với đồng USD. Kết cục là một cuộc tháo chạy của nhà đầu tư khiến đồng tiền ảo từng có tổng giá trị vốn hoá 40 tỷ USD bỗng chốc trở thành “mớ giấy lộn”.
Từng là loại tài sản thế chấp đủ giá trị để đảm bảo cho các khoản vay, tiền ảo giờ đây vừa mất giá nghiêm trọng vừa giảm độ thanh khoản, khiến không ít quỹ đầu cơ lừng lẫy và nhiều tổ chức cho vay có tên tuổi đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng.
Theo hãng tin Bloomberg, những mầm mống dẫn tới đợt sụt giảm lịch sử này của thị trường tiền ảo - gồm lòng tham, việc sử dụng thái quá đòn bẩy tài chính, và niềm tin mù quáng rằng “những con số sẽ chỉ đi lên” – không phải là câu chuyện mới. Đó cũng chính là những yếu tố được ghi nhận ở gần như tất cả mọi vụ vỡ bong bóng tài sản từng được ghi nhận.
Nhưng trong lĩnh vực tiền ảo, đặc biệt là vào thời điểm này, những yếu tố đó cùng hội tụ trong một ngành công nghiệp về cơ bản chưa có sự điều tiết, với những đường ranh giới hết sức mờ nhạt và mọi hệ thống dự phòng đều bị làm suy yếu bởi ý nghĩ rằng tất cả những ai tham gia đều có thể giàu nhanh.
Trong lịch sử còn ngắn ngủi của mình, tiền ảo đã một số đợt sụt giảm lớn được gọi là “mùa đông tiền ảo” – tương tự như thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) của các tài sản truyền thống. Tuy nhiên, với sự mở rộng của thị trường tiền ảo và việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư cả nhỏ lẻ và chuyên nghiệp nắm giữ tiền ảo, “mùa đông” này của thị trường tiền kỹ thuật số có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những lần trước đây.
Việc ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ Kim Kardashian quảng cáo một đồng tiền ảo và tiền ảo đó không lâu sau sụp đổ đã gây nhiều tổn thất cho nhà đầu tư, nhưng kế hoạch của Công ty dịch vụ tài chính Fidelity Investments đưa Bitcoin vào tài khoản lương hưu của khách hàng thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Ngoài ra, mức độ tăng trưởng của thị trường tiền ảo cũng khiến cho biến động của năm nay gây tác động sâu rộng hơn nhiều. Sau hai năm “ngủ đông” kết thúc vào năm 2020, giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu tăng vọt lên mức khoảng 3.000 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái. Hiện nay, tổng vốn hoá của thị trường giảm còn hơn 890 tỷ USD.
Galaxy – công ty môi giới tài sản kỹ thuật số có quy mô 2 tỷ USD và được thành lập bởi tỷ phú Mike Novogratz – đã hưởng lợi nhiều từ sự tăng giá của tiền ảo, nhưng cũng là một trong những nhà đầu tư rót nhiều tiền nhất vào cuộc thử nghiệm hệ thống Terra. “Thực lòng mà nói, việc này cũng giống như trở thành nạn nhân của sự thành công của chính mình”, ông Urban phát biểu.
Vai trò của đòn bẩy tài chính
Trong các giai đoạn thị trường giá lên, đòn bẩy nợ là một cách để nhà đầu tư ít tiền hơn vẫn có thể kiếm được lợi nhuận lớn hơn. Nhưng khi thị trường sụt giảm, đòn bẩy nợ lập tức “phản đòn”. Trong lĩnh vực tiền ảo, sự đặt cược thường bao gồm nhiều hơn một loại tài sản, khiến cho nguy cơ ảnh hưởng lây lan trên thị trường càng lớn hơn.
Các khoản vay thế chấp bằng tiền ảo, nhất là thông qua các ứng dụng DeFi giúp loại bỏ vai trò của các bộ phận trung gian như ngân hàng, thường yêu cầu người vay phải đặt tài sản thế chấp có trị giá lớn hơn so với giá trị khoản vay, do mức độ rủi ro lớn của những tài sản như vậy. Nhưng khi giá tiền ảo lao dốc, các khoản vay vốn dĩ được thế chấp kỹ càng đột nhiên đứng trước nguy cơ bị thanh lý. Quy trình này thường xảy ra một cách tự động trong DeFi và bị đẩy nhanh bởi sự xuất hiện của các nhà giao dịch và phần mềm tự động (bot) tìm cách kiếm tiền nhanh.
Giáo sư tài chính John Griffin thuộc Đại học Texas, nói rằng sự tăng giá tiền ảo trong năm ngoái có thể đã được đẩy nhanh bởi hoạt động đầu cơ dựa vào đòn bẩy tài chính, có lẽ ở mức độ lớn hơn so với các “mùa đông tiền ảo” trước đây. Môi trường lãi suất siêu thấp và chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo đã giúp mở đường cho hoạt động này.
“Với lãi suất tăng lên và sự suy giảm niềm tin vào những nền tảng dùng đòn bẩy nợ, chu kỳ giảm nợ này đã gây ra hiệu ứng giá tiền ảo lao dốc nhanh hơn cả tốc độ tăng trước đó”, ông Griffin nói. Các thị trường tài chính truyền thống vẫn thường dựa vào một mức độ đòn bẩy nợ vừa phải và đều đặn để tăng trưởng, nhưng hiệu ứng này dường như bị khuếch đại trên thị trường tiền ảo, xét tới mức độ đầu cơ trong lĩnh vực này.
Theo Bloomberg, các cơ quan chức năng vẫn đang dõi theo lĩnh vực tiền ảo một cách kỹ lưỡng, tìm kiếm những dấu hiệu về sự mất ổn định có thể đe dọa kế hoạch còn mới hình thành của họ nhằm điều tiết ngành công nghiệp mới mẻ này. Ngay cả những quy định mới đưa ra hồi đầu năm cùng phải thay đổi sau sự sụp đổ của Terra và một số quốc gia rục rịch vạch ra các quy định nhằm giảm thiểu ảnh hưởng mang tính hệ thống của các đồng tiền ảo loại stablecoin. Bất kỳ vụ “sập tiệm” tiền số nào trong tương lai cũng đều có thể mở đường cho những quy định nghiêm ngặt hơn, khiến cho khả năng sớm hồi phục của thị trường sẽ càng trở nên thấp hơn.
Hiện giá Bitcoin, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới, đang dao động quanh ngưỡng 20.000 USD. Riêng trong tháng 6, giá Bitcoin giảm khoảng 35%. “Có thể sẽ có một số đợt phục hồi trong xu hướng thị trường giá xuống, nhưng tôi không nhận thấy có một chất xúc tác nào có thể sớm đảo ngược chu kỳ giảm giá này của tiền ảo”, ông Griffin nói. “Khi bong bóng công nghệ Mỹ vỡ tan, nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư thông minh đã rút lui đầu tiên ngay khi giá cổ phiếu bắt đầu giảm. Các nhà đầu tư cá nhân thì cứ mải mê bắt đáy và liên tục thua lỗ. Tôi hy vọng lịch sử không lặp lại, nhưng thực tế là lịch sử thường lặp lại”.
Mức vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu hiện nay không cao hơn nhiều so với mức 830 tỷ USD vào đầu năm 2018 - thời điểm trước khi xuất hiện “mùa đông tiền ảo” lần gần đây nhất. Trong đợt sụt giảm sau đó, tổng giá trị vốn hoá của thị trường tiền ảo có lúc giảm còn khoảng 100 tỷ USD – theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Ở thời điểm đó, tài sản kỹ thuật số là một sân chơi gần như chỉ dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và một số ít quỹ chuyên về tiền ảo. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này thu hút cả các nhà đầu tư cá nhân và những quỹ phòng hộ khổng lồ, khiến nhà chức trách phải thường xuyên can thiệp bằng những tuyên bố cảnh báo về rủi ro khi rót vốn vào tiền ảo.
Câu chuyện về nguồn vốn cho tiền ảo
Việc tiền ảo được chấp nhận ngày càng rộng rãi đồng nghĩa hầu hết các nhà đầu tư hiện nay xem tiền ảo là một loại tài sản như những loại tài sản khác và đối xử với tiền ảo theo cách tương tự như những bộ phận còn lại trong danh mục đầu tư. Điều này khiến cho giá tiền ảo có mức độ liên hệ lớn hơn với các tài sản khác, chẳng hạn như cổ phiếu công nghệ.
Không may, việc đó lại không có nghĩa là phần lớn các đặt cược vào tiền ảo trở nên đỡ phức tạp hơn để có thể hiểu rõ. Thị trường tài chính toàn cầu đã biến động mạnh trong năm nay, nhưng sự sụt giảm của thị trường tiền ảo là nghiêm trọng hơn do bản chất thử nghiệm và đầu cơ cao của kênh đầu tư này. Vô số nhà đầu tư cá nhân rót vốn vào những dự án chưa được kiểm chứng như Terra bỗng chốc mất trắng số tiền tiền tiết kiệm cả đời, với cơ hội thu hồi vốn vô cùng thấp. Cỗ máy quảng cáo của ngành tiền ảo đang hoạt động mạnh chưa từng thấy, tận dụng những công cụ như Twitter và Reddit – những nền tảng truyền thông xã hội vốn dĩ mạnh lên một phần nhờ giới tiền ảo. Các sàn giao dịch cũng góp phần không nhỏ, với FTX, Binance và Crypto.com đều chi đậm vào công tác marketing và những hợp đồng tài trợ đắt đỏ.
Bà Sina Meier, Giám đốc điều hành Công ty quản lý quỹ tiền ảo 21Shares AG, nói rằng mức độ rủi ro cực lớn của lĩnh vực này cho thấy chính xác một điều rằng tiền ảo không dành cho tất cả mọi người. “Một số người chắc chắn nên tránh xa tiền ảo”, bà Meier nói trong một hội thảo do Bloomberg tổ chức ở Zurich vào tháng 6. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ “đã mất tiền, họ chỉ chạy theo những gì đọc được trên báo. Đó là một sai lầm”.
Trước lần xảy ra “mùa đông tiền ảo” trước đây, nhiều startup đã sử dụng phương thức phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) để huy động vốn, tức là tự phát hành tiền ảo để bán cho nhà đầu tư. Các startup này khốn đốn khi giá tiều ảo sụt dốc, vì phần lớn vốn liếng của họ được rót vào cùng một loại tiền ảo cộng thêm đồng Ether. Tình hình càng tệ hơn khi nhà chức trách bắt đầu siết chặt kiểm soát đối với hoạt động ICO, tương tự như kiểm soát việc phát hành chứng khoán không có đăng ký.
Lần này, bức tranh vốn trên thị trường tiền ảo đã rất khác. Nhiều startup ra đời sau đợt “mùa đông tiền ảo” trước, như startup về NFT và nền tảng game Dapper Labs, đã tìm đến nguồn vốn đầu tư mạo hiểm như một phương thức truyền thống hơn nhằm huy động vốn. Những quỹ đầu tư mạo hiểm khổng lồ như Andreessen Horowitz và Sequoia Capital đã rót tổng cộng khoảng 43 tỷ USD từ cuối năm 2020, khi thị trường tiền ảo bắt đầu thời kỳ giá lên – theo dữ liệu từ PitchBoook.
Điều này đồng nghĩa với việc thay vì dựa vào tài sản là tiền ảo, một số công ty lớn nhất trong ngành tiền ảo thực chất có một dự trữ tiền thật rất lớn để vượt qua “mùa đông tiền ảo” này, trong lúc họ tiếp tục phát triển các chuỗi khối mới hoặc xây dựng các nền tảng truyền thông phi tập trung. Nhưng mặt khác, sự chấm dứt của thị trường giá lên vừa rồi là một bằng chứng cho thấy các công ty này đã tiêu tiền nhanh hơn tốc độ huy động vốn.
Tháng 6 vừa qua, Coinbase Global Inc., Crypto.com, Gemini Trust và BlockFi Inc. là vài trong số những công ty tiền ảo tuyên bố sa thải hàng loạt, với lý do là sự đi xuống của môi trường kinh tế vĩ mô gây đảo lộn kế hoạch phát triển mà họ vạch ra trước đây. Coinbase, công ty đã tuyển dụng 1.200 nhân viên trong năm nay, tuyên bố cắt giảm khoảng 18% tổng lực lượng nhân sự của công ty.
Tuy nhiên, nhờ những đỉnh cao mà giá tiền ảo đã đạt được trong thời kỳ giá lên vừa rồi, lượng vốn phân bổ cho các công ty tiền ảo ở Thung lũng Silicon vẫn dồi dào so với trong những đợt sụt giảm trước kia của thị trường. Nhà đầu tư Katie Haun đã mở một quỹ đầu tư tiền ảo trị giá 1,5 tỷ USD vào tháng 3 năm nay, trong khi nhà đồng sáng lập Coinbase Matt Huang mở một quỹ 2,5 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái. Cho dù các quỹ đầu tư mạo hiểm đã trở nên thận trọng hơn trong việc rót vốn vào tiền ảo, họ vẫn cần phải đầu tư vào đâu đó.
An Huy
VnEconomy
|