Thị trường tiền ảo tuần qua: Bitcoin trở về từ vực thẳm
Sau khi cắm đầu giảm sâu xuống mức 17,500 USD vào cuối tuần trước, Bitcoin đã hồi phục mạnh mẽ trở lại trong tuần qua.
Tính tới sáng ngày 25/06, Bitcoin tăng lên 21,250 USD, tăng gần 4% so với cách đây 7 ngày. Ethereum – đồng tiền ảo lớn thứ hai – trở lại trên mốc 1,200 USD, tăng 13% trong tuần qua.
Các đồng tiền ảo khác trong top 10 cũng “khoác” sắc xanh, với Solana vọt 37.5%, Ripple và Binance tăng 11% và Dogecoin leo dốc 19%.
Top 10 đồng tiền ảo lớn nhất
Nguồn: CoinMarketCap
|
Vốn hóa thị trường tiền ảo cũng hồi phục lên mức 955 tỷ USD sau khi có lúc rớt mốc 800 tỷ USD.
Cú nảy của con mèo chết?
Bất chấp đà hồi phục trên, nhiều chuyên gia vẫn tin đà bán tháo trên thị trường tiền ảo vẫn có thể tiếp diễn.
Yuya Hasegawa, Chuyên gia phân tích thị trường tiền ảo tại sàn giao dịch Bitbank, cho rằng với quá nhiều điều bất ổn về kinh tế, giá của Bitcoin vẫn có thể giảm mạnh.
Ông Vijay Ayyar - Phó Chủ tịch Phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno - mô tả việc giá Bitcoin bật tăng là hiện tượng "mèo giãy chết" (dead cat bounce).
Trong khi đó, ông Ian Harnett, đồng sáng lập kiêm Giám đốc đầu tư tại Absolute Strategy Research, dự báo đồng tiền mã hóa hàng đầu thế giới có thể rơi xuống ngưỡng 13,000 USD, giảm gần 40% so với mức hiện tại.
Harnett cho rằng sau thời gian tăng giá mạnh, giá Bitcoin có xu hướng giảm khoảng 80% so với mức kỷ lục. Chẳng hạn, vào năm 2018, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã giảm xuống sát ngưỡng 3,000 USD/đồng sau khi đạt đỉnh gần 20,000 USD/đồng hồi cuối 2017. "Ngưỡng 13,000 USD là vùng hỗ trợ chính của Bitcoin", ông Harnett nói.
Trưởng bộ phận Phân tích tại Markets.com, ông Neil Wilson, nhận định: "Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang tạm ngừng rút tiền vì lo ngại về vấn đề thanh khoản giữa làn sóng bán tháo. Lãi suất tăng, tâm lý e ngại rủi ro tràn lan khắp mọi thị trường. Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy vào các tài sản rủi ro như Bitcoin sẽ bị cản trở".
Tin tặc đánh cắp tiền số trị giá 100 triệu USD
Tin tặc đã đánh cắp 100 triệu USD tiền số từ cầu nối blockchain tên là Horizon. Đây là một vụ trộm lớn mới nhất trong thế giới tài chính phi tập trung.
Thông tin chi tiết về vụ tấn công của tin tặc vẫn còn rất ít, nhưng Harmony - nhà phát triển Horizon - cho biết họ đã xác định được vụ trộm vào sáng 22/06. Harmony đã chỉ ra một tài khoản cá nhân mà công ty này cho là thủ phạm.
Công ty Harmony cho biết trong một dòng tweet vào cuối ngày 22/6: “Chúng tôi đã bắt đầu làm việc với các nhà chức trách quốc gia và các chuyên gia để xác định thủ phạm và lấy lại số tiền bị đánh cắp”.
Trong một dòng tweet tiếp theo, Harmony cho biết họ đang làm việc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ và nhiều công ty an ninh mạng để điều tra vụ tấn công.
Các cầu nối chuỗi khối đóng một vai trò lớn trong không gian DeFi (tài chính phi tập trung), giúp người dùng chuyển tài sản từ chuỗi khối này sang chuỗi khối khác. Trong trường hợp của Horizon, người dùng có thể gửi mã thông báo từ mạng Ethereum đến Chuỗi Thông minh Binance. Harmony cho biết cuộc tấn công không ảnh hưởng đến cầu nối riêng cho đồng Bitcoin.
Giống như các khía cạnh khác của DeFi, các cầu nối đã trở thành mục tiêu chính của tin tặc do chúng có các lỗ hổng trong mã cơ bản.
Theo ông Jess Symington, trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty phân tích chuỗi khối Elliptic, các cầu nối duy trì tính thanh khoản lớn, khiến chúng trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc.
Ông Symington nói: “Để các cá nhân sử dụng cầu nối để chuyển tiền, tài sản được khóa trên chuỗi khối này và được mở khóa trên một chuỗi khối khác. Kết quả là, các dịch vụ này chứa một lượng lớn tiền điện tử”.
Harmony không tiết lộ chính xác các khoản tiền số đã bị đánh cắp như thế nào. Tuy nhiên, một nhà đầu tư đã nêu quan ngại về tính an toàn của cầu Horizon từ hồi tháng 4.
Solana giới thiệu smartphone cho blockchain
Mạng lưới Solana ra mắt hệ thống giúp chạy ứng dụng blockchain trên di động, cùng mẫu điện thoại thông minh tự sản xuất, được cài sẵn phần mềm này.
Solana, một trong những mạng lưới blockchain lớn nhất, vừa ra mắt dòng điện thoại thông minh đầu tiên của mình. Sản phẩm được giới thiệu cùng hệ sinh thái phần mềm để hỗ trợ các ứng dụng phi tập trung trên blockchain. Thiết bị có tên Saga, với giá 1,000 USD và được bán ra từ đầu năm 2023.
Theo phát biểu của ông Anatoly Yakovenko, Giám đốc Điều hành Solana Labs, lớp phần mềm Solana Mobile Stake là nền tảng quan trọng để mở rộng trải nghiệm của người dùng trên Web3.
Đồng thời, phần mềm này có thể được cài đặt trên nhiều thiết bị, hệ điều hành. Mẫu điện thoại Saga công ty vừa giới thiệu là thiết bị tham chiếu đầu tiên, được cài sẵn Solana Mobile Stake. Theo giám đốc điều hành của Solana Labs, smartphone đầu tiên từ công ty có nhiệm vụ đưa trải nghiệm tiền số trở nên thân thiện hơn trên di động.
Solana Mobile Stake được tạo ra để lập trình viên viết ứng dụng di động ở mạng lưới Solana. Bộ phần mềm có tích hợp sẵn giải pháp lưu trữ, thanh toán, cửa hàng và công cụ tạo NFT.
Phía dự án và các quỹ đầu tư tham gia cùng Solana đặt tham vọng đưa mạng lưới blockchain này tiếp cận với lượng người dùng di động khổng lồ. “Tất cả mọi thứ đều có ứng dụng trên điện thoại. Nhưng app tiền số bị bỏ lại phía sau. Giải pháp tốt nhất là cài sẵn ví trên smartphone”, Sam Bankman-Fried, ông chủ sàn giao dịch FTX và là một trong những nhà đầu tư lớn của mạng Solana nói.
Vũ Hạo (Tổng hợp)
FILI
|