Thứ Năm, 07/07/2022 14:35

Lo ngại tín dụng tăng nhanh tác động tới lạm phát

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank, lo ngại tín dụng tăng trưởng nhanh sẽ gia tăng rủi ro với lãi suất và lạm phát.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỉ đồng tính tới 30-6-2022, tăng 9,35% so với cuối năm 2021, trong khi cùng kỳ năm 2021 chỉ tăng 6,47%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên. Còn tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Huy động vốn đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 4,51%, trong khi cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%.

Tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 9,35% tính tới 30-6-2022. Ảnh minh hoạ: VietinBank

Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từng khiến đại diện Vietcombank, BIDV, VietinBank và MB lo ngại cạn “room” tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu cho vay của khách hàng có đủ điều kiện thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% vào tháng 5-2022.

Vì vậy, đại diện 4 ngân hàng đều kiến nghị NHNN nới “room” tín dụng để có dư địa triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất một cách hiệu quả trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Với Agribank, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV, cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là gần 6% tính tới 30-6-2022, trong khi hạn mức tín dụng cả năm là 7%. Như vậy, ngân hàng chỉ còn dư địa tăng trưởng tín dụng hơn 1% trong 6 tháng cuối năm.

Nhưng thay vì kiến nghị nới “room“ tín dụng như 4 ngân hàng trên, ông Ấn cho rằng cơ quan quản lý không nên nới mạnh “room” trong nửa cuối năm 2022.

Lý giải điều này, Chủ tịch Agribank cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao hơn 2 lần so với tốc độ huy động vốn là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất.

“Nguồn vốn trong dân chỉ có mức nhất định, tăng trưởng huy động vốn năm nay không tăng mấy so với năm trước trong khi tín dụng tăng quá mạnh thì các ngân hàng sẽ giành giật vốn lẫn nhau, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất”, ông Ấn nói và mong muốn Chính phủ, NHNN có kế hoạch đảm bảo tăng trưởng phù hợp.

Theo ông Ấn, nếu hy sinh để tăng trưởng thì áp lực lạm phát rất lớn. Cụ thể, tăng trưởng đột biến về tín dụng sẽ dẫn tới cuộc cạnh tranh lãi suất huy động, từ đó tăng lãi suất cho vay.

“Lãi suất đầu vào lên cao sẽ tạo áp lực lên lãi suất đầu ra, từ đó tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, gián tiếp tạo áp lực lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mọi thành tựu thời gian qua sẽ trở về số 0”, ông Ấn lo ngại.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết cơ quan này sẽ tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm vào tuần tới. Tại hội nghị này, NHNN sẽ quán triệt về vấn đề tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết mức tăng trưởng tín dụng những năm qua nhìn chung không thay đổi. Nhưng với từng ngân hàng thương mại thì NHNN phải đánh giá cụ thể.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bám sát tình hình thực tế để điều hành tín dụng phù hợp trên tinh thần “mạch máu của nền kinh tế không được tắc nghẽn”, đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống.

Vân Phong

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng GDP năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu (07/07/2022)

>   Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (07/07/2022)

>   Giải ngân vốn đầu tư công: Đâu là biện pháp căn cơ, lâu dài? (06/07/2022)

>   Hàng loạt hạn chế trong xây dựng và quản lý vốn (06/07/2022)

>   Thủ tướng: Không được quên 'kinh nghiệm xương máu' khi chưa có vaccine (05/07/2022)

>   Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Lạm phát ở Việt Nam chưa quá nóng như châu Âu hay Mỹ (05/07/2022)

>   Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn (04/07/2022)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7% (04/07/2022)

>   Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế (04/07/2022)

>   Tiếp đà quý II, dự báo tăng trưởng cả năm 2022 có thể đạt hoặc vượt mục tiêu (03/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật