Thứ Năm, 07/07/2022 10:19

Tăng trưởng GDP năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu

Nếu không có biến cố lớn ảnh hưởng đến nền kinh tế, kết quả tăng trưởng GDP cả năm 2022 sẽ rất tốt, nhiều khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra từ 6-6,5%.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đang trên đà phục hồi nhanh, nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro tác động đến khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, bà đánh giá sao về kết quả này?

Với mức tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% và 6 tháng đạt 6,42% cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, mức tăng trưởng 7,72% trong quý II là mức tăng cao nhất của quý II so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay.

Kết quả tăng trưởng trên có được là nhờ vào động lực và đóng góp của một số ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó, đóng góp đầu tiên phải nhắc đến ngành dịch vụ. Một số lĩnh vực dịch vụ đã có mức tăng trưởng 2 con số trong quý II, đây là những ngành quý II năm trước có mức tăng trưởng âm, như: Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 30%; hoạt động hành chính và hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 14%; hoạt động dịch vụ khác tăng 16,6%.

Tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm cũng được hỗ trợ bởi sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I/2022 tăng 6,8% và quý II tăng 10,8%. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 23,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 22,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,5%...

Cùng với đó, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 11,7%, cao hơn so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Điều đó thể hiện cầu tiêu dùng của người dân đã phục hồi và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, tham gia vào sản xuất và ổn định thu nhập.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tăng khá so với cùng, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3% và nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Bên cạnh những điểm sáng trên, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Cộng với vốn đầu tư thực hiện xã hội 6 tháng tăng 9,6%, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 8,9% là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng GDP những tháng đầu năm 2022.

Tăng trưởng GDP 6 tháng được đánh giá tích cực, tuy dịch bệnh Covid-19 đã có chiều hướng tăng trở lại tại nhiều nước trên thế giới. Cùng với đó, lạm phát, giá đầu vào của sản xuất tiếp tục đà tăng do tác động lan tỏa của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Những điều này sẽ tác động như thế nào đến phục hồi kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm, thưa bà?

Nền kinh tế quý II/2022 đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều tác động bất lợi từ bên ngoài, ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2022.

Cụ thể, xung đột Nga và Ukraine vẫn diễn biến phức tạp khiến giá xăng dầu thế giới và trong nước leo thang, gia tăng chi phí sản xuất, nguồn cung bị gián đoạn, lạm phát tăng cao, sức cầu quốc tế yếu; việc ban hành tiêu chuẩn quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu của các nước đối tác sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% năm 2022, đặc biệt vào cuối năm kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ; từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi

Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể diễn biến phức tạp cũng là mối nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cũng như các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Đặc biệt, xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "zero - Covid" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới tăng trưởng GDP những tháng cuối năm.

Theo bà, với những thách thức trên, liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2022?

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã khiến giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao, trong đó điển hình là giá xăng dầu cao kỷ lục, giá cả các mặt hàng tăng mạnh gây lên sức ép lạm phát lớn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên cũng không nằm ngoài cơn bão giá này. Tuy nhiên, dựa vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 với một số căn cứ sau:

Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và mức độ bao phủ vắc xin cao, điều nay đã giúp Việt Nam sớm quay lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn và mở cửa du lịch quốc tế, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đã được diễn ra thuận lợi và gặt hái những kết quả ấn tượng trong quý II và 6 tháng/2022. Điều này chính là bước đệm tốt cho tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đã có mức tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 4,31 điểm phân trăm so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, nền kinh tế quý II có những bước phát triển khá, nhất là khu vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 10 năm gần đây)... tiếp đà phát triển trong quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.

Khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do quý III năm trước âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt đạt và có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra 6-6,5%.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Hòa 

CÔNG THƯƠNG

Các tin tức khác

>   Đề xuất các lĩnh vực ưu tiên triển khai kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (07/07/2022)

>   Giải ngân vốn đầu tư công: Đâu là biện pháp căn cơ, lâu dài? (06/07/2022)

>   Hàng loạt hạn chế trong xây dựng và quản lý vốn (06/07/2022)

>   Thủ tướng: Không được quên 'kinh nghiệm xương máu' khi chưa có vaccine (05/07/2022)

>   Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Lạm phát ở Việt Nam chưa quá nóng như châu Âu hay Mỹ (05/07/2022)

>   Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn (04/07/2022)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7% (04/07/2022)

>   Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo triển khai gói phục hồi và phát triển kinh tế (04/07/2022)

>   Tiếp đà quý II, dự báo tăng trưởng cả năm 2022 có thể đạt hoặc vượt mục tiêu (03/07/2022)

>   UOB nâng dự báo tăng trưởng Việt Nam lên 7,04% (30/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật