Chủ Nhật, 24/07/2022 15:00

Hàn Quốc mở rộng danh mục đầu tư vào Việt Nam, nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào 2023

Nếu như hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc trước đây tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh lân cận có đông dân cư, thì nay đã và đang trải rộng ra nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Danh mục đầu tư cũng được mở rộng…

Hàn Quốc mở rộng danh mục đầu tư vào Việt Nam, nâng kim ngạch thương mại lên 100 tỷ USD vào 2023

Samsung được xem là biểu tượng của đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.

Trong nhiều năm và hiện tại, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đóng góp quan trọng và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Không những thế, vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng trở lại và mở rộng ra nhiều lĩnh vực.

MỞ RỘNG DANH MỤC ĐẦU TƯ

Theo ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đều đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội và trở thành đối tác quan trọng của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Về lĩnh vực đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc luôn là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua và cả hiện tại, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ tập trung vào một số tỉnh thành có đông dân cư xung quanh Hà Nội, TP.HCM mà dần dần lan tỏa ra các vùng miền của đất nước. Các lĩnh vực đầu tư cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn”.

Ông Nguyễn Phú Bình.

Nói đến đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam phải nhắc đến dự án đầu tư của Samsung với tổng giá trị đầu tư lên đến hơn 20 tỷ USD. Đây cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Mới đây, vào tháng 6/2022, Samsung tiếp tục tăng vốn đầu tư thêm 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC – SEHC (nhà máy sản xuất các sản phẩm tivi, thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất toàn cầu của Samsung).

Không chỉ có Samsung, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam còn phải kể đến là LG, Hanwha, SK Group, Hyosung, Hyundai, CJ Group, SK Telecom, Shinhan Finance Group... Ngoài ra, những năm gần đây vốn đầu tư của Hàn Quốc có xu hướng dịch chuyển sang cả các lĩnh vực khác như Blockchain, Metaverse, Fintech, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,…

Ông Kwon Sung-Taek, Phó Chủ tịch hiệp hội Văn hóa Kinh tế Hàn-Việt (KOVECA), cho rằng thành quả lớn nhất trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính là hợp tác kinh tế bao gồm đầu tư và trao đổi thương mại song phương. Kết quả trên xuất phát từ tương đồng về văn hóa cũng như mục tiêu phát triển của hai quốc gia. 

"Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong tương lai sẽ có sự thay đổi đang kể. Trong khu vực ASEAN, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Hàn Quốc bằng tổng kim ngạch thương mại song phương của Hàn Quốc với 9 quốc gia còn lại. Về đầu tư sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam", ông Kwon Sung-Taek thông tin.

Không những thế, Hàn Quốc còn đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn song song với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có việc triển khai giai đoạn hai dự án Viện khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST); tăng cường hợp tác về y tế, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, trong đó có dịch Covid-19.

QUY HOẠCH THÊM KHU CÔNG NGHIỆP ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Thời gian tới, hoạt động đầu tư của Hàn Quốc không chỉ tập trung vào hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP.HCM và sẽ có nhiều hình thức đầu tư phù hợp với từng địa phương. Việt Nam cũng là địa điểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hàn Quốc hướng đến mục tiêu chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực.

Đồng Nai đang mở rộng khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Hữu Thắng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận Việt Nam đã sẵn sàng để chào đón các nhà đầu tư Hàn Quốc đến hợp tác, về phía đối tác cũng có nhu cầu và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Bên cạnh những thuận lợi vẫn có những thách thức nhất định, do đó hai bên cần trao đổi thường xuyên để chia sẻ, cập nhật thông tin, nhu cầu của nhau để tiến tới hợp tác cụ thể và hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Cụ thể tại Đồng Nai. Hiện tỉnh này có 32 khu công nghiệp với diện tích 10.000ha; trong đó có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện Đồng Nai đang có hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 33 tỷ USD; trong đó riêng các nhà đầu tư Hàn Quốc có 426 dự án với số vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD, tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện điện tử cho chuỗi cung ứng.

Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài, Đồng Nai tiếp tục quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 8.000ha, thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Đồng Nai đang tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.

Long An cũng là tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài khá mạnh trong thời gian gần đây. Hiện có 1.141 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn lên đến 8 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã cấp chứng nhận cho 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 246 triệu USD, điều chỉnh cho 4 dự án tăng vốn lên 160 triệu USD. Hàn Quốc có 209 dự án đầu tư tại Long An với tổng giá trị 900 triệu USD, đứng thứ 2 trong số các FDI đầu tư trực tiếp vào Long An. Các dự án của Hàn Quốc đầu tư rất hiệu quả.

Long An sẵn sàng 1.000ha đất sạch để thu hút đầu tư.

Hiện nay Long An có 36 khu công nghiệp được phê duyệt, 22 khu đã đi vào hoạt động, các tuyến đường kết nối giữa các khu, cụm khu công nghiệp cũng có nhu cầu mời gọi đầu tư. Tỉnh chủ trương tập trung giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục nhanh, gọn. Hiện tỉnh có 1.000ha đất sạch sẵn sàng cho đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, hiện Tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, các tuyến đường kết nối khu vực như Đường 823, Quốc lộ 50, kết nối giao thông nội tỉnh và liên vùng.

Để thu hút được các nguồn vốn đầu tư FDI cũng như trong nước Long An đang tích cực khôi phục lại nền kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính...Và cũng như Đồng Nai, tỉnh Long An cũng đang mời gọi đầu tư vào lĩnh vực môi trường (xử lý nước thải, rác thải…).

Hội nghị xúc tiến đầu tư FDI Hàn Quốc vào TP.HCM và các tỉnh phía Nam diễn ra vào ngày 22/07/2022 trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Việt - Hàn (VIKO30). Đây là chương trình góp phần làm phong phú các hoạt động kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam và Hàn Quốc, kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và giới thiệu tiềm năng, triển vọng, chính sách về khởi nghiệp, thương mại, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, kết nối mối quan hệ tốt đẹp, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, âm nhạc hai nước trong trạng thái “Bình thường mới” sau đại dịch Covid-19. Diễn đàn cũng tạo không gian lành mạnh cho giới trẻ Việt - Hàn, góp phần cổ vũ tinh thần sáng tạo trong học tập, khởi nghiệp, hoạt động kinh doanh phát triển kinh tế xã hội.

Tú Uyên

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ Công Thương thông tin việc mì ăn liền Việt Nam bị cảnh báo tại EU (23/07/2022)

>   6 tháng đầu năm ngành dệt may xuất siêu gần 9 tỉ USD (23/07/2022)

>   'Ông trùm' chi tiền để khai thác quặng 'chui' hơn 600 tỉ đồng (22/07/2022)

>   Ùn tắc kinh hoàng ở cửa ngõ TP.HCM (22/07/2022)

>   Vận tải biển kinh doanh có lãi trong 'bão giá' nhiên liệu (21/07/2022)

>   Đối mặt nhiều khó khăn, xuất khẩu dệt may vẫn 'nhắm' đích 43 tỷ USD (21/07/2022)

>   Khơi thông tiềm năng phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long (21/07/2022)

>   Bộ Công Thương lý giải về đề xuất tiếp tục phát triển gần 2.430 MW điện mặt trời (20/07/2022)

>   Doanh nghiệp thủy hải sản thiếu nguyên liệu (20/07/2022)

>   4 lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất (19/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật