Giá xăng dầu tăng vọt, các gã khổng lồ dầu khí lãi đậm
Các gã khổng lồ dầu khí thế giới chuẩn bị báo cáo mức lợi nhuận kỷ lục trong quý II. Nhưng kết quả khả quan có thể che giấu mầm mống của sự suy yếu trong ngành công nghiệp.
Theo Bloomberg, các tập đoàn dầu khí hưởng lợi khi giá nhiên liệu tăng vọt. Nhưng giá tăng cao là động lực chính thúc đẩy lạm phát và làm gia tăng rủi ro suy thoái toàn cầu. Do đó, ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi đánh thuế cao hơn đối với những tập đoàn này.
Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế và chính trị bất ổn, lợi nhuận có thể khó tăng lên trong thời gian tới.
"Khả năng cao thu nhập sẽ đạt đỉnh trong quý II hoặc quý III và quay đầu lao dốc sau đó", ông Ahmed Ben Salem - nhà phân tích tại Oddo BHF - bình luận. "Nguy cơ suy thoái đang khiến mọi thứ chậm lại", ông nói thêm.
Các tập đoàn dầu khí toàn cầu thu lời kỷ lục nhờ đà tăng phi mã của giá nhiên liệu toàn cầu. Ảnh: Reuters.
|
Lợi nhuận kỷ lục
Theo Bloomberg, các tập đoàn năng lượng lớn Exxon Mobil Corp., Chevron Corp., Shell Plc, TotalEnergies SE và BP Plc có thể kiếm lời nhiều hơn hồi năm 2008. Thời điểm đó, giá dầu thô quốc tế cán mốc 147 USD/thùng.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, không chỉ giá dầu tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine, giá khí đốt tự nhiên và tỷ suất lợi nhuận lọc dầu cũng lập đỉnh.
Công suất lọc dầu tại nhiều thị trường trên thế giới đã lao dốc nghiêm trọng do các lệnh phong tỏa chống dịch, những khoản đầu tư bị trì hoãn vì đại dịch, các lệnh trừng phạt đối với Nga và việc Trung Quốc giới hạn xuất khẩu xăng dầu.
Nhu cầu xăng đang thấp hơn dự báo. Chúng tôi cho rằng giá tăng cao đã phá hủy nhu cầu
Ông Matt Murphy - nhà phân tích có trụ sở ở Calgary tại Tudor Pickering Holt & Co.
|
Thước đo tỷ suất lợi nhuận lọc dầu tại Mỹ đã tăng vọt lên 48,84 USD/thùng dầu thô trong quý I, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, thước đo của châu Âu tăng gấp 3 lần lên 145,7 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), chi phí lọc dầu chiếm tới 26% giá thành của một gallon xăng tại Mỹ, tăng từ mức trung bình 14% trong thập kỷ trước.
Shell dự kiến thu được 1 tỷ USD từ hoạt động lọc dầu. Theo ước tính của Bloomberg, lợi nhuận quý II của Exxon có thể nhiều hơn lợi nhuận trong 9 quý trước cộng lại.
"Xu hướng này sẽ không kéo dài", ông Matt Murphy - nhà phân tích có trụ sở ở Calgary tại Tudor Pickering Holt & Co. - bình luận. Theo ông, giá năng lượng tăng cao đang tạo sức ép lớn lên người tiêu dùng.
"Nhu cầu xăng đang thấp hơn dự báo. Chúng tôi cho rằng giá tăng cao đã phá hủy nhu cầu", vị chuyên gia nhận định.
Do đó, các công ty vẫn hành động cẩn trọng dù thu nhập tăng vọt. Theo nhóm phân tích của Citigroup Inc., Exxon có thể dùng số tiền dư thừa để trả nợ.
Hạn chế đầu tư
Lợi nhuận tăng vọt không chỉ do giá nhiên liệu tăng cao. Các gã khổng lồ dầu khí cũng chi tiêu ít hơn nhiều so với những thời kỳ tăng giá trước đó.
Chi tiêu dành cho đầu tư đang trên đà đạt 80 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, con số đó chỉ bằng một nửa so với hồi năm 2013.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực kêu gọi các gã khổng lồ dầu khí tăng sản lượng để thúc đẩy nguồn cung trong nước và làm giảm áp lực giá, vốn đã đẩy lạm phát của Mỹ lên mức cao nhất trong vòng 40 năm. Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông chủ Nhà Trắng bị phớt lờ.
Các lãnh đạo trong ngành dầu khí lo ngại rằng đà tăng giá sẽ không kéo dài. Trong khi đó, những khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch sẽ thua lỗ nếu thế giới nhanh chóng chuyển sang năng lượng sạch.
Trên thực tế, chi phí của các tập đoàn năng lượng có thể tăng lên theo đà lạm phát. Mới đây, Schlumberger NV - công ty cung cấp dịch vụ khai thác mỏ dầu lớn nhất thế giới - cho biết doanh số bán hàng đã tăng 20% so với một năm trước đó.
Ngành công nghiệp dầu khí cũng đối mặt với một số rủi ro khác. Anh và Italy đều đã áp thuế thu nhập từ dầu và khí đốt. Còn tại Pháp, một số nhà hoạch định chính sách ủng hộ ý tưởng về mức thuế đặc biệt lên tới 3 tỷ euro (3,1 tỷ USD) mỗi năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn phản đối việc áp thuế. Thay vào đó, ông kêu gọi các tập đoàn như TotalEnergies tiếp tục giảm giá bán xăng dầu.
Tại Mỹ, ông Biden chỉ trích các công ty dầu mỏ kiếm lời từ lạm phát. Nhưng đến nay, chính quyền Washington vẫn chưa tạo ra áp lực đáng kể nào.
Do đó, ngay cả khi ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong quý II, các tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới vẫn không thể ăn mừng.
"Hầu hết công ty sẽ báo cáo thu nhập kỷ lục trong quý này", ông Cheng tại Scotiabank bình luận.
"Nhưng với nguy cơ suy thoái kinh tế và bài học từ năm 2020, tôi cho rằng ngành công nghiệp vẫn sẽ thận trọng", ông nói thêm.
Thảo Phương
Zing.vn
|