Chủ Nhật, 03/07/2022 15:00

Dệt may Việt Nam trước áp lực “xanh hóa” hoặc mất đơn hàng

Chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn với tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Quốc hội châu Âu (EU) thảo luận.

Tại xưởng may của Tổng công ty May 10. Chỉ các doanh nghiệp may lớn của Việt Nam có thể đáp ứng các đòi hỏi các tiêu chuẩn môi trường mới của EU. Ảnh: VITAS

Chiến lược này quy định các sản phẩm dệt may vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Tất cả thông tin trên đều phải có các chứng nhận kỹ thuật số. Một số tiêu chuẩn chính sẽ được áp dụng từ đầu năm 2024.

EU hiện là thị trường lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỉ đô la Mỹ, chiếm 10-11%, xếp sau tỷ lệ hơn 45% của thị trường Mỹ.

Liệu dệt may Việt Nam có đủ thời gian để thích nghi?

Trả lời Kinh tế Sài Gòn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang nói rằng ngành dệt may Việt Nam tự tin và có thể thích ứng với các quy định mới.

“Tôi không cho rằng những tiêu chuẩn này là ngoài tầm với bởi các doanh nghiệp Việt đã làm quen với những điều này trong thời gian qua. Kế đến là các tiêu chuẩn đang được xem xét và đề nghị, chưa trở thành bắt buộc khắp EU hay toàn cầu, còn 18 tháng nữa thì mới áp dụng. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta có đủ thời gian để thích ứng nếu các quy định này được áp dụng từ năm 2024-2025 trở đi”, ông Giang nói.

Năm 2021 là một năm bứt phá của dệt may Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài. Kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỉ đô la, tăng 23% so với năm 2020. Chủ tịch VITAS giải thích: “Yếu tố quan trọng nhất là sự thích ứng nhanh của các xí nghiệp dệt may trong giai đoạn dịch bệnh với phương thức sản xuất “ba tại chỗ” và sau đó là thích ứng linh hoạt. Lực lượng lao động sớm trở lại sau khi bỏ giãn cách hay phong tỏa cũng góp phần cho mục tiêu đó. Ngành sợi đã góp phần lớn cho thành tích của năm 2021 bởi kim ngạch chiếm tới 5,7 tỉ đô la. Cần phải nhắc đến yếu tố là 70% nguyên liệu của ngành phải nhập từ thị trường Trung Quốc và tình hình đóng biên thường xuyên xảy ra”.

Dệt may Việt Nam có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 43-44 tỉ đô la trong năm 2022, tăng hơn 10% so với năm trước.

Quá ít doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn EU

Dệt may là một trong những ngành sản xuất gia công chủ lực của Việt Nam, đang sử dụng rất nhiều nguồn lực lao động, tài nguyên. Vì thế, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là thách thức lớn. VITAS đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023 giảm tiêu thụ 15% năng lượng, 20% lượng nước, đến năm 2030 xanh hóa ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Các nhãn hàng đánh giá sự phát triển trên cơ sở tuân thủ của doanh nghiệp gia công về môi trường, xã hội, và trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. “15 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có các cam kết về môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu với người tiêu dùng”, ông Giang nhấn mạnh.

Tháng 12-2020, 29 nhãn thời trang quốc tế như Nike, H&M, Target, Mulberry, Mammut… đã cùng gửi thư kiến nghị lên Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Việt Nam thực hiện các thỏa thuận mua năng lượng trực tiếp (DPPA) giữa các doanh nghiệp dệt may với các nhà cung ứng năng lượng tái tạo tư nhân tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, doanh nghiệp chỉ có thể mua điện trực tiếp qua mạng lưới quốc gia hoặc qua các dự án điện mặt trời áp mái nhỏ.

Dệt may sử dụng trung bình 3 tỉ đô la cho chi phí năng lượng mỗi năm. Nếu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, chi phí điện năng sẽ giảm 1 tỉ đô la. Khoảng 70% các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, 30% là các doanh nghiệp lớn trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài. Về tổng quan, theo tài liệu của EU, hiện chỉ 5% các xưởng may gia công của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EU, trong đó có sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo.

Chủ tịch VITAS cho rằng những con số trên thực tế có thể cao hơn. Chẳng hạn như tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch ở một số nơi chiếm đến 31-32% trong tổng lượng điện tiêu thụ. Trong khi đó, số doanh nghiệp dệt may sử dụng năng lượng sạch đã lên đến 60-65%, hoặc là tự mua điện hoặc là tự đầu tư lắp đặt các dự án sản xuất năng lượng mặt trời. Ông cho rằng trong năm đến bảy năm tới, 100% công ty dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng mục tiêu năng lượng sạch.

“Xanh hóa” hoặc đứng qua một bên

Xanh hóa ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp bắt buộc phải triển khai để đạt mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng xuất khẩu vào các thị trường lớn đã ký FTA. Các doanh nghiệp giờ chỉ có hai lựa chọn: một là phải xanh hóa, hai là đứng nhìn đơn hàng bị đưa đi nơi khác.

Sử dụng năng lượng xanh là một trong những tiêu chí đầu tiên mà các hãng dệt may thực hiện. Mới nhất, Tổng công ty cổ phần Phong Phú vừa ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Coro Renewables Việt Nam, phát triển điện mặt trời áp mái trên các nhà máy của doanh nghiệp tại TPHCM. Sản lượng điện mặt trời dự kiến đạt khoảng 4,2 triệu kWh mỗi năm.

Doanh nghiệp dệt may đang gặp áp lực từ các nhà nhập khẩu như nhà máy xanh, môi trường làm việc và ăn ở của công nhân, giảm khí phát thải và chất thải độc hại. Hiện toàn bộ hệ thống nhà xưởng của May 10 đảm bảo yêu cầu của các thị trường đòi hỏi cao. Rất nhiều khách hàng yêu cầu công ty phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế và tự phân hủy sau 5-10 năm… “Đó cũng chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai”, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt phát biểu tại một hội thảo VITAS tổ chức giữa tháng 5 rồi.

Cũng tại hội thảo trên, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết sẽ tập trung phấn đấu giảm 30% lượng nước thải sau nhuộm bằng công nghệ mới, tái sử dụng 30% nước thải đã xử lý cho việc giặt, rửa, vệ sinh. Đối với ngành sợi, Vinatex sẽ sử dụng ít nhất 20% xơ polyester tái chế, 15% bông organic để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Bài toán lợi nhuận

Lợi nhuận là động cơ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, và phát triển bền vững đòi hỏi phải có cách thức đúng đắn để tạo ra lợi nhuận.

Ông James Phillips, Phó chủ tịch tập đoàn May mặc TAL, chia sẻ “bí quyết” TAL đã xây dựng bộ phận quản lý nguyên liệu độc lập, thiết lập tiêu chuẩn riêng biệt cho từng loại vải, tối ưu hóa marker (sơ đồ cắt bàn vải), quản lý thất thoát, phân loại và tận dụng vải vụn. Với việc tiết kiệm 1% vải, TAL đã tiết kiệm tối thiểu 90.000 đô la, 37 triệu lít nước và 64.000 ki lô gam khí CO2. Lượng nước sử dụng để giặt một chiếc áo đã giảm từ 11 lít xuống còn 1,5 lít…

Hướng đi mới đòi hỏi tư duy mới, sự đầu tư và nguồn lực lớn. Nhưng liệu các nhãn hàng có thể đẩy phần chi phí phát sinh rất lớn cho các hãng xưởng gia công hay không? Nikkei Asia trích lời một nhà thầu kinh doanh may mặc ở Quảng Châu, Trung Quốc rằng “chi phí có thể tăng thêm 50%”.

Chắc chắn, chủ nhãn hàng hay nhà sản xuất sẽ đẩy chi phí đội lên về phía người tiêu dùng và các nhà gia công như họ đã từng làm trước đây.

“Trước đây, khi đưa đơn hàng gia công, nhãn hàng thường đưa sẵn mẫu thiết kế và mẫu vải. Trong một vài năm qua, chúng tôi thường được hỏi có mẫu vải mới hay thiết kế mới lạ nào không. Có nghĩa là các chi phí nghiên cứu và phát triển này được nhãn hàng khéo léo đẩy sang nhà gia công. Chúng tôi phải chấp nhận nếu không muốn mất đơn hàng”, một doanh nghiệp may cho biết.

Nhiều nhãn hàng đã trì hoãn thanh toán trong thời gian qua. Hồi tháng 4 năm ngoái, 13 hiệp hội ngành may ở chín quốc gia – gồm Việt Nam, Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và Trung Quốc – đã cùng nhau gửi văn bản yêu cầu các thương hiệu thời trang quốc tế thanh toán trong thời hạn tối đa là 90 ngày. Đồng thời, các hãng bán lẻ không được kỳ kèo giảm giá hơn nữa sau khi đã đặt hàng.

Ricky Hồ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vi phạm đấu thầu, cựu giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng (03/07/2022)

>   Kiểm toán Nhà nước: Kiến nghị xử lý 198 văn bản pháp luật sai quy định (02/07/2022)

>   Ba 'điểm nghẽn' liên kết phát triển kinh tế miền Trung (02/07/2022)

>   Giải ngân vốn ODA chỉ đạt 9,12% trong nửa đầu năm 2022 (01/07/2022)

>   Nhiều dự án đầu tư công vỡ tiến độ vì bão giá (01/07/2022)

>   TP.HCM đề xuất 'siêu dự án' cảng trung chuyển container 6 tỉ USD tại Cần Giờ (30/06/2022)

>   Cảng biển sôi động nhờ hoạt động xuất nhập khẩu (30/06/2022)

>   Tân Hoàng Minh ngừng kinh doanh các chi nhánh trên cả nước từ 1/7 (30/06/2022)

>   Vì sao nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại? (29/06/2022)

>   11 nhà máy trong chuỗi cung ứng Apple đã chuyển sang Việt Nam (29/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật