Thứ Bảy, 02/07/2022 09:12

Ba 'điểm nghẽn' liên kết phát triển kinh tế miền Trung

Chiều 1/7, tại tỉnh Quảng Nam, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39 phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức tọa đàm Liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia và lãnh đạo 5 tỉnh miền Trung.

Trong bối cảnh mới, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần những giải pháp đột phá

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng vùng có nhiều lợi thế phát triển: Tài nguyên khoáng sản phong phú; hệ thống di tích lịch sử, văn hoá, bãi biển đẹp với đường bờ biển dài khoảng 600km; hệ thống cảng biển dày đặc…là điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

“Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng kinh tế trọng điểm khác của cả nước”, ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng Duyên hải miền Trung, các lợi thế ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn ở dạng tiềm năng, chưa phát triển trở thành lợi thế cạnh tranh. Xuất phát điểm kinh tế của vùng còn thấp, dịch vụ canh tranh yếu kém, nhiều tỉnh còn manh mún, nặng tư duy địa phương. “Tỉnh nào cũng có đặc điểm tương tự nhau, các tỉnh gần đây vùng lên phát triển nhưng “mạnh ai nấy làm” chứ chưa thực sự liên kết”, ông Thiên nói.

Các ý kiến tại tọa đàm cũng chỉ ra hạn chế về cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành, nhưng chưa mang lại nhiều kết quả; thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương; xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

TS. Trần Du Lịch phân tích 3 điểm nghẽn chính dẫn tới kết quả liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa được như ý. Đó là giao thông kết nối vùng, liên vùng kém, không tạo được động lực phát triển. Về cơ chế, có hội đồng vùng nhưng tồn tại nặng tính hình thức, không có vai trò rõ ràng, không gắn kết trách nhiệm. Ngoài ra, vai trò của nhà nước và doanh nghiệp trong hình thành những chuỗi liên kết theo ngành, lĩnh vực chưa nhiều. Liên kết phát triển vùng chưa tạo được lợi thế, khai thác thế mạnh của vùng mà vẫn còn đầu tư dàn trải và lãng phí nguồn lực.

Từ kinh nghiệm thực tiễn 20 năm vừa qua, ông Lịch cho rằng cần làm tốt quy hoạch vùng và tiểu vùng, nhất là tiểu vùng kinh tế gắn kết rõ trên 4 lĩnh vực: phân bố lực lượng sản xuất; kết nối hạ tầng giao thông; đào tạo nhân lực và giải quyết môi trường chung.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần phải trao quyền tự chủ, tự quyết định đối với các cấp chính quyền địa phương và sự quan tâm giải quyết kịp thời mang tầm chiến lược của cơ quan trung ương.

“Vấn đề quan trọng là cần nghiên cứu cơ chế phát triển vùng. Đã xác định phân vùng kinh tế là phải có những cơ chế đặc thù để phát triển các vùng kinh tế đó, đồng thời trong mỗi vùng kinh tế xác định khu vực trọng điểm thì phải có những cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển mới tạo sức lan toả, làm động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định”, ông Thanh nói.

Hoài Văn

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Giải ngân vốn ODA chỉ đạt 9,12% trong nửa đầu năm 2022 (01/07/2022)

>   Nhiều dự án đầu tư công vỡ tiến độ vì bão giá (01/07/2022)

>   TP.HCM đề xuất 'siêu dự án' cảng trung chuyển container 6 tỉ USD tại Cần Giờ (30/06/2022)

>   Cảng biển sôi động nhờ hoạt động xuất nhập khẩu (30/06/2022)

>   Tân Hoàng Minh ngừng kinh doanh các chi nhánh trên cả nước từ 1/7 (30/06/2022)

>   Vì sao nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại? (29/06/2022)

>   11 nhà máy trong chuỗi cung ứng Apple đã chuyển sang Việt Nam (29/06/2022)

>   6 tháng đầu năm 2022: Việt Nam nhập siêu 35 tỷ USD từ Trung Quốc (29/06/2022)

>   Chỉ số sản xuất công nghiệp quý 2 tăng 9.87% (29/06/2022)

>   85,4% số dòng thuế trong Hiệp định ASEAN - Trung Quốc được xoá bỏ, loạt mặt hàng được hưởng lợi (29/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật