Chủ Nhật, 17/07/2022 09:14

Đầu tư vào phân khúc bất động sản nào lúc này?

Giới chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thị trường gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, tín dụng, do đó nhà đầu tư chỉ nên đầu tư trung hoặc dài hạn vào một số phân khúc.

Có khoảng hơn 2 tỷ đồng trong tay, thay vì gửi tiết kiệm ngân hàng, chị Hoài Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) muốn đầu tư bất động sản có khả năng sinh lời nhanh hơn trong bối cảnh giá nhà, đất đang chững lại sau một thời gian tăng nóng.

"Tôi đang phân vân đầu tư chung cư để mua đi bán lại hoặc cho thuê. Tuy nhiên, trước nhiều thông tin sắp có quy định thời hạn sở hữu chung cư 50-70 nên vẫn khá do dự", chị nói.

Theo một số chuyên gia, với số vốn từ 1-3 tỷ đồng, nhà đầu tư nên đầu tư trung hoặc dài hạn vào phân khúc căn hộ có vị trí tốt, hoặc đất nền vùng ven, hoặc một số loại hình bất động sản khác như đất vườn vùng ven phát triển du lịch. Đây là những sản phẩm có thể mang lại lợi nhuận thay vì lướt sóng, đầu cơ.

Đất nền và căn hộ thấp tầng được ưu tiên

Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát - cho rằng thời điểm này nên đầu tư vào những phân khúc bất động sản có thể ra dòng tiền ngay. Chẳng hạn như nhà xưởng cho thuê, nhà trọ, đất nền quanh khu vực Hà Nội hoặc TP.HCM...

"Ngoài ra, các khu đất giá rẻ làm homestay phục vụ du lịch cũng là phương thức đầu tư đáng cân nhắc. Thời điểm này, nhà đầu tư nên chọn đầu tư trung hạn thay vì xu hướng đầu tư lướt sóng và ngắn hạn vì không còn phù hợp", ông nói với Zing.

Theo chuyên gia, thời điểm này, phương án đầu tư an toàn sẽ "lên ngôi" khi thị trường đang gặp nhiều khó khăn về pháp lý, tín dụng... Lựa chọn này cần các sản phẩm có tính thanh khoản tốt, tức có pháp lý rõ ràng và có thể sử dụng được ngay như để ở hay khai thác kinh doanh.

đầu tư bất động sản ảnh 1

Đầu tư đất vườn xây dựng homestay phát triển du lịch là xu hướng của nhiều nhà đầu tư hiện nay. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý II vừa công bố, Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định với những nhà đầu tư cá nhân và hộ gia đình đang sở hữu bất động sản, nguy cơ lạm phát trên phạm vi toàn cầu khiến họ càng có nhu cầu nắm giữ tài sản thay vì bán ra và thu tiền.

Lạm phát thúc đẩy người dân mua bất động sản để nắm giữ giá trị, trong đó đất nền và các căn hộ thấp tầng được ưu tiên. Bên cạnh đó là sự hồi phục kinh tế rõ rệt sau đợt càn quét của Covid-19 khiến tốc độ đô thị hóa bị gián đoạn suốt hai năm qua được phục hồi trở lại. Lượng dân cư đổ lên thành phố khiến nhu cầu nhà ở tăng lên một cách tự nhiên.

Nguồn cung bị thắt chặt trong khi nhu cầu được thúc đẩy là các yếu tố khiến giá cả bất động sản phân khúc căn hộ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong nửa cuối năm nay, bất chấp giao dịch sẽ trầm lắng.

VARS dự báo, loại bỏ những cơn sốt đất như cuối năm 2021, đầu 2022, mức giá bất động sản nhà ở sẽ tăng bình quân khoảng 10% trong nửa cuối năm 2022.

Cần chọn đúng giai đoạn đầu tư

Trao đổi với Zing, TS Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services cho rằng trước nhiều thay đổi về chính sách pháp lý, quản lý bất động sản, tín dụng đang diễn ra trên thị trường, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược đầu tư trung và dài hạn tại những khu vực có tiềm năng và dư địa phát triển, tránh đầu cơ, lướt sóng.

"Khi tham gia đầu tư vào một thị trường bất động sản, nhà đầu tư cần xác định được giai đoạn đầu tư trong cả quá trình phát triển của loại hình, dự án đó. Mỗi giai đoạn sẽ có kỳ vọng đầu tư khác nhau và rủi ro cũng sẽ khác nhau", ông nói.

Theo vị chuyên gia, điều quan trọng không phải chọn thị trường mà là chọn phương pháp và có những chiến lược, kế hoạch đầu tư, dòng tiền, kiểm soát tài chính khi đầu tư bất động sản.

đầu tư bất động sản ảnh 2

Giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng cao do nguồn cung hạn chế, ngân hàng thắt chặt tín dụng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhận định về thị trường bất động sản nửa cuối năm, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho rằng giá bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở sẽ không có nhiều thay đổi và tiếp tục tăng cao do nguồn cung hạn chế, ngân hàng thắt chặt tín dụng.

"Trong thời gian qua, nguồn cung nhỏ giọt và nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, chi phí đầu vào, cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Nga - Ukraine đã khiến giá bất động sản leo thang ở nhiều phân khúc", ông nói.

Ông Khương cho biết hiện nay, giá bất động sản tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Nghĩa là tăng vài phần trăm hàng tháng nhưng khi tổng nhìn lại thì giá sẽ tăng khoảng 20-25% trong một năm. Khác với những năm trước là giá bất động sản sẽ tăng nóng một thời điểm khoảng 10-15%.

"Việc siết chặt nguồn vốn sẽ làm cho thị trường rơi vào trạng thái đóng băng. Hơn nữa, tính pháp lý trong việc phê duyệt dự án chậm, thường mất thời gian 3-5 năm. Chỉ khi những chính sách vĩ mô như chính sách tài khoá, tiền tệ được cải thiện và vấn đề pháp lý được giải quyết thì thị trường mới có dấu hiệu tích cực hơn", vị chuyên gia này nhận định với Zing.

Thanh Thương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Nguồn cung bất động sản chững lại vì siết tín dụng và trái phiếu (16/07/2022)

>   Hết thời sốt nóng, giá nhà đất có dấu hiệu chững lại (15/07/2022)

>   Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Phải dùng các công cụ tài chính về thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản (15/07/2022)

>   TS. Cấn Văn Lực: Phải xốc lại thị trường bất động sản (15/07/2022)

>   TP HCM: Giấy phép xây dựng bị "treo" cả năm vì chờ ý kiến (15/07/2022)

>   TS. Trần Du Lịch: Nhiều người khổ sở vì bỏ sở trường đi làm bất động sản (14/07/2022)

>   GS.TS Hoàng Văn Cường: Điều tiết được giá trị tăng lên của đất đai sẽ hạn chế được đầu cơ bất động sản (14/07/2022)

>   Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập (14/07/2022)

>   Bộ trưởng Xây dựng: Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng bất động sản (14/07/2022)

>   Nhà đất 'ăn theo' quy hoạch đường Vành đai 4 'nhảy múa' dù vắng bóng nhà đầu tư (14/07/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật