Dầu diễn biến trái chiều
Giá dầu diễn biến trái chiều vào ngày thứ Năm (28/7), khi lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng đã bù đắp cho dự trữ dầu thô tại Mỹ thấp và sự phục hồi trong tiêu thụ xăng ở Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu Brent tiến 52 xu lên 107.14 USD/thùng. Trong khi, hợp đồng dầu WTI lùi 84 xu (tương đương 0.9%) xuống 96.42 USD/thùng.
Giá dầu đã xoá bớt đà tăng vào giữa phiên sáng sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ giảm quý thứ 2, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Chi tiêu tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong 2 năm và chi tiêu kinh doanh giảm.
Nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu dự trữ dầu thô tại Mỹ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa sụt 4.5 triệu thùng trong tuần trước, mạnh hơn so với dự báo giảm 1 triệu thùng, trong khi nhu cầu xăng tại Mỹ tăng 8.5% trong tuần qua.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục 4.5 triệu thùng/ngày do dầu WTI giao dịch với mức chiết khấu mạnh hơn so với dầu Brent. Tuy nhiên, trong một tín hiệu lạc quan, tăng trưởng sản lượng dầu thô tại Mỹ có thể chững lại do thiếu thiết bị và đội ngũ khai thác, cũng như hạn chế về vốn.
Giá dầu đã nhận được thêm hỗ trợ từ cuộc chiến nguồn cung năng lượng giữa Nga và phương Tây. Nhóm 7 nền kinh tế giàu có nhất đặt mục tiêu áp dụng cơ chế giới hạn giá đối với xuất khẩu dầu của Nga vào ngày 05/12, một quan chức cấp cao của G7 cho biết vào ngày 27/7.
Trong khi đó, Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, đường dẫn khí đốt chính của nước này đến châu Âu, xuống chỉ còn 20% công suất. Các nhà phân tích cho biết điều đó có thể dẫn đến việc chuyển sang dùng dầu thô từ khí đốt và đẩy giá dầu tăng vọt trong ngắn hạn.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh sẽ xem xét không thay đổi sản lượng dầu trong tháng 9 khi nhóm họp vào tuần tới, bất chấp lời kêu gọi từ Mỹ về việc bổ sung thêm nguồn cung, mặc dù mức tăng sản lượng nhỏ cũng có thể được đưa ra thảo luận.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|