Đánh thuế cao người có nhiều nhà đất: Món nợ nhiều năm
Mặc dù có nhiều chỉ đạo từ cấp cao nhất nhưng đến nay chính sách thuế đối với nhà đất vẫn không có thay đổi đột phá. Trong hơn 10 năm qua, nhiều lần Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản (bao gồm nhà đất) nhưng đều chưa đến được “cửa” Quốc hội. Vì sao?
Không phải đến Nghị quyết 18 Trung ương 5 khóa XIII mới đặt ra vấn đề đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất. Trước đó 10 năm, Nghị quyết 19 Trung ương 6 khóa XI cũng đã yêu cầu “nghiên cứu ban hành thuế bất động sản (BĐS - đối tượng chịu thuế phải bao gồm cả đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn".
Lâu hơn nữa, đầu năm 2008, tại Chỉ thị 01 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường BĐS, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính “chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh về thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, chủ sử dụng có nhiều nhà đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm mục đích hạn chế đầu cơ, tăng nguồn thu cho ngân sách”.
Mặc dù có nhiều chỉ đạo từ cấp cao nhất nhưng đến nay chính sách thuế đối với nhà đất vẫn không có thay đổi đột phá. Pháp lệnh thuế nhà đất 1992 đã được thay thế bởi Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010, tuy vậy nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vẫn nằm ngoài diện đối tượng chịu thuế như yêu cầu tại Nghị quyết 19. Quan điểm đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất cũng chưa được luật hóa khi mà mức thuế suất đối với phần đất vượt hạn mức rất thấp, cao nhất cũng chỉ 0,15%.
Trong hơn 10 năm qua, nhiều lần Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản (bao gồm nhà đất) nhưng đều chưa đến được “cửa” Quốc hội vì nhận được quá nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Lý giải nguyên nhân khiến quan điểm đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất chậm được thể chế hóa thành quy định pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Chẳng hạn, xác định như thế nào là có nhiều nhà đất khi mà hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay chưa hoàn thiện. Nếu thực hiện thì đánh thuế trên diện tích sở hữu/sử dụng hay số lượng từ BĐS thứ hai trở đi? Thuế cao thì mức thuế suất như thế nào là hợp lý để không gây sốc cho thị trường, bởi suy cho cùng, thuế phí cao cũng sẽ được hạch toán vào giá thành BĐS khi đến tay người mua…
Thậm chí, có chuyên gia cho rằng không loại trừ có lực cản từ những người giàu có hay quan chức ôm nhiều nhà đất - đối tượng sẽ bị ảnh hưởng lớn khi chính sách được ban hành.
Dù có nhiều lý do nhưng có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nghiên cứu và đưa ra giải pháp khả thi để thực hiện cho được yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết 18: Xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp; đánh thuế cao đối với người có nhiều nhà đất.
Hơn một thập niên chờ đợi, món nợ này đã để quá lâu rồi!
TRẦN THANH HOA
Pháp luật TPHCM
|