Đã đến lúc đánh thuế cao người có nhiều nhà, đất để 'hạ nhiệt' giá thị trường?
Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất để “đặc trị” hiện tượng “sốt đất”, giúp giá nhà, đất bình “hạ nhiệt”.
Đã đến lúc đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà, đất
Liên quan đến vấn đề đánh thuế với những người sở hữu nhiều nhà, đất, chia sẻ với báo chí mới đây, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, việc này đã được Chính phủ đề cập đến từ lâu, nhưng khó đưa vào áp dụng vì các cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng thiếu chủ trương để thực hiện.
Tuy nhiên, gần đây Nghị quyết 18 năm 2022 được ban hành, đã phần nào tác động tích hơn với vấn đề đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất. Đồng thời, có ưu đãi với đối tượng thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương như nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Do đó, GS Võ nhận định, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà, đất.
Bởi lẽ thuế nhà, đất hiện hành ở nước ta quá thấp so với các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, mức thuế của chúng ta chỉ ở mức 0,03%, trong khi các nước khác là 1 – 1,5%. Và việc đánh thuế nhà, đất cao sẽ giúp ngân sách nhà nước có được nguồn đóng góp lớn từ người dân.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà, đất.
|
Đồng quan điểm với GS Võ, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng việc thu thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất là quyết định đúng. Bởi thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo ông Quang, pháp luật không thể cấm người dân sử dụng nhiều nhà, đất nhưng có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều nhà, đất như Nhật Bản, Mỹ hay các nước Châu Âu.
Tuy nhiên, việc thu thuế tài sản này nên áp dụng ở mức độ vừa phải, giả sử các nước đóng thuế khoảng 1-3% thì Việt Nam nên áp dụng ở mức 0,3%.
Cần đánh thuế trúng và đúng
GS Võ phân tích, về nguyên tắc việc đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách nó. Nghĩa là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất. Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần “đặc trị” hiện tượng “sốt đất”, giúp giá nhà, đất bình ổn lại.
Bởi theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhiều năm qua tình trạng người thiếu, kẻ thừa nhà, đất ngày càng trầm trọng. Trong khi giá nhà, đất ngày càng tăng cao do chưa đáp ứng đủ nguồn cung. Vì thế, để "hạ nhiệt" giá nhà, đất thì cần giải tỏa được nguồn cung.
Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định, hiện tại chưa áp dụng việc đánh thuế cao với người sở hữu nhiều nhà, đất ngay được, nên thị thị trường chưa lập tức bị tác động. Bởi hình thức thu thuế hiện nay vẫn dựa trên các cán bộ địa phương, còn việc áp dụng cơ sở dữ liệu cần phải mất thời gian để đồng bộ. Do đó, thị trường sẽ được đánh giá đúng và đầy đủ khi hệ thống hành chính số được ứng dụng một cách triệt để. Vì thế, chúng ta vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa xem mức độ rút kinh nghiệm và cải thiện về cơ sở dữ liệu ra sao.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang cho rằng, do lịch sử để lại, nên hiện nay ở nước ta có những người sở hữu nhiều đất đai nhưng có người lại quá ít, vì vậy cần quy định về hạn mức sở hữu, nếu quá hạn mức thì phải đóng thuế và tương ứng với mức nào. Đồng thời, cũng có một vấn đề là áp dụng hạn mức này hợp lý đối với người đầu tư, đầu cơ nhưng với người sở hữu từ rất lâu rồi thì chưa phù hợp vì họ không có thu nhập.
Cần đánh thuế tài sản trúng và đúng giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ, cũng như không đánh thuế vào người nghèo.
|
Ông Quang chỉ ra, việc thu thuế với người sở hữu nhiều nhà đất không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Còn với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “ôm đất” phòng ngừa việc đầu cơ đất đai.
Để làm được những điều vừa nêu, ông Quang nhận định chúng ta cần hoàn thiện hơn về quy định pháp luật, cần phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ. Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng của họ. Song song với đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai thật đầy đủ, thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào, để đánh thuế tài sản thật trúng và thật đúng…
Thị trường trước đây chưa mang tính bền vững, người sở hữu trên hai bất động sản cũng tương đối ít nên khi đề cập đến việc đóng thuế người đầu tư hay sở hữu đất thường phản ứng hoặc e ngại. Tuy nhiên hiện nay số lượng người sở hữu nhiều bất động sản một lúc đang gia tăng nên việc đóng thuế đang là cần thiết để đưa thị trường vào một quỹ đạo ổn định hơn.
Lộc Liên
Tiền phong
|