Thứ Hai, 27/06/2022 11:39

HoREA: Không nên thắt chặt tín dụng với người vay có tài sản đảm bảo

Theo HoREA, việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong các trường hợp nhất định.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39.

Theo đó, HoREA cho biết một số nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo chưa hợp lý, chưa hạn chế được rủi ro tín dụng nhưng lại có biểu hiện của việc thắt chặt tín dụng.

Cụ thể, HoREA thống nhất về nguyên tắc tổ chức tín dụng không được cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, nhưng đề nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm.

Ví dụ: Cho vay mở sổ tiết kiệm chứng minh khả năng tài chính đi du học, du lịch; Cho vay chứng minh khả năng tài chính để đấu thầu, đấu giá... mà khách hàng có tài sản bảo đảm.

Tương tự, với mục đích vay góp vốn, hợp tác đầu tư, cơ quan này cũng kiến nghị cho vay trong trường hợp khách hàng có tài sản bảo đảm.

Ví dụ: Cho vay để góp vốn thành lập công ty; Hợp tác đầu tư với bên thứ ba; Nhận chuyển nhượng vốn góp; Bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa mà người vay có tài sản bảo đảm.

Cơ quan này cho rằng việc kiểm soát nhu cầu vốn thông qua biện pháp không được cho vay tín dụng chỉ nên quy định trong các trường hợp như: Mua bán vũ khí, ma túy, buôn lậu; mua bán vàng miếng hay vay để đảo nợ hoặc nhằm mục đích che giấu nợ quá hạn/nợ xấu.

vay thanh toán tiền cọc bất động sản ảnh 1

Các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai hội đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, đối với các ngành nghề không khuyến khích cho vay thì chỉ yêu cầu áp dụng các điều kiện tín dụng khắt khe hơn để hạn chế tín dụng. Ví dụ: Giới hạn tỷ lệ cho vay/tài sản bảo đảm; giới hạn về tỷ lệ cho vay/tổng dư nợ...

Còn với khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản bảo đảm tốt, thanh khoản cao, pháp lý đầy đủ thì tài sản đó cũng được xem là nguồn lực tài chính của khách hàng như là vốn tự có, vốn đối ứng, ứng trước của khách hàng...

Bên cạnh đó, hiệp hội cũng cho biết hiện nay nhiều luồng dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước định hướng "thắt chặt" tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả cho vay để mua bất động sản cao cấp do là khoản vay "có giá trị lớn".

"Điều này có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê bất động sản hoặc vay để xây, sửa chữa nhà", hiệp hội nhìn nhận.

Do vậy, HoREA cho rằng nên thay thế từ "kiểm soát" bằng từ "quản lý" hoặc cụm từ "tăng cường quản lý" và Ngân hàng Nhà nước cần quy định "khoản vay có giá trị lớn" để thuận tiện cho công tác thống kê và quản lý.

Cơ quan này đánh giá cần thiết bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật.

"Với quy định này các doanh nghiệp bất động sản tuân thủ pháp luật sẽ không bị ảnh hưởng, các dự án đủ các điều kiện huy động vốn thì khách hàng vẫn được vay tín dụng để thanh toán tiền đặt cọc", hiệp hội đánh giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không được cho vay để khách hàng chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Đồng thời, không được cho vay góp vốn hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành vốn điều lệ hoặc không hình thành vốn điều lệ; không cho vay nhận chuyển nhượng vốn góp; không cho vay thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch tương lai chưa đủ điều kiện; không cho vay bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.

Thanh Thương

ZING

Các tin tức khác

>   Yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đầu cơ đất (24/06/2022)

>   Sở hữu chung cư 50 năm hay vĩnh viễn? (22/06/2022)

>   Không được kéo dài thời hạn giải quyết tính thuế chuyển nhượng bất động sản (20/06/2022)

>   Áp bảng giá đất hay buộc giao dịch qua ngân hàng đều "bó tay" trước gian lận chuyển nhượng nhà đất? (17/06/2022)

>   Hồ sơ chuyển nhượng bất động sản kéo dài, dân phải đóng thuế thay vì được miễn (17/06/2022)

>   Đơn giản hóa thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (16/06/2022)

>   Hà Nội quy định mới về đấu giá đất, 'tiền cọc' bằng 20% giá khởi điểm (14/06/2022)

>   Ngâm hồ sơ mua bán nhà đất, ngành thuế có vô cảm? (14/06/2022)

>   TP.HCM hỗ trợ chi phí thuê nhà tạm cư không quá 24 triệu đồng/hộ/tháng (14/06/2022)

>   Tổng cục thuế yêu cầu các Cục thuế không thực hiện trả lại hồ sơ chuyển nhượng đất để khai lại (14/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật