Chứng khoán Tuần 25-29/07/2022: VN-Index vượt ngưỡng 1,200 điểm
VN-Index có tuần tăng điểm tương đối tích cực với mức tăng gần 12 điểm. Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng trên cả hai sàn HNX và HOSE là tín hiệu tích cực với chỉ số này.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 25-29/07/2022
Giao dịch: Trong phiên cuối tuần, VN-Index giảm nhẹ 1.79 điểm, kết phiên ở mức 1,206.33 điểm; HNX-Index giảm 1.23 điểm, dừng chân ở mức 288.61 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng 11.57 điểm (+0.97%); HNX-Index giảm nhẹ 0.22 điểm (-0,08%).
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 468 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 6.62% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 57 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 12.44% so với tuần giao dịch trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Bảy năm 2022 ước đạt 486 ngàn tỷ đồng, tăng 2.4% so với tháng trước và tăng 42.6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3,205.8 ngàn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng đều cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Thị trường chứng khoán trong nước bước vào tuần giao dịch với những phiên đầu tuần giằng co trong biên độ hẹp. VN-Index theo đó cũng liên tục đi ngang dưới ngưỡng 1,200 điểm với khối lượng giao dịch ở mức thấp. Sự bùng nổ xuất hiện trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (28/07/2022) sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm như kỳ vọng để đối phó với lạm phát, VN-Index bứt phá tăng hơn 17 điểm với thanh khoản tăng vọt. Tính cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 11.57 điểm, vượt lên trên ngưỡng 1,200 để dừng chân ở mức 1,206.33 điểm.
Về mức độ ảnh hưởng, VCB, SAB, BID, BCM và VHM là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index trong tuần qua. Các mã này góp hơn 10 điểm tăng cho chỉ số này. Trong khi đó, VIC, MWG, HPG và MSN là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất. Riêng VIC đã lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số.
Về nhóm ngành, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán cùng có tuần giao dịch tương đối tích cực khi nhiều ông lớn đều tăng tốt. Trong nhóm ngân hàng, VCB tăng 3.03%, BID tiến 5.07%, TCB tăng 2.16%, VIB, VPB và CTG đều hiện sắc xanh tích cực.
Trong nhóm cổ phiếu xây dựng, ngoài sự sụt giảm đáng kể của REE (-7.05%), hầu hết các cổ phiếu khác đều hiện sắc xanh khá tích cực. Có thể kể tới các cổ phiếu như PC1, HHV, HUT, CII cùng tăng trung bình trên 1%. Cổ phiếu BCG cũng có tuần giao dịch sôi động khi là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong ngành với mức tăng 2.35%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chế biến thuỷ sản lại có sự sụt giảm tiêu cực. Bên cạnh cước vận tải, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp thủy sản chính là lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật, EU... khiến sức mua yếu. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến cũng đang khiến hoạt động sản xuất thủy sản những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn dù xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng kỷ lục 40% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương giá trị 5.8 tỷ USD. Trong tuần, các cổ phiếu lớn trong nhóm cùng ghi nhận sự sụt giảm như FMC (-7.96%), ANV (-5,11%), IDI (-1.57%), VHC (-1.79%)…
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 1,511 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại mua ròng gần 1,501 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng gần 10 tỷ đồng trên sàn HNX.
Cổ phiếu tăng tiêu biểu trong tuần qua là BCM và CLM
CLM tăng 60.61%: CTCP Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) cho thấy doanh nghiệp này có giai đoạn ăn nên làm ra khi đạt lãi sau thuế 274 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CLM ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.98 ngàn tỷ đồng và 283 tỷ đồng, gấp 5 lần và 22 lần cùng kỳ. Qua đó, giá cổ phiếu này cũng tăng đột biến trong tuần qua với mức tăng gần 61%, lên mức 89,300 đồng/cp.
BCM tăng 10.53%: Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, cụ thể Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (HOSE: BCM) công bố BCTC hợp nhất quý 2/2022, ghi nhận lãi ròng gần 919 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, giá cổ phiếu cũng liên tục bật tăng tích cực.
Cổ phiếu giảm giá mạnh trong tuần qua là DBC
DBC giảm 9.85%: Sau giai đoạn tăng nóng do hưởng lợi từ việc giá thịt heo tăng cao, cổ phiếu DBC đã có dấu hiệu bị chốt lời trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 2 của doanh nghiệp cũng có sự suy yếu khi lãi ròng giảm 93% so với cùng kỳ đã tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu này. Trong tuần qua, DBC giảm gần 10% xuống mức 23,800 đồng/cp.
II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
Bộ phận Phân tích Kinh tế & Chiến lược Thị trường, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|