Vì sao Mỹ, EU muốn mua nhiều bún, mì... nhưng công ty Việt 'lắc đầu'?
Ngày 18-6, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 63 với chủ đề Giải pháp vốn cho doanh nghiệp (DN) giai đoạn phục hồi kinh tế.
Doanh nghiệp chưa thụ hưởng chương trình hỗ trợ lãi vay 2%
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, thời điểm này kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, doanh nghiệp (DN) cần vốn để khôi phục lại các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tuyển dụng lao động mới, đổi mới máy móc thiết bị sản xuất… Trong khi đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu, mặt bằng đều tăng nên nhu cầu về vốn của DN là rất lớn.
Theo ông Hưng, nhu cầu vay vốn của DN tăng nhanh trong thời gian này đã đẩy tín dụng lên cao so với cùng kỳ những năm trước trong khi nhiều ngân hàng đã đụng trần tín dụng, chỉ còn biết chờ được cấp thêm hạn mức.
Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất cho vay 2% áp dụng cho những khoản vay mới mà ngân hàng không còn room tín dụng thì không thể giải ngân.
“Thực tế việc tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó. Do đó, để DN nhỏ được tiếp cận gói tín dụng tốt nhất chúng tôi mong muốn thúc đẩy triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN thành viên” - ông Hưng nói.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM, DN sản xuất LTTP đang trong cơn bão giá khi tất cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng 20%-30%. Suốt thời gian qua, ngành LTTP đã cùng thành phố duy trì mặt bằng giá không để lạm phát tăng cao.
Hiện nay, các DN đang trong tình trạng khát vốn chứ không phải thiếu vốn. Chẳng hạn, trước đây DN chỉ cần 100 tỉ đồng dự trữ nguyên vật liệu nhưng hiện nay tiền dự trữ đó phải là 150 tỉ đồng. Vậy ở đâu ra 50 tỉ đồng chênh lệch này?
Bà Chi dẫn chứng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng từ Nghị định đến Thông tư mất thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 mới bắt đầu triển khai, độ trễ này là quá trễ đối với DN.
Theo bà Chi, hiện nay các DN ở Mỹ, Châu Âu, các thị trường khó tính đặt đơn hàng thực phẩm ăn liền, đồ uống, bún, miến, mì ăn liền… nhiều đến mức DN không dám nhận đơn hàng. Vì giá thay đổi quá nhanh, nếu DN kí hợp đồng lớn sẽ không điều chỉnh được. Tiền không có, không đủ vốn dự trữ.
“Gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng lớn lắm nhưng độ trễ của chính sách khiến DN chưa thụ hưởng được. Hiện nay DN LTTP khó khăn muôn bề, phải dùng kênh huy động vốn khác mới được duy trì sản xuất đến thời điểm này” – bà Chi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tham quan các gian hàng tại hội thảo. ẢNH: TÚ UYÊN
|
Ngân hàng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP.HCM, xác nhận Hội LTTP đã có văn bản kiến nghị và ngân hàng đã xử lý ngay, có cơ chế hỗ trợ.
Vì vậy, ngân hàng trao đổi lại để Hội nắm là nhiều DN trong lĩnh vực LTTP không chỉ được cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho vay mới, lãi suất thấp…Bên cạnh đó, DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã và đang được tiếp cận với lãi suất rất thấp.
“Ngân hàng nhà nước TP.HCM có văn bản chỉ đạo các ngân hàng đang cho DN bình ổn vay cố gắng giữ ổn định lãi suất để phát huy hiệu quả chương trình bình ổn. Nếu Hội còn những vướng mắc khó khăn cụ thể chúng tôi sẵn sàng phối hợp Sở Công Thương, Hội và DN cùng nhau tháo gỡ” - ông Lệnh nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết hội thảo là cơ hội lãnh đạo thành phố, các sở ngành lắng nghe ý kiến từ DN để trong công tác điều hành kinh tế xã hội sâu sát hơn, đồng hành cùng DN.
Theo ông Mãi, sau khi mở cửa kinh tế phục hồi, DN phục hồi nhưng có ba điểm Chính quyền thành phố phải tập trung hơn.
Thứ nhất là vốn, trong sáu tháng đầu năm các ngân hàng trên địa bàn đã ngồi lại với DN để tìm cách cho dòng tín dụng chảy nhanh hơn.
Thứ hai, lao động đang là vấn đề khó khăn, một số ngành nghề suy giảm lao động trong đó có những ngành giảm đến trên 20%. Trong vấn đề này có điểm tích cực là ngành LTTP giảm lao động nhờ DN chuẩn hóa quy trình, dây chuyền, áp dụng công nghệ mới.
Thứ ba là thành phố đang nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ áp dụng chuyển đổi số, hỗ trợ DN công nghệ thông tin tham gia vào chuyển đổi số.
TÚ UYÊN
Pháp luật TPHCM
|