Thứ Sáu, 17/06/2022 20:59

Cơ hội nào cho Việt Nam khi Singapore 'khủng hoảng cơm gà'?

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để xuất khẩu gà sang Singapore giữa “khủng hoảng cơm gà”.

“Khủng hoảng cơm gà" của Singapore bắt đầu khi thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob công bố ngừng xuất khẩu thịt gà sống sang Singapore từ tháng 6. Điều này đã khiến Singapore thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung gà tươi và phải chuyển sang dùng gà đông lạnh.

Theo truyền thông Singapore, chính phủ Malaysia hôm 14/6 đã thông báo dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu gà sang nước láng giềng. Singapore đã có thể nhập khẩu trở lại gà kampong (một giống gà địa phương) và gà ác. Tuy nhiên, “khủng hoảng cơm gà" vẫn khiến nhiều người lo ngại vì Malaysia vẫn hạn chế xuất khẩu gà thịt, loại gà được sử dụng nhiều tại Singapore.

“Khủng hoảng cơm gà" liệu có phải là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu gà sang nước láng giềng?

Singapore nhập khẩu hơn 214.000 tấn thịt gà

Theo báo cáo Thống kê Lương thực Singapore mới nhất từ ​​Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) số lượng các nguồn cung cấp thực phẩm nhập khẩu của các quốc gia và khu vực đã tăng từ năm 2019 đến năm 2021.

Có tới 40 quốc gia được phép xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao sang Singapore, sau khi đáp ứng các yêu cầu của SFA về an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng.

nhập khẩu, Việt Nam, chăn nuôi ảnh 1

Singapore nhập khẩu hơn 214 tấn thịt gà trong năm 2021. Ảnh: SCMP.

Một trong những nguồn cung cấp thực phẩm lớn nhất của Singapore là nước láng giềng Malaysia, cung cấp hơn một nửa số trứng, khoảng 40% trái cây và rau quả, cũng như một lượng lớn thịt và hải sản. Singapore cũng mua nhiều thịt từ Brazil hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Singapore đã nhập khẩu 214.400 tấn thịt gà vào năm 2021. Khoảng 48% số gà này là từ Brazil, tiếp theo là 34% từ Malaysia và 8% từ Hoa Kỳ. 10% còn lại đến từ các quốc gia và khu vực khác. Trong 3 năm qua, Singapore cũng đã đa dạng hóa hơn nữa nguồn trứng của mình. Năm 2019, 72% lượng trứng nhập khẩu của Singapore là từ Malaysia, nhưng con số này đã giảm xuống còn 52% vào năm 2021. Tỷ lệ trứng được sản xuất trong nước đã tăng từ 26% vào năm 2019 lên 30% vào năm 2021.

​​Tại Singapore, việc nhập khẩu một số sản phẩm như sữa và các sản phẩm từ sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và phải chịu kiểm soát chặt chẽ, bao gồm: cấp phép đối với nông trại ở nước ngoài, các quy trình kiểm tra và kiểm định.

Việc nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt chỉ được phép từ các nguồn đã được phê duyệt bởi SFA. Mỗi lô hàng nhập khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận sức khỏe thú y do cơ quan thú y của nước xuất khẩu cấp, xác nhận rằng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm của Singapore. Mỗi thùng và đơn vị đóng gói cơ bản của thịt và sản phẩm nhập khẩu phải được dán nhãn với các nội dung như: mô tả của sản phẩm thịt, nguồn gốc quốc gia sản phẩm…

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Năm 2021 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 18.000 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá hơn 72 triệu USD.

Trong các sản phẩm thịt xuất khẩu, chiếm tỷ trọng lớn nhất là thịt gà. Thịt gà chế biến xuất khẩu năm 2021 đạt 2.531 tấn, tăng 36,58% so với năm 2020. Việt Nam đã đàm phán thành công xuất khẩu thịt gà chế biến sang Nhật Bản (năm 2017), Hong Kong (năm 2019) và các nước thuộc liên minh kinh tế Á - Âu (2021).

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ: “Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam xuất khẩu gà sang Singapore. Chúng ta đã đáp ứng được các yêu cầu để xuất khẩu được gà sang Nhật - một đất nước rất nghiêm ngặt trong vấn đề nhập khẩu. Vậy nên, Việt Nam đầy đủ dữ kiện về an toàn thực phẩm”.

nhập khẩu, Việt Nam, chăn nuôi ảnh 2

"Khủng hoảng cơm gà" sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Ảnh: The Culture Trip.

Ông Công cũng khẳng định giống vật nuôi, năng suất và phương pháp chăn nuôi của Việt Nam không khác nhiều so với các nước phát triển.

“Ngành chăn nuôi gia cầm có tốc độ phục hồi rất nhanh, chỉ mất khoảng 30 ngày cho một lứa. Chúng ta có nguồn cung khá dồi dào vì tốc độ sản xuất hay xây dựng chuồng trại đều đang tăng lên”.

Theo ông Công, vấn đề đầu tiên của ngành chăn nuôi hiện nay là giá cả thức ăn chăn nuôi nhập khẩu 90% từ nước ngoài, đã tăng lên hơn 40%. Điều này khiến cho giá gà, dù thấp hơn các nước nhưng vẫn chưa quá hấp dẫn và có sức cạnh tranh.

Ngoài ra, các trang trại vừa và nhỏ cần liên kết với nhau để cùng tìm nguồn cung thức ăn chăn nuôi giá rẻ, giữ giá gà bình ổn và tìm kiếm nơi tiêu thụ ổn định. Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng bộ Công Thương, cục thú y cần ngồi lại, rà soát tiêu chuẩn nhập khẩu của Singapore và tìm ra phương án hỗ trợ doanh nghiệp.

Diệu Thanh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Xuất nhập khẩu nhiều khởi sắc, cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD (17/06/2022)

>   "Bùng nổ" sau dịch, tốc độ phục hồi thị trường hàng không nội địa Việt Nam nhanh nhất thế giới (16/06/2022)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp vượt rào cản xuất khẩu (15/06/2022)

>   Cựu phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến được giảm án tù (15/06/2022)

>   Ông Nguyễn Đức Chung nói gì về sự liên quan của con trai trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C ? (15/06/2022)

>   Ngày 1-7, chính thức thu phí tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (14/06/2022)

>   Áp dụng thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu, Việt Nam có bị tác động? (14/06/2022)

>   Doanh nghiệp chống chọi với “bão giá” nguyên liệu đầu vào (14/06/2022)

>   Nghiên cứu quy định về trách nhiệm giải trình tài sản của người thân trong gia đình (14/06/2022)

>   Giá xăng dầu thiết lập kỷ lục mới: Đề xuất tiếp tục giảm thuế có khả thi? (14/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật