Thứ Ba, 07/06/2022 09:52

"Thủ phạm" gây áp lực lạm phát 7 tháng cuối năm khiến Bộ trưởng Bộ Tài chính lo ngại

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, diễn biến khó lường của giá năng lượng và vật tư chiến lược thế giới cùng việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình, đáng chú ý là giá dịch vụ giáo dục sẽ gây khó cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 7 tháng cuối năm 2022...

"Chật vật" ghìm lạm phát 7 tháng cuối năm do tăng giá dịch vụ giáo dục, năng lượng và vật tư chiến lược.

Báo cáo một số nội dung liên quan đến vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV gửi đại biểu Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký, nêu rõ, với diễn biến CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25%, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.

Tuy nhiên theo ông Phớc, trước những diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép đến mặt bằng giá trong nước cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị trường, trong đó có giá dịch vụ giáo dục, sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu kiểm soát cả năm 2022.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục năm học 2022-2023 theo khung giá tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, ước có thể làm tăng CPI bình quân năm 2022 thêm 0,55-1,05%.

Mục tiêu bị lung lay

Theo Bộ Tài chính, các giải pháp tài khóa triển khai thực hiện những tháng đầu năm 2022 như giảm thuế VAT từ 10% xuống 2% một số hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả, kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu và cả năm 2022.

Tuy nhiên, diễn biến giá các mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục có xu hướng leo thang khó lường khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát có phần lung lay. 

Vì vậy, ngay trong tháng 6/2022, Bộ Tài chính có Công văn số số 5079/BTC-QLG ngày 2/6/2022 gửi các bộ, ngành, địa phương đôn đốc đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá kiểm soát lạm phát.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Tài chính chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương để định hướng trong công tác điều hành giá năm 2022.

Trong những tháng đầu năm 2022, trước những biến động tăng giá các mặt hàng chiến lược, nhất là các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới gây áp lực đối với lạm phát trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành, bình ổn giá để kiểm soát lạm phát mục tiêu cũng như các biện pháp quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Trước đó, ngay giai đoạn trước và sau Tết, Bộ Tài chính gấp rút ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường như Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 25/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; Công văn số 1076 /BTC-QLG ngày 07/2/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành giá.

Thách thức trong 7 tháng cuối năm

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đó, cần chú trọng thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

"Tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát thế giới, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp".

Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.

Đáng chú ý, để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, tư lệnh ngành tài chính đề xuất, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá 

"Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá.

Cùng với đó, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.

Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.

Ánh Tuyết

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Khai trừ Đảng các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long (06/06/2022)

>   Đột phá giao thông sẽ đột phá về kinh tế (06/06/2022)

>   NÓI THẲNG: Tiền tham chưa tiền lệ (06/06/2022)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng (05/06/2022)

>   Kinh tế Việt Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh (05/06/2022)

>   Bộ Chính trị đề nghị thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long (04/06/2022)

>   Kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ (04/06/2022)

>   Quốc hội sẽ chất vấn NHNN và Bộ Tài chính về việc quản lý và kiểm soát tín dụng bất động sản, chứng khoán (03/06/2022)

>   Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Gói 350,000 tỷ sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới (02/06/2022)

>   ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu (02/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật